Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định không điều tàu chiến hay sĩ quân quân sự cấp cao đến dự cuộc thao diễn kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn (5/4) cho biết Văn phòng tùy viên quân sự thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh sẽ đại diện cho Washington đến dự cuộc thao diễn hải quân và một hội nghị liên quan tại thành phố Thanh Đảo từ ngày 22-25/4. Những sự kiện này nhằm đánh dấu 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các quan chức chính quyền Mỹ, Nhà Trắng đã không cho phép Hải quân và Lầu Năm Góc gửi tàu chiến tới tham dự sự kiện này do lo Bắc Kinh có thể lợi dụng sự hiện diện của tàu chiến Mỹ để đánh bóng vị thế quốc tế của Trung Quốc.
Việc từ chối lời mời của Quân đội Trung Quốc là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp dụng những chính sách cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Lời từ chối tham dự của Mỹ cũng có thể cũng sẽ khiến các đồng minh khu vực hủy bỏ kế hoạch gửi lực lượng hải quân của họ tới Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc
Được biết trước đó, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã gửi thư mời Mỹ cử tàu chiến và các quan chức hải quân cấp cao tới tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân dự kiến sẽ được tổ chức vào 23/4 tới đây. Hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo hơn 60 quốc gia sẽ gửi phái đoàn hải quân để tham dự cuộc thao diễn này. Dự kiến tàu hải quân từ nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Philippines… sẽ tham gia. Hải quân Trung Quốc được cho là sẽ sử dụng cuộc thao diễn năm nay để cố tiếp xúc với các đối tác trên toàn cầu nhằm thể hiện một hình ảnh thân thiện, trong bối cảnh lực lượng này bị cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao về những động thái của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tờ South China Morning Post nhận định, cuộc thao diễn hải quân sẽ mang lại cơ hội cho hải quân Trung Quốc đánh bóng hình ảnh là lực lượng quân sự hiện đại, thân thiện và yêu hòa bình. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh sẽ khoe các trang thiết bị khí tài mới tại cuộc thao diễn 70 năm thành lập Hải quân. Nhà phân tích hải quân ở Bắc Kinh Lý Kiệt cho rằng đây sẽ cuộc thao diễn lớn nhất trong lịch sử quân đội Trung Quốc, thể hiện những thành tựu về hiện đại hóa của hải quân trong vài thập niên qua; dự đoán Trung Quốc sẽ điều tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay Type 001A, tàu khu trục thế hệ mới Type 055, tàu đổ bộ thế hệ mới Type 075, tàu ngầm bằng năng lượng hạt nhân phóng tên lửa đạn đạo (SSBN) Type 094 tham gia cuộc thao diễn hải quân. Được biết, tàu đổ bộ thế hệ mới có thể là Type 075 là tàu đổ bộ hiện đại và lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay, với lượng giản nước lên tới 40.000 tấn, tàu này có thể chở 30 trực thăng có khả năng tấn công tàu, lực lượng trên bộ và tàu ngầm. Tàu ngầm hạt nhân SSBN Type 094 nổi tiếng là ồn ào và dễ phát hiện, nhưng Bắc Kinh hiện đang phát triển một SSBN tiên tiến hơn là Type 096, nó được thiết kế mang tên lửa JL-3, với tầm bắn lên tới 12.000 km, có thể tấn công các mục tiêu ở Mỹ.
Chuyên gia Kim Sán Vinh của Trung Quốc cho rằng, từ góc độ sức mạnh chiến đấu thực chất mới, năm 2019 chắc chắn là một năm rất quan trọng đối với hải quân Trung Quốc bởi một số tàu chiến sẽ được đưa vào biên chế, trở thành lực lượng cốt lõi thực sự trong hệ thống trang thiết bị thế hệ mới của hải quân Trung Quốc. Đầu tiên, nổi bật nhất có thể kế đến chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên. Trong năm 2018, tàu sân nội địa Trung Quốc đã chạy thử nghiệm 4 lần. Nếu thuận lợi thì năm tới tàu sân bay này có thể chính thức được đưa vào biên chế, giúp sức mạnh chiến đấu của hải quân Trung Quốc tăng gấp đôi, và giúp hải quân nước này có thể trở thành lực lượng hải quân đứng thứ 2 thế giới một cách thuyết phục nhất. Việc có từ hai tàu sân bay cho phép hải quân Trung Quốc có thể sẵn sàng triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay trong tương lai. Đồng thời, việc bảo dưỡng và trở lại hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh cũng là một sự kiện lớn – với sự ra mắt là một bản nâng cấp hiện đại hóa, toàn diện. Sau khóa huấn luyện, trải qua quá trình cải tiến hiện đại hóa, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ nâng sức mạnh chiến đấu hải quân của Trung Quốc lên tầm cao mới. Ngoài tàu sân bay, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055 cũng dự kiến sẽ gia nhập lực lượng hải quân. Tàu khu trục này được coi như một thế hệ tàu chiến cỡ lớn mới do Trung Quốc phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Bên cạnh hải quân, không quân Trung Quốc cũng đón nhận loạt máy bay chiến đấu J-20 trong diện mạo mới. Việc không quân Trung Quốc sở hữu loạt máy bay thế hệ thứ năm, bên cạnh ba nước khác ở khu vực Tây Thái Bình Dương cũng sở hữu dòng máy bay thế hệ thứ năm này sẽ khiến Bắc Kinh yên tâm hơn.
