Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc, giới Lãnh đạo nước này kêu gọi Trung Quốc cần từ bỏ “tư tưởng truyền thống rằng đất liền quan trọng hơn biển cả” và Trung Quốc cần trở thành một cường quốc biển. Để theo đuổi mục tiêu này, Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế và nỗ lực hợp tác chung của các nước khu vực.
Trung Quốc theo đuổi trở thành cường quốc biển. Nguồn: Sputnik
Thứ nhất, Trung Quốc đang thúc đẩy tầm nhìn về một hiện trạng mới trên biển, trong đó nước này cho mình có quyền khai thác kinh tế rộng lớn vượt ngoài các quyền của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định và Trung Quốc có thể duy trì sự ưu việt địa chiến lược. Cách tiếp cận của Trung Quốc là hợp pháp hóa các yêu sách biển thông qua việc sử dụng nội luật, cản trở các quốc gia duyên hải khác khai thác tài nguyên và thúc đẩy hoạt động của các chủ thể kinh tế thuộc chính phủ và phi chính phủ của Trung Quốc trong khu vực. Hành động cưỡng ép của các chủ thể nhà nước và dân sự trong việc thực hiện tầm nhìn của Bắc Kinh dẫn đến một số sự cố và va chạm, gây tình trạng bất ổn kéo dài ở cường độ thấp nhưng không xảy ra leo thang nghiêm trọng.
Thứ hai, tranh chấp khai thác tài nguyên ở các vùng biển tranh chấp cũng diễn ra giữa các bên yêu sách ở Biển Đông. Các lực lượng chấp pháp và hải quân của Trung Quốc thường xuyên va chạm với lực lượng cảnh sát biển, như dân của Philippines, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam. Những tranh chấp này dẫn đến những cuộc đối đầu, nổ súng và bắn vòi rồng giữa lực lượng cảnh sát biển và các chủ thể dân sự. Xem xét các vụ việc đáng chú ý ở Biển Đông cho thấy, trong 15 vụ va chạm năm 2016, 12 vụ việc liên quan tới lực lượng hải quân hoặc cảnh sát biển Trung Quốc. Mức độ sử dụng vũ lực bao gồm đâm va, quấy rối và thậm chí là bắn cảnh cáo, nhưng không có trường hợp nào leo thang xảy sau va chạm ban đầu. Mô hình tương tự cũng diễn ra vào năm 2015, 8 trong 10 sự cố chính liên quan đến lực lượng Trung Quốc.
Thứ ba, trên Biển Hoa Đông, chúng ta có thể thấy xu hướng tương đồng về tình trạng bất ổn cường độ thấp nhưng không leo thang. Các tàu Chính phủ và tàu tư nhân Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở vùng biển Nhật Bản yêu sách, đặc biệt xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo Chính phủ Nhật Bản, trong khoảng thời gian bốn năm từ 2012 đến 2016, mỗi tháng trung bình có 57 tàu chính phủ và phi chính phủ của Trung Quốc hoạt động ở khu vực tiếp giáp xung quanh các đảo tranh chấp và trung bình có 9 tàu hoạt động ở vùng lãnh hải yêu sách. Số lượng trung bình hàng tháng này đôi khi thay đổi khi hoạt động của tàu Trung Quốc tăng đột biến; ví dụ, vào tháng 8/2016, hơn 200 tàu cá Trung Quốc được tàu Cảnh sát biển hộ tống đã tiến vào khu vực tiếp giáp quanh đảo. Các hoạt động tranh chấp như vậy dẫn đến một số vụ va chạm nghiêm trọng nhưng đơn lẻ trong khu vực, bao gồm va chạm giữa tàu cá và tàu cảnh sát biển, sử dụng vòi rồng và khóa radar mục tiêu như đề cập ở trên.
Ngoài ra, các vụ va chạm gay gắt trên biển cũng xảy ra ở ngư trường dồi dào ngoài khơi Hàn Quốc. Các tàu cá Trung Quốc thường xuyên đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển Hàn Quốc, ngay cả ở các khu vực hết sức nhạy cảm xung quanh khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc. Các nguồn tin của Hàn Quốc cho hay từ tháng 4 đến tháng 6, mùa cao điểm đánh bắt cua xanh, hơn 200 thuyền Trung Quốc mỗi ngày đã đánh bắt trái phép ở khu vực đó. Các hoạt động như vậy dẫn đến nhiều vụ va chạm, thậm chí chết người, giữa tàu cảnh sát biển Hàn Quốc và ngư dân Trung Quốc. Năm 2011, một sĩ quan Hàn Quốc bị một thuyền trưởng Trung Quốc sát hại trong nỗ lực bắt giữ tàu Trung Quốc. Năm 2016, ba ngư dân Trung Quốc vô tình bị thiệt mạng trong các hoạt động lên boong bắt giữ và trong một sự cố khác tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm tàu cảnh sát biển Hàn Quốc.