Trung Quốc lập ra Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc vào năm 2011 và sau đó chính thức đề ra chương trình “Kế hoạch Biển Đông” kéo dài 8 năm (2011 – 2020), nhằm lợi dụng các hoạt động và kết quả của khảo cổ, khảo sát đáy đại dương ở Biển Đông để củng cố, biện minh cho các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của nước này.
Hoạt động khảo cổ của TQ trong “Kế hoạch Biển Đông”. Nguồn: SCMP
Về cái gọi là “Kế hoạch Biển Đông” và quá trình triển khai của TQ
“Kế hoạch Biển Đông” thực chất là kế hoạch của Trung Quốc đưa ra nhằm thúc đẩy triển khai hoạt động khảo cổ, khảo sát khoa học đáy biển ở Biển Đông để tìm kiếm các vết tích lịch sử nhằm phục vụ cho các lập luận về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2011, Trung Quốc lập ra Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc và sau đó chính thức đề ra chương trình “Kế hoạch Biển Đông” kéo dài 8 năm (2011 – 2020), với số vốn đầu tư hơn 190 triệu nhân dân tệ.
Theo Kế hoạch này, Trung Quốc đã đào tạo hàng trăm nhà khảo cổ đại dương, xây dựng 3 viện bảo tàng dưới nước và đầu tư hàng triệu đô la vào lĩnh vực nghiên cứu đại dương. Để tăng cường nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, kể từ khi chương trình bắt đầu, Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng hơn 60 chuyến khảo sát khoa học. Trung Quốc đã thành lập Trung tâm bảo vệ di sản văn hoá dưới nước (CCUCHP), sau đó lập ra “Đội bảo vệ di sản văn hoá dưới nước quốc gia”, với sự tham gia của Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an, Giao thông Vận tải và Cục Quản lý Đại dương. Ngoài ra, một trung tâm bảo tồn và nghiên cứu khảo cổ dưới nước đã được thành lập ở Tế Nam, Sơn Đông. Năm 2013, Trung Quốc mở rộng hoạt động khảo cổ phi pháp đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 cái gọi là “di sản văn hóa” khác nhau dưới đáy biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đến năm 2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng Bảo tàng Hải dương Quốc gia đầu tiên tại Thiên Tân, với chi phí xây dựng lên đến 430 triệu USD. Hiện nay, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng phi pháp Trạm khảo cổ biển trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do nước này cưỡng chiếm.
Bên cạnh các trung tâm nghiên cứu, đào tạo các nhà khoa học thì Trung Quốc cũng chú trọng đầu tư mạnh cho phương tiện máy móc.Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có gần 60 tàu khảo sát, gồm 26 tàu khảo sát xa bờ, trên 30 tàu khảo sát gần bờ như tàu Tuyết Long (thuộc Trung tâm nghiên cứu địa cực Trung Quốc), tàu Phát Hiện (thuộc Đại đội Khảo sát địa chất hải dương số 1, Cục dầu mỏ Hải Dương Thượng Hải), tàu Khảo Cổ 01 (thuộc Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc), tàu Chiết Hải Khoa 1 (thuộc Đại học Hải Dương Chiết Giang), tàu Đại Dương số 1 (thuộc Hiệp hội phát triển nghiên cứu tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc), tàu Hướng Dương Đỏ 06 (thuộc Chi cục Bắc Hải Cục Hải dương Quốc gia), tàu thực nghiệm tổng hợp Lý Tứ Quang, tàu điều tra hải dương 871, tàu khảo sát vật lý địa cầu Hải Dương Thạch Du (tàu Hải Dương Thạch Du 720 và tàu Hải Dương Thạch Du 721), tàu Đông phương Hồng (thuộc Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc)…
TQ tuyên truyền gì cho thành quả của “Kế hoạch Biển Đông”