Được biết, năm 2019 sẽ là năm trọng điểm với nhiều dấu mốc kỷ niệm quan trọng và nhiều khó khăn, thách thức của Trung Quốc như 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 70 năm thành lập hải quân, 40 năm thiết lập quan hệ Trung – Mỹ, 40 năm chiến tranh biên giới Việt – Trung… Giới chuyên gia cho rằng thông qua việc phô diễn sức mạnh hải quân sắp tới cũng là cách để ông Tập Cận Bình định hướng dư luận trong nước và kích thích tinh thần, lòng trung thành của người dân với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo đó, trong gian đọa hiện nay, Trung Quốc đang gặp những rắc rối về thương mại với Mỹ và tình hình phát triển kinh tế trong nước gặp khó khăn. Trong khi đó, hạn chót cho thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày do ông Trump và ông Tập đưa ra trong cuộc gặp tại Argentina vào tháng 12 năm ngoái cũng sắp tới. Do vậy, cách ông Tập Cận Bình xử lý các sự kiện trong năm 2019 sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế Trung Quốc cũng như vị thế của ông trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau hàng chục năm tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy trên nhiều mặt trận, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại. Những nỗ lực nhằm giải quyết khối nợ tăng vọt trên cả nước đã dẫn tới sự sụt giảm về chi tiêu đầu tư và cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP vẫn chậm chạp. Ngay cả những tuyên bố chính thức thường mang màu sắc tươi sáng của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bắt đầu xuất hiện những câu chữ không mấy khả quan. Vì vậy, với việc ông Tập Cận Bình đứng trên đỉnh cao của kim tự tháp quyền lực sau khi Trung Quốc bãi bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ, bản thân ông Tập càng dễ trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích khi mọi chuyện diễn biến theo chiều hướng xấu. Ngày càng nhiều người ở Trung Quốc, trong đó có các chuyên gia, cho rằng chính quyền Trung Quốc đã đánh giá thấp Tổng thống Trump khi tin rằng họ có thể đặt nhà lãnh đạo Mỹ dưới tầm kiểm soát sau chiến dịch lôi kéo hồi năm 2017. Phản ứng nhanh nhạy của ông Trump với Trung Quốc khiến chính quyền Bắc Kinh phải xem xét lại cách tiếp cận của mình với ngoại giao quốc tế. Một số ý kiến bắt đầu tỏ ra hoài nghi về lập trường và giọng điệu cứng rắn của ông Tập trong những năm gần đây. Chính vì vậy, cuộc phô diễn sức mạnh quân sự sắp tới sẽ là cơ hội để giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình vớt vát lại thể diện và lòng tin của người dân đối với chính quyền.
Ngoài ra, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây sức ép, tìm mọi cách ép buộc thống nhất với Đài Loan, việc hải quân phô diễn sức mạnh sẽ là cơ hội để Bắc Kinh gia tăng sức ép và thị uy quân sự đối với Đài Bắc. Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang leo thang căng thẳng trước những tuyên bố đối chọi nhau của chính quyền hai bên thì việc tổ chức rầm rộ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân sắp tới sẽ như một sự thị uy nhằm vào chính quyền Đài Bắc, cũng như một cách để phô trương sức mạnh quân sự của PLA.
Đáng chú ý, giới chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng việc hải quân Trung Quốc tổ chức thao diễn sức mạnh hải quân với những vũ khí hiện đại nhất khi đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại gai góc với Mỹ về thuế quan nhằm gửi một thông điệp tới Washington rằng “quân đội Trung Quốc đang tiếp tục giữ chiến lược phòng thủ của mình”; đồng thời nó cũng gửi đi một thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng “Hải quân Trung Quốc có khả năng bảo vệ đất nước, các lợi ích ở nước ngoài, đặc biệt là huyết mạch trên biển”.