Biendong.net – Với tiêu đề “Căng thẳng gia tăng” đăng trong tạp chí “Các vấn đề chiến lược” số ra tháng 9, nhà bình luận chính trị Ấn Độ Ranjeet Kumar khẳng định bất chấp căng thẳng gia tăng với Trung Quốc tại Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa), hải quân Ấn Độ cần đóng vai trò quan trọng tại Biển Đông nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Vậy đâu là lý do khiến Ấn Độ gia tăng hiện diện tại Biển Đông? Ban biên tập Biendong.net trân trọng giới thiệu quý độc giả bài phân tích của ông Kumar như sau:
Việc tiết lộ thông tin về việc Trung Quốc đe dọa tàu INS Airavat của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông trên đường trở về từ chuyến thăm hữu nghị Việt Nam một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận thế giới về thái độ cứng rắn của Trung Quốc về Biển Đông và làm tăng mối lo ngại về khả năng động thái này sẽ làm tăng thêm căng thẳng ở khu vực giao lưu hàng hải quan trọng này.
Mặc dù Hải quân và Bộ Ngoại giao Ấn Độ cùng lúc bác bỏ bất kỳ sự đối đầu nào với Hải quân Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thừa nhận rằng trên thực tế tàu INS Airavat đã nhận được tín hiệu radio từ một người gọi tới tự nhận là “Hải quân Trung Quốc” cảnh báo tàu này “đang đi vào lãnh hải Trung Quốc”. Từ tàu INS Airavat, người ta không nhìn thấy bất kỳ một tàu chiến hay máy bay nào của Trung Quốc khi tiếp tục hải trình đã định trước.
Bộ trưởng AK Antony phát biểu về vấn đề Biển Đông trong Hội nghị Các chỉ huy Hải quân Ấn Độ. Ảnh BBC.
Những hành động cứng rắn gần đây của Trung Quốc về quy chế của Biển Đông và việc nước này hạ thuỷ tàu sân bay đầu tiên để chạy thử trên biển ngày 10/8 đã gây lo ngại sâu sắc không chỉ đối với các nước vùng duyên hải ở khu vực mà cả đối với những nước như Ấn Độ.
Mỹ đã thách thức Trung Quốc về bất đồng ở Biển Đông và Ấn Độ cũng công khai tuyên bố rằng khu vực hàng hải ở Biển Đông là khu vực mở mà bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền tự do đi lại ở đó. Các tuyên bố trên của Hải quân và Bộ Ngoại giao Ấn Độ là bằng chứng cho thấy Hải quân Trung Quốc quả thực đã thách thức tàu chiến Ấn Độ.
Tự do hàng hải
Đó là lý do tại sao Chính phủ Ấn Độ đã buộc phải cứng rắn khi tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông, và giao thông hàng hải phù hợp với các nguyên tắc đã được chấp nhận của Luật pháp quốc tế. Ấn Độ nhắc nhở Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng các nguyên tắc này cần phải được tất cả các nước tôn trọng.
Từ đầu thập kỷ gần đây, Ấn Độ đã bắt đầu xác lập sự có mặt của mình tại Biển Đông vì khu vực quan tâm của Niu Đêli trải dài từ vùng phía Bắc Biển Arập tới Biển Đông và vấn đề này lần đầu tiên đã được Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes đề cập công khai hồi tháng 4/2000.
Từ đó trở đi, Ấn Độ bắt đầu mở rộng các khả năng hoạt động của hải quân nước này tới Biển Đông và ngày càng quan tâm tới việc xây dựng lực lượng và phái các hải đội viễn dương tới khu vực này theo yêu cầu của các nước khu vực có tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa và với các nước chủ yếu khác ở khu vực này.
Các hoạt động đầu tiên của Hải quân Ấn Độ tại khu vực này chủ yếu nhằm mục tiêu chống cướp biển, diễn tập song phương và các chuyến thăm thiện chí các hải cảng, trên thực tế nhằm gián tiếp xác nhận quan điểm của Ấn Độ rằng Biển Đông là khu vực hàng hải quốc tế và mỗi nước đều có quyền bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình bằng lực lượng hải quân của nước đó.
Hầu như 55% tổng lượng hàng hoá trung chuyển của Ấn Độ được chuyên chở qua eo biển Malắcca để tiếp tục được đưa tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các điểm đến quan trọng khác.
Như vậy, Ấn Độ có phần quan trọng sống còn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông mà Trung Quốc tự nhận là lãnh hải của nước họ. Suốt từ khi Trung Quốc bắt đầu tuyên bố nhận chủ quyền như vậy đối với Biển Đông, Hải quân Ấn Độ và các cường quốc hải quân khác đã phản đối tuyên bố đó và coi khu vực này là vùng biển quốc tế.
Tình hình Biển Đông đã được tập trung thảo luận tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ngày 19/7/2010, tại Hà Nội, nơi Ấn Độ lần đầu tiên công khai đưa ra chính sách của mình. Thư ký Đối ngoại Ấn Độ khi đó, bà Nirupama Rao sau đó đã xác định trong một cuộc hội thảo tại Niu Đêli: “Biển Đông là một tuyến hàng hải quan trọng. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông”.
Tại hội nghị ARF mới đây ở Bali (Indonesia), Ấn Độ cho rằng các bên liên quan đã tham gia tranh luận về giải pháp cho vấn đề Biển Đông và hoan nghênh bản hướng dẫn vừa được các bên thỏa thuận về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói rằng xét về lợi ích kinh tế và chiến lược, không có bất kỳ một nước lớn nào, trong đó có Ấn Độ chấp nhận Biển Đông thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Bởi vậy, Ấn Độ đã thông qua một chiến lược tỉnh táo đánh dấu sự có mặt về quân sự của mình tại Biển Đông bằng cách đột phá vào vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là thuộc lợi ích của họ.
