Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông theo yêu sách bản đồ “đường lưỡi bò”, “đường chín đoạn” hay “đường chữ U” do nước này tự vạch ra. Để biện minh cho những hành động phi pháp, Trung Quốc cho rằng họ có “quyền sở hữu” hợp pháp đối với các vùng biển tranh chấp, thậm chí là đối với cả khu vực thuộc chủ quyền các nước láng giềng. Điều này đang bị dư luận khu vực và quốc tế lên án mạnh mẽ.
Những hành động quân sự hóa của TQ ở Biển Đông. Nguồn: AFP
Về “cái gọi là quyền sở hữu” của TQ ở Biển Đông
Yêu sách “đường lưỡi bò” là văn kiện pháp lý đầu tiên Trung Quốc chính thức đưa bản đồ “đường lưỡi bò” ra trước cộng đồng quốc tế nhằm hợp thức hóa cho một yêu sách chủ quyền hết sức phi lý và phi pháp, phớt lờ mọi chuẩn tắc của luật pháp quốc tế, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử quan hệ quốc tế. Kèm theo đó là bản đồ giống như lưỡi bò liếm xuống Biển Đông (được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Brunei, bao trùm cả bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông, đó là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys), Đông Sa (Pratas), bãi cạn Trung Sa (Macclesfield) và Bãi ngầm James Shoal (Tăng Mẫu) ở cực Nam vào khoảng 40 vĩ Bắc, chiếm trên 80% diện tích Biển Đông). Trung Quốc nhiều lần ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là “quyền sở hữu” của nước này và áp đặt ra các luật lệ đòi các nước phải tuân theo. Đối với các khu vực tranh chấp, Trung Quốc lấy cơ “quyền sở hữu” để triển khai lực lượng quân sự, chấp pháp xua đuổi tàu thuyền các nước hay tiến hành các hoạt động mở rộng đảo, quân sự hóa Biển Đông. Một hình thức khác mà Trung Quốc dựa vào “quyền sở hữu” đó là đề xuất gác tranh chấp, cùng khai thác… Tuy nhiên, tất cả các lập luận của Trung Quốc cho đến nay để bảo vệ yêu sách trên đều không có cơ sở pháp lý vững chắc. Dù là “đường chữ U” được cho là gì và ở đâu, tất cả các diễn giải trên đều không phù hợp luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) hồi tháng 7/2016 đã khẳng định yêu sách lịch sử trong phạm vi đường lưỡi bò là trái với luật pháp quốc tế và UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên.
Malaysia yêu cầu TQ phải xác định rõ “cái gọi là quyền sở hữu” của họ ở khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông
Malaysia nằm trong số các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên tuyến hàng hải chiến lược có lượng lưu thông toàn cầu trị giá lên đến 5.000 tỷ USD mỗi năm. Tháng 3/2016, hơn 100 tàu cá Trung Quốc bị Cơ quan An ninh quốc gia Malaysia phát hiện đang đánh bắt trái phép ngoài khơi bãi cạn Luconia (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia). Ngay lập tức, Chính phủ Malaysia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đến để phản đối, đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra từ Cơ quan Chấp pháp biển (MMEA) và Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đến vùng biển trên. Dư luận Malaysia đang lo ngại về việc Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” bao trùm lên cả Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Phát biểu trong chuyến thăm Philippines hôm 7/3, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng Trung Quốc nên xác định rõ “cái gọi là quyền sở hữu” của họ ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, để các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể bắt đầu khai thác lợi ích trong vùng biển giàu tài nguyên này. Thủ tướng Mahathir nói rằng “nếu không có giới hạn, thì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhiều đến chúng ta”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “tự do hàng hải” trên tuyến đường biển, đường hàng không quốc tế quan trọng bậc nhất này. “Chúng ta phải nói chuyện với Trung Quốc về việc xác định yêu sách chủ quyền của họ và ‘quyền sở hữu’ hay ‘cái gọi là quyền sở hữu’ mà họ tuyên bố có nghĩa là gì, để chúng ta có thể tìm ra phương cách có được một số lợi ích từ đó”, ông Mahathir nói. “Tôi cho rằng dù yêu sách của Trung Quốc có là gì, thì điều quan trọng nhất là Biển Đông nói riêng phải được mở cửa cho hàng hải”. “Không hạn chế, không trừng phạt và nếu điều đó xảy ra, thì tôi nghĩ những tuyên bố của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta”, Thủ tướng Mah Mahirir nói thêm.
Trước phát biểu trên hôm 7/3 của Thủ tướng Mahathir Mohamad, chính giới Malaysia đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội Malaysia (25/7/2018), Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah tuyên bố Chính phủ mới của Malaysia sẽ có lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng hiện diện và gây hấn tại khu vực này. Ông Saifuddin Abdullah nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng “tàu chiến không nên xuất hiện trên Biển Đông” và cho rằng Thủ tướng Mahathir đã “phát đi tín hiệu rằng Malaysia sẽ cứng rắn và nghiêm túc hơn” trong việc xử lý các tranh chấp hàng hải. Theo Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah, việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa vùng Biển Đông đã làm dấy lên quan ngại trong vùng và có nguy cơ làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Ông Saifuddin cho rằng tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2012 “không có hiệu quả” và việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực gây ra nhiều lo ngại cũng như nguy cơ leo thang căng thẳng. Cũng theo Ngoại trưởng Saifuddin, việc Trung Quốc phái tàu tuần tra lớn tới các vùng giàu tài nguyên năng lượng khiến các láng giềng khó chịu. Tháng 01/2016, Ngoại trưởng Malaysia lúc đó là Anifah Aman đã lên án việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử nghiệm xuống đường băng mà họ xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập đã tạo môi trường không thuận lợi đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ngoại trưởng Anifah nhấn mạnh hành động trên của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và có thể làm cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông nhưng từ chối xác định phạm vi yêu sách chủ quyền của mình, ngoại trừ một “đường lưỡi bò” (“đường 9 đoạn”) mơ hồ trên bản đồ, làm phức tạp tranh chấp với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền là Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei. Việc Malaysia yêu cầu Trung Quốc phải xác định rõ “cái gọi là quyền sở hữu” của họ ở khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông tiếp tục cho thấy Trung Quốc tiếp tục bị dư luận phản đối đối với các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.