BBC đưa tin, hôm thứ Ba (9/4), 9 nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông đã bị Toà án Tây Cửu Long kết tội gây rối trật tự công cộng trong một phong trào dân chủ hồi năm 2014. Quyết định của tòa được cho là một đòn giáng mạnh vào mong ước sống trong môi trường tự do như thời trước khi trở về với “đất mẹ” của người Hồng Kông và có thể khiến họ càng nhớ về quá khứ nhiều hơn.
Vào năm 1842, sau cuộc chiến nha phiến, Nhà Thanh đã ký hòa ước Nam Kinh giao Hồng Kông cho Anh, từ đó người dân xứ Cảng Thơm sống trong ‘chế độ thực dân’. Tuy vậy, trong thời gian là “thuộc địa” của Anh, Hồng Kông đã có những bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, xã hội.
Năm 1997, Anh Quốc đồng ý bàn giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, với điều kiện Bắc Kinh phải đảm bảo rằng hòn đảo này được hưởng mức độ tự trị cao, ít nhất là 50 năm kể từ ngày trao trả trả (1997-2047). Trước khi Bắc Kinh giành quyền kiểm soát hòn đảo, có tới 10% người Hồng Kông chạy sang nước khác có chế độ chính trị tương tự với “thực dân Anh” để định cư vì không tin vào “Một nhà nước, hai chế độ”.
Đúng như những người ra đi lo sợ, Bắc Kinh đã không giữ lời hứa cho Hồng Kông được sống với chế độ dân chủ trong khoảng thời gian 50 năm, người dân đảo liên tục phải lên tiếng để đòi các quyền cơ bản của con người. Nhưng gọng kìm vẫn cứ từ từ xiết lại, đỉnh điểm là vào ngày 21/9/2014, Quốc hội Trung Quốc tuyên bố người Hồng Kông không được phép tự do lựa chọn lãnh đạo đặc khu mà phải thông qua một ủy ban bầu cử, và ai cũng biết rằng Bắc Kinh sẽ thông qua ủy ban này để chọn người phù hợp với yêu cầu của họ.
Biểu tình “cây dù”
Theo SCMP, phong trào “cây dù” diễn ra sau khi Kiều Hiểu Dương, Chủ tịch Ủy ban Lập pháp Quốc hội Trung Quốc, nói rằng các ứng viên chạy đua vào vị trí Trưởng Đặc khu Hành chính phải không được đối đầu với chính quyền trung ương và không bao gồm các ứng cử viên theo trường phái ủng hộ dân chủ đối lập.
Điều này đã được xác nhận vào ngày 31/8/2014 khi Quốc hội Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông, vốn là một phần của Trung Quốc, sẽ chính thức có hiệu lực và chỉ giới hạn riêng cho các ứng cử viên ủng hộ chính quyền trung ương Trung Quốc, theo Reuters.
Cuộc biểu tình yêu cầu dân chủ ở Hồng Kông hồi năm 2014 có thời điểm tập trung hàng trăm ngàn người tham gia. (Ảnh: AFP)
Không chấp nhận để Bắc Kinh bóp nghẹt tự do, ngày 22/9/2014, hàng ngàn học sinh, sinh viên ở Hồng Kông bãi khóa, họ cùng với người dân yêu mến tự do đã xuống đường chiếm lĩnh khu trung tâm của hòn đảo để biểu tình đòi chính quyền Trung Quốc giữ lời hứa, thực hiện đúng chính sách “một nhà nước, hai chế độ”, để người dân bầu người lãnh đạo của họ theo phổ thông đầu phiếu.
Lực lượng an ninh Hồng Kông đã sử dụng vòi rồng, hơi cay để giải tán đám đông, trong khi đó, người biểu tình sử dụng những cây dù mang theo để chống chọi, vì thế “cây dù” trở thành biểu tượng và tên gọi của các cuộc tuần hành đấu tranh cho tự do cách đây 5 năm.