Hải quân Ấn Độ bắt đầu phái các đội tàu chiến lớn tới Biển Đông từ đầu thập kỷ và hiện tham gia các cuộc tập trận chung với hải quân các nước có tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa. Ấn Độ hiện tổ chức các cuộc tập trận chung hàng năm với hải quân các nước Singapore, Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Thực tế, Singapore đã giúp Ấn Độ biểu dương lực lượng tại Biển Đông, điều khiến Trung Quốc khó chịu và đã phản đối việc bắn súng và phóng tên lửa trong cuộc tập trận chung Singapore-Ấn Độ (SIMBEX) và cả hai nước sau đó đã đồng ý tập trận một cách lặng lẽ.
Từ đầu thập kỷ gần đây nhất, Ấn Độ đã có thông lệ hàng năm phái các tàu chiến tới thăm các nước như Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và các nước khác thuộc khu vực Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.
Tăng cường các khả năng
Trên thực tế, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes cách đây một thập kỷ đã xác nhận rằng khu vực lợi ích của Ấn Độ kéo dài từ khu vực miền Bắc Biển Arập tới Biển Đông.
Các nhà chiến lược Ấn Độ đã yêu cầu Hải quân nước này mở rộng khả năng hoạt động và tăng cường sức mạnh và lực lượng hoạt động tầm xa. Ấn Độ đã và đang triển khai các tàu chiến của mình cho các hoạt động chống cướp biển phối hợp với các nước khu vực. Bởi Ấn Độ muốn các tuyến thương mại hàng hải được an toàn trước các cuộc tấn công của cướp biển và ngăn chặn các khả năng phá hoại của bất kỳ các nhân tố phi nhà nước nào tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng đã đánh dấu sự có mặt của mình tại Biển Đông và xây dựng quan hệ quốc phòng với các nước liên quan tranh chấp tại vùng biển này.
Từ Việt Nam tới Hàn Quốc, Ấn Độ đã ký các hiệp định hợp tác quân sự ngoài các nước như Indonesia và Malaysia.
Ấn Độ hiện sử dụng cơ hội thuận lợi dành cho mình với tư cách một thành viên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) gồm 10 nước ASEAN và 8 nước không phải ASEAN.
Ấn Độ xem diễn đàn trên là nỗ lực nhằm thiết lập một cấu trúc an ninh mở và mang tính dung nạp đối với khu vực này. Chính sách của Ấn Độ là khuyến khích và tham gia các phương pháp tiếp cận cho phép tất cả các nước trong khu vực này đối phó với các thách thức an ninh kể cả truyền thống lẫn phi truyền thống và bảo đảm cho các tuyến hàng hải trọng yếu ở khu vực này luôn mở, an toàn cho giao lưu hàng hải và thương mại.
Việc Ấn Độ tham gia ADMM+ và các diễn đàn châu Á khác là một phần quan hệ đối tác tiến bộ và đa chiều với khu vực Đông Á. Đồng thời, Ấn Độ cũng hiểu rõ tác động của sự đối địch giữa các cường quốc ở khu vực này và ảnh hưởng của nó đối với khu vực và lợi ích của khu vực.
Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc có kế hoạch mở rộng lực lượng trinh sát biển (MSF) khiến Ấn Độ lo ngại bởi nó sẽ thúc đẩy các nước khác cùng nhận chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa tăng cường triển khai các biện pháp đối phó.
Lực lượng trinh sát biển của Trung Quốc sẽ được trang bị 16 máy bay và 350 tàu vào năm 2015, đồng thời biên chế của lực lượng này sẽ tăng từ 9000 lên 15.000 người vào năm 2020. Ngoài ra, số tàu tuần tra cũng sẽ tăng tới 520 chiếc vào năm 2020. Toàn bộ lực lượng MSF này sẽ được triển khai tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Các quan chức Ấn Độ cho rằng chỉ cần một vụ đụng độ nhỏ cũng có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh lớn ở khu vực liên quan tới rất nhiều nước này. Ấn Độ mong muốn khu vực này không xảy ra tình huống xung đột để các tuyến hàng hải thương mại luôn mở.
Theo nhiều quan chức quốc phòng cấp cao, một cơ cấu các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực hàng hải ở cấp độ song phương và khu vực với Trung Quốc sẽ giúp ích cho việc giữ cho khu vực này không bị căng thẳng.
Niu Đêli cũng muốn có một diễn đàn đối thoại an ninh hàng hải có thể là phần mở rộng của cơ cấu đối thoại quốc phòng đã có sẽ được khôi phục sau khi bị đình trệ hồi năm 2010 do việc Trung Quốc cấp thị thực trên tờ rơi cho công dân Ấn Độ tại bang Giamu và Casơmia gây ra, bằng chuyến thăm của Thứ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới Ấn Độ vào cuối năm nay.
Như vậy, Ấn Độ muốn thấy một Biển Đông không có sự đối địch về quân sự và các tranh chấp được giải quyết một cách thân thiện, và bởi thế muốn can dự không chỉ với Trung Quốc mà còn với tất cả các nước trong khu vực. Ấn Độ cũng muốn xác định thông qua các hoạt động hải quân của nước mình rằng Biển Đông trên thực tế là vùng biển quốc tế và không một nước nào có thể độc chiếm khu vực giao lưu hàng hải cực kỳ quan trọng này.
Long Đặng