Trung Quốc đã tuyên truyền rầm rộ về thành quả của “Kế hoạch Biển Đông”, như cho xuất bản hàng loạt các ấn phẩm phổ biến khảo cổ học dưới nước, nghiên cứu chuyên sâu về tàu, thuyền, hải dương như công trình khảo cổ dưới nước Tây Sa gắn với vùng Biển Đông của Việt Nam để tuyên truyền về hoạt động khảo cổ, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông. Trung Quốc tuyên truyền cho rằng đã phát hiện 12 “địa điểm chứa cổ vật văn hóa dưới nước” tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc cho hay các nhà khảo cổ học đã phát hiện được các đồng tiền xu cổ và đồ gốm từ Ấn Độ và vùng Tây Á trong các đợt nghiên cứu dưới nước mới đây. Những cổ vật này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp. Đáng chú ý, công tác khảo cổ của Trung Quốc cũng đang được mở rộng đến tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 “khu vực di sản văn hoá” dưới nước ở giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và đã tiến hành thăm dò khảo cổ trái phép ở Trường Sa kể từ năm 2013. Trong khi đó, các hãng tin Trung Quốc, cả chính thống và phi chính thống cũng tích cực tuyên truyền, định hướng dư luận trong nước cũng như bên ngoài về các hoạt động khảo cổ hải dương của Bắc Kinh. Đài truyền hình Trung Quốc cũng triển khai nhiều phóng về hoạt động trên để tuyên truyền cho các hành động phi pháp của Bắc Kinh. Đáng chú ý Trung Quốc tuyên truyền cho rằng khảo cổ hàng hải và bảo vệ lịch sử hàng hải của Trung Quốc đã trở thành những công cụ quan trọng trong việc “bảo vệ quyền và chủ quyền” trên biển của Trung Quốc. Nó đồng thời trực tiếp ám chỉ đến những tranh chấp “phức tạp” mà Trung Quốc hiện phải “đối mặt” với các nước láng giềng. Giới chức Trung Quốc ca ngợi khảo cổ biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và gìn giữ quyền lợi trên biển của Trung Quốc.
Âm mưu thực sự của TQ khi tiến hành “Kế hoạch Biển Đông”
Để biện minh cho các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc cho rằng nơi nào có hiện vật nguồn gốc Trung Hoa, nơi đó là vùng lãnh thổ do người Trung Hoa chiếm cứ và khai thác, bởi họ có ý đồ sẽ hậu thuẫn cho mục tiêu dịch chuyển không gian hàng hải đến toàn bộ dân chúng. Điều đó cho thấy, khảo cổ học dưới đáy biển mang ý nghĩa chính trị trong vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia. Thứ nhất, mục đích của Trung Quốc tập trung vào khảo cổ học không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà quan trọng hơn là nâng cao địa vị cường quốc hải dương của Trung Quốc với thế giới và từng bước độc chiếm Biển Đông. Khảo cổ cũng là chiêu trò mới của Trung Quốc trong việc tìm kiếm các chứng cứ lịch sử, yêu cầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của họ là di sản văn hóa thế giới. Nó thực chất là thủ đoạn ngụy tạo những chứng cứ lịch sử về sự hiện diện, khai phá của cư dân Trung Quốc trên các quần đảo. Chính điều này đã khiến cho Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines hôm 26/2/2018 phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 05 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Thứ hai, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc đưa hàng loạt các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm xuống Biển Đông cho thấy, Trung Quốc đang không ngừng đầu tư chế tạo các tàu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và khoa học trái phép, nhằm hiện thực hóa âm mưu hết sức nguy hiểm là tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ và vơ vét tài nguyên ở 80% diện tích Biển Đông. Thứ ba, những tàu khảo sát vật lý địa cầu dưới đáy biển này đóng vai trò như những tên “lính tiên phong”, sẽ tiến hành thăm dò, lấy mẫu các tầng đất đá, nghiên cứu cấu tạo các tầng địa chất dưới đáy biển để tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện hiện của các mỏ dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các giàn khoan tiến hành thăm dò chất lượng và trữ lượng dầu trong các mỏ ngầm dưới đáy biển.