Nhưng các cuộc biểu tình không duy trì được lâu, Reuters cho hay, cảnh sát đã dùng tới gậy gộc, lựu đạn cay và bình xịt hơi cay để trấn áp những người khát khao tự do. Cho tới sáng sớm ngày 29 tháng 9, 78 người đã bị bắt giam và 38 người bị thương. Nhóm biểu tình được lãnh đạo bởi bộ ba: giáo sư xã hội học Chan Kin-man, 59 tuổi, giáo sư luật Benny Tai, 54 tuổi và mục sư Baptist Chu Yiu-ming, 74 tuổi cũng không thể trụ vững sau 79 ngày chiếm giữ đường phố, theo BBC.
Những tiếng nói bênh vực
BBC cho hay, 9 nhà hoạt động dân chủ đã đến tòa với tinh thần thoải mái và phong thái cao, hàng trăm người dân Hồng Kông đã tới ủng hộ và cổ vũ họ.
Sau đó tất cả họ đã bị buộc một trong hai hoặc cả hai tội danh, âm mưu gây rối và kích động gây rối trật tự công cộng, và có thể sẽ phải đối mặt với mức án 7 năm tù giam. Giáo sư Benny Tai, một trong 3 người bị chính quyền đặc khu coi là “đầu sỏ” trong nhóm 9 người, nói rằng ông và các đồng sự hành động chỉ vì muốn “công lý cho người Hồng Kông”.
Phản ứng trước quyết định của tòa, các nhóm nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng tòa án Tây Cửu Long “đang gửi [đi] một thông điệp khủng khiếp”.
“[Điều này] có thể khích lệ chính phủ truy tố thêm các nhà hoạt động ôn hòa, làm nguội lạnh việc biểu đạt tự do ở Hồng Kông”, nhà nghiên cứu Maya Wang nói với BBC.
Từ trái qua, Mục sư Chu Yiu-ming, Giáo sư luật Benny Tai, Giáo sư Xã hội học Chan Kin-man xuất hiện sau một phiên tòa hôm 19/11. (Ảnh: Getty)
Cũng đồng quan điểm với ông Wang, Tổ chức ân xá quốc tế chia sẻ quan điểm trong một tuyên bố, “Phán quyết đối với 9 nhân vật nổi bật của Phong trào Cây dù có thể sẽ làm nguội lạnh việc tự do hội họp và biểu đạt [tư tưởng] một cách hòa bình ở Hồng Kông”.
Còn cựu Thống đốc Hồng Kông trước năm 1997, ông Chris Patten, 75 tuổi, lo ngại rằng phán quyết của tòa có thể phía sau có sự can thiệp của chính quyền đặc khu vì họ muốn “truy tố trả thù” những người đấu tranh cho tự do, và điều này sẽ gây chia rẽ nghiêm trọng xã hội Hồng Kông.
Ông Thái Diệu Xương, Phó Chủ tịch Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước đã bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết của tòa, ông nói: “Họ khởi xướng phong trào hòa bình, và chính họ hy vọng sẽ đoàn kết người dân Hồng Kông, phấn đấu cho quyền bầu cử phổ thông thực sự. Sau này mới phát triển thành phong trào “Chiếm lĩnh Trung Hoàn”, đây không phải là điều mà 9 người bạn của chúng ta có thể kiểm soát được. Nói chung, họ luôn sử dụng cách tiếp cận hòa bình và hợp lý. Cho nên chúng tôi nghĩ, đứng trên quan điểm chung của mọi người về nhân quyền, họ nên được vô tội”.
Không sợ hãi
Tổ chức ân xá Quốc tế cho biết 9 nhà hoạt động dân chủ bị buộc tội sẽ kháng cáo bản án đối với mình nhằm tránh việc chính quyền sẽ làm xói mòn tinh thần của các cuộc biểu tình hoặc tạo ra tiền lệ cho các vụ truy tố tương tự trong tương lai.
Theo BBC, trong tuyên bố cuối cùng trước một phiên tòa vào tháng 12/2018, Giáo sư Tai nói, Phong trào chiếm quảng trường có mục đích theo đuổi công lý và ông không hề hối hận vì đã đứng lên đấu tranh cho tương lai của Hồng Kông.
