Cuộc gặp thượng đỉnh EU – Trung Quốc sắp tới đây dự kiến sẽ đối mặt với nhiều sóng gió từ bất đồng của hai bên.
Các tờ báo châu Âu đồng loạt đưa thông tin cho biết hôm 5/4, Trung Quốc từ chối đưa ra cam kết chắc chắn đối với Liên minh Châu Âu EU về quyền tiếp cận tự do vào thị trường của quốc gia châu Á này. Vì thế, hội nghị Thượng đỉnh giữa hai bên diễn ra vào tuần tới dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiến hành đối thoại với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào ngày 9/4 tới đây, nhưng khả năng cao sẽ không thể đưa ra tuyên bố chung vì hai bên ẩn chứa nhiều mâu thuẫn.
Từ những mâu thuẫn này, cơ hội để có bước đột phá trong quan hệ hai bên về vấn đề đối tác kinh tế là rất khó khăn. EU đang tìm cách xây dựng một cơ chế “đa phương và đồng loạt” đối với các quan điểm về Trung Quốc – đối tác thương mại lớn thứ hai của khối. Song lại vẫn muốn giữ cho mình một rào cản an toàn.
Bởi lẽ, các tập đoàn của Trung Quốc có thể tự do tham gia vào thị trường của các quốc gia thành viên EU, trong khi từ phía ngược lại, các tập đoàn của EU không được tiếp xúc toàn diện với thị trường nội địa Trung Quốc. EU cho rằng Bắc Kinh vẫn đang thực hiện chính sách bảo hộ thương mại.
Thậm chí, trước khi thượng đỉnh hai bên diễn ra, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk còn khẳng định nên hủy bỏ bản dự thảo tuyên bố chung vì “Trung Quốc không đáp ứng sự kỳ vọng và yêu cầu then chốt của EU, trong đó có quyền tiếp cận thị trường và một sân chơi công bằng dành cho doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc”.
Ngoài ra, EU cũng đang không hài lòng với cách ứng xử của Bắc Kinh. Trung Quốc đang tiếp cận với từng quốc gia thành viên của EU và tiến hành cơ chế đàm phán song phương. Họ đưa Một vành đai – Một con đường len lỏi khắp châu Âu, một số nước Bắc Âu, Nam Âu đã trở thành một phần của đại kế hoạch này.
Gần nhất, Italy, một trong những quốc gia có tiếng nói tại châu Âu trở thành thành viên tiếp theo có tên trong Vành đai – Con đường. EU cho rằng Trung Quốc đang khôn khéo trong việc lợi dụng khó khăn của từng nước trong EU và áp đặt vào đó các điều kiện có lợi cho mình.
“Cách tính lãi suất trong số tiền Trung Quốc cho vay để xây dựng ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. EU cần giữ cơ chế đa phương, minh bạch cho điều này, nhưng Trung Quốc không muốn như vậy, họ liên tiếp đưa ra lý do” – ông Tusk cho biết.
EU hồi tháng 3/2019 cũng đưa ra bản danh sách “ứng xử với Trung Quốc”, trong đó nhấn mạnh việc EU sẽ phải hành động thế nào trước việc hợp tác với Bắc Kinh để đảm bảo cho sự đầu tư từ Trung Quốc không trở thành thôn tính, đặc biệt vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của châu Âu.
Nhìn chung, EU đang muốn Trung Quốc từ bỏ cách hành động thiếu rõ ràng của họ, thể hiện một sự công bằng hơn trong cạnh tranh kinh tế để đảm bảo hai bên có thể nâng tầm các sự hợp tác. Có thể thấy, sức ép của EU dành cho Trung Quốc trong lần đàm phán thương mại sắp tới đang lớn dần.
Trung Quốc là đối tác lớn nhất của máy bay Airbus A320
Tuy nhiên, Trung Quốc có cần phải thay thế cách chơi của họ hay không? Tự do tham gia thị trường châu Âu nhưng bảo hộ thị trường trong nước, Trung Quốc có cơ hội thúc đẩy nền kinh tế sản xuất của mình và sử dụng tốt lượng nhân công dồi dào trong nước. Đây cũng là cách Trung Quốc đang đối xử với Mỹ và gây ra một cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc và Mỹ có thể xảy ra thương chiến, bởi sức khỏe nền kinh tế Mỹ đủ sức đương đầu với Bắc Kinh. Nhưng EU lại không có vị thế ấy. EU muốn tạo ra sức ép, nhưng họ không có đủ sức mạnh. Bản thân châu Âu sốt ruột trong việc đàm phán với Trung Quốc bởi một phần họ cũng đang bị chính Washington ép buộc trong nhiều vấn đề liên quan đến thuế quan và thương mại.
EU tìm cách tự chủ trước Mỹ, nhưng họ không thoát được ảnh hưởng kinh tế của Mỹ. Việc Đức muốn phát triển dự án Nord Stream 2 với Nga đã ngay lập tức bị Washington áp thuế nhập khẩu lên ngành ô tô Đức khiến nước này thiệt hại nặng.
Và bây giờ EU cần một nền kinh tế lớn để có thể san sẻ tính phụ thuộc vào Mỹ. Chỉ có điều, Trung Quốc hiểu điều này, và họ đang ép EU hợp tác với họ theo cách chơi của gã khổng lồ châu Á.