Để đáp trả Trung Quốc điều máy bay chiến đấu áp sát khu vực giữa đảo Okinawa và Miyako, Mỹ và Nhật Bản (4/4) tiến hành tập trận ở khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm răn đe và đáp trả hành động khiêu khích của Bắc Kinh.
Trung Quốc điều máy báy áp sát vùng biển của Nhật Bản
Trong hai ngày 30/3 và 1/4, Quân đội Trung Quốc liên tục điều nhiều máy bay áp sát khu vực giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Trung Quốc đã hai lần điều oanh tạc cơ chiến lược bay qua khu vực giữa đảo Okinawa và Miyako. Tiêm kích Nhật Bản được triển khai để giám sát máy bay Trung Quốc, dù các phi cơ này không xâm phạm không phận Nhật Bản. Chuyến bay đầu tiên diễn ra ngày 30/3, khi 4 oanh tạc cơ chiến lược H-6K, một máy bay tác chiến điện tử Y-9JB, một phi cơ tình báo điện tử Tu-154MD và hai tiêm kích Trung Quốc di chuyển qua eo biển Miyako, gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Chỉ hai ngày sau, biên đội gồm hai oanh tạc cơ chiến lược H-6G và máy bay tác chiến điện tử Y-9JB tiếp tục bay qua eo biển Miyako, buộc Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) triển khai tiêm kích theo dõi.
Eo biển Miyako là một trong số ít cửa ngõ để hải quân Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông. Đây không chỉ là cực nam của lãnh thổ Nhật Bản mà còn tiếp giáp với đảo Okinawa, nơi đồn trú của 75% lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, cũng như nằm gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh đã nhiều lần tổ chức diễn tập bay qua eo biển Miyako với sự tham gia của nhiều phi cơ như máy bay ném bom, tiêm kích và máy bay cảnh báo sớm, buộc Tokyo tăng gấp đôi số lượng máy bay chiến đấu để giám sát. Nhật Bản đã thành lập một không đoàn tiêm kích mới, có khả năng chiến đấu trong mọi thời tiết và đóng quân tại Okinawa từ năm 2016 nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Mỹ và Nhật Bản đáp trả cứng rắn
Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và Không quân Mỹ (4/4) đã tổ chức tập trận huấn luyện tác chiến ở khu vực Hoa Đông. Các máy bay ném bom B-52 từ đảo Guam vừa được triển khai huấn luyện với Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) và máy bay chiến đấu Mỹ có trụ sở tại Okinawa nằm ở Tây Thái Bình Dương.
Theo Người phát ngôn Không quân Mỹ Monica Urias, 02 máy bay ném bom B-52 H Stratofortress đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, đảo Guam (Mỹ) đã tiến hành huấn luyện tích hợp với máy bay chiến đấu Koku-Jieitai thuộc ASDF và các chiến đấu cơ F-15, thuộc Phi đội 18 của Mỹ đóng tại căn cứ Kadena (Nhật Bản). Nhiệm vụ trên được thực hiện ngay sau khi Không quân Trung Quốc điều động tổng cộng 06 máy bay ném bom H-6G và H-6K cũng như lực lượng tác chiến điện tử, máy bay giám sát và máy bay chiến đấu bay qua eo biển Miyako thuộc không phận quốc tế giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Nhiệm vụ huấn luyện vừa qua của Mỹ với ASDF là lần đầu tiên kể từ buổi diễn tập tương tự trên Biển Hoa Đông vào ngày 20/3. Cả hai nhiệm vụ trên là một phần của sứ mệnh hiện diện máy bay ném bom liên tục mà quân đội Mỹ cho biết đã diễn ra từ tháng 3/2004 và là một phần của chính sách tự do hàng không của Mỹ.
Quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật
Quân đội Mỹ và Nhật Bản thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận như vậy ở biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đang tranh chấp. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát. Bắc Kinh thường củng cố yêu sách chủ quyền bằng cách điều tàu và máy bay đến khu vực xung quanh các đảo nhỏ.
Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục có thái độ cứng rắn khẳng định sẽ bảo vệ Nhật Bản trước Trung Quốc. Theo đó, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ của Nhật Bản khỏi sự xâm phạm theo Điều 5 Hiệp ước Hợp tác và An ninh giữa hai nước và giới chức hàng đầu của Mỹ đã khẳng định điều này mở rộng đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần khẳng định lập trường của Mỹ cho rằng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc phạm vi Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Tại phiên điều trần xét bổ nhiệm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy khẳng định: “Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và nằm trong phạm vi điều chỉnh của điều 5 Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ”. Quốc hội Mỹ (21/12/2012) thông qua dự luật tái khẳng định cam kết của Washington đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông theo như Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Dự luật bao gồm nội dung liên quan tới tình hình diễn ra ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Theo dự luật, Mỹ không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Điếu Ngư/Senkaku, song công nhận quần đảo này là thuộc quyền quản lý của Nhật Bản. Cũng theo dự luật, hành động đơn phương của một bên thứ ba sẽ không ảnh hưởng tới sự công nhận của Mỹ đối với quyền quản lý Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (29/4/2013) khẳng định quần đảo Điếu Ngư/Senkaku được bảo vệ bởi một hiệp ước quân sự giữa Washington và Tokyo, tái khẳng định Mỹ tuy không có lập trường đối với chủ quyền cuối cùng của quần đảo này, nhưng Mỹ công nhận nó thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và nằm trong các nghĩa vụ của hiệp ước an ninh giữa hai nước.
Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật (ký năm 1960) nêu rõ, “mỗi bên ghi nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ bên nào trong khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của chính mình, và tuyên bố sẽ hành động để đối phó với mối nguy chung phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp nước mình”.