9 nhà hoạt động nhân quyền nhận được sự ủng hộ của người dân bên ngoài Toà án Tây Cửu Long Hồng Kông. (Ảnh: NTD).
“Mục đích của sự bất tuân dân sự không phải là gây rối công cộng, mà là khơi dậy mối quan tâm của công chúng đối với sự bất công trong xã hội và để giành được cảm tình từ họ”, ông Tai nói, theo CNN.
“Tôi không sợ hoặc xấu hổ khi vào tù. Nếu chúng tôi có tội, [thì đó là] chúng tôi có tội vì dám thắp lên niềm hy vọng trong thời khắc khó khăn này ở Hồng Kông”, ông Tai nói thêm.
Theo Reuters, sau khi rời tòa, 9 nhà hoạt động vẫn giữ thái độ bình tĩnh mặc dù phía trước họ là nhà tù, họ cúi chào để cảm ơn những người ủng hộ đang đứng phía ngoài.
Mong trở về thời thuộc địa để độc lập
Một sự thật “đắng lòng” với Bắc Kinh là, mặc dù đã có được Hồng Kông hơn 20 năm, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn chỉ có thể sở hữu phần “xác” của hòn đảo, còn phần “hồn” thể hiện trong tư tưởng của mỗi người dân nơi đây thì vẫn thuộc về “Thực dân Anh”. Bằng chứng là, trong những cuộc biểu tình đòi tự do, nhiều người Hồng Kông mang theo cờ của nước Anh chứ không phải lá cờ hình bông hoa Dương Tử Kinh vốn được coi là lá cờ chính thức của Hồng Kông sau khi trở về với Trung Quốc.
Wall Street Journal bình luận, việc người Hồng Kông mang cờ Anh đi biểu tình là thông điệp cho thấy họ nhớ nước Anh đến mức nào và việc họ nhớ đất nước từng quản lý họ ở mãi trời Tây đồng nghĩa với việc họ đã rất chán ghét Bắc Kinh.
Nhiều người Hồng Kông trong các cuộc biểu tình đòi tự do mang cờ Anh thay vì cờ của hòn đảo sau khi trở về với Trung Quốc. (Ảnh: DONNA RACHEL EDMUNDS)
Trong một báo cáo vào năm 2016, tờ Breitbart cho hay, ngay sau khi người Anh bỏ phiếu để rời EU, thì ở Hồng Kông xuất hiện một đảng chính trị kêu gọi hòn đảo quay trở lại với Vương quốc Anh trước khi tách thành một quốc gia độc lập.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 6/2017 của Đại học Hồng Kông, có khoảng 94% người dân Hồng Kông trong độ tuổi từ 18 tới 29 nói rằng họ là “Hong Kongers” (người Hồng Kông) chứ không phải là “Chinese” (người Trung Quốc), trong khi đó khi mới trở về với Đại Lục thì số người nhận mình là người Hồng Kông chỉ là 68%. Điều đó cho thấy sự thất vọng của người dân đảo đối với Bắc Kinh.
“Trong vòng 10 năm, chúng tôi hy vọng rằng có thể thực hiện quyền tự quyết của mình và có một cuộc trưng cầu dân ý về chủ quyền của Hồng Kông sau năm 2047”, nhà hoạt động trẻ tuổi Hoàng Chi Phong nói.
“Dù Hồng Kông sẽ chấp nhận ‘một quốc gia, một chế độ’ hay ‘một nhà nước, hai chế độ” hay độc lập, chúng tôi sẽ để người Hồng Kông xác định tương lai của Hồng Kông thay vì Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Phong nói với tờ Telegraph.
Theo RFI, phát biểu trước Hạ Viện Mỹ, Hoàng Chi Phong khẳng định, “Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi”. Tờ Le Monde nhắc nhở, đến năm 2047, lãnh tụ sinh viên này chỉ mới 50 tuổi.
“Người dân Hồng Kông sẽ không chấp nhận các giá trị của chính phủ Trung Quốc”, Nathan Law, một nhà hoạt động 23 tuổi, người cũng đã tham gia lãnh đạo các cuộc biểu tình dân chủ năm 2014, tuyên bố.