Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền trong bối cảnh Trung Quốc đang thắng thế ở Biển Đông với những hòn đảo nhân tạo được xây dựng trái phép và đang thu lợi lớn từ các chiêu thức kinh tế và chính trị ma mãnh. Bằng các chính sách mạnh mẽ và hợp lý, chính quyền Trump đang từng bước khiến Bắc Kinh không thể làm việc xấu mà không phải gánh chịu hậu quả.
The BL, một trang tin có trụ sở tại Mỹ, hôm 21/3 đã có bài phân tích nhận định “Tổng thống Trump đang làm nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng lập trường cứng rắn với Trung Quốc” và điều đó cũng đem lại lợi ích cho thế giới.
“Cuối cùng, Trung Quốc bị buộc phải đối đầu với một tổng thống Mỹ sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ tạo ảnh hưởng của quốc gia để khiến Trung Quốc phải trả giá cho sự hung hăng của họ”, cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent của bang Missouri viết trên Fox News.
“Dưới thời Tổng thống Trump, Hoa Kỳ cuối cùng đã nhận thức đầy đủ những thách thức từ Trung Quốc và đang hành động trên một số mặt trận cùng một lúc”, ông Talent bình luận.
Tuy nhiên, “băng dày ba tấc không phải do cái lạnh của 1 ngày”, sự trỗi dậy của chính quyền Trung Quốc như một kẻ vi phạm toàn cầu đã bắt nguồn từ nhiều năm trước, The BL nhận định.
Từ thảm sát tới WTO
Trung Quốc đã bị các nước phương Tây gồm cả Hoa Kỳ lên án sau khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng ngày 4/6/1989, BBC cho biết thông tin từ một báo cáo của Anh, dựa trên các tài liệu mật được công bố năm 2017. Đại đa số những người tham gia phong trào Thiên An Môn năm đó là những sinh viên, trí thức, bị đàn áp vì kêu gọi chính quyền chấm dứt tham nhũng và mở rộng các quyền tự do, dân chủ.
Bốn năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, vào năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã loại bỏ nhân quyền ra khỏi các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, gia hạn quy chế Tối huệ quốc (MFN) cho Trung Quốc với hi vọng rằng Bắc Kinh sẽ vì thế mà giảm bớt tình trạng đàn áp tự do, theo The BL. Năm 1998, Tổng thống Clinton thậm chí đã cấp cho Trung Quốc Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations).
Quyết định của ông Clinton khi tách bỏ nhân quyền ra khỏi đàm phán thương mại đồng nghĩa với việc “loại bỏ đi công cụ mạnh nhất của Mỹ để tạo ra những điều tốt đẹp cho thế giới”, theo ông Greg Autry, giám đốc Sáng kiến Không gian Thương mại Nam California tại Đại học Nam California, đồng tác giả cuốn Death by China (tạm dịch: Chết bởi Trung Quốc).
Bằng cách loại bỏ nhân quyền khỏi bàn đàm phán, Washington thời Clinton vô hình chung đã mở cảnh cửa để Bắc Kinh bước ra thị trường toàn cầu, làm đầy túi tiền của họ bằng chính việc đánh đổi những lợi ích của người Mỹ cũng như thế giới, và một cách gián tiếp tài trợ cho những cỗ máy đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công người dân Trung Quốc, The BL đánh giá.
Hai năm sau khi được Tổng thống Bill Clinton tiếp đón cấp nhà nước ở Nhà Trắng, vào năm 1999, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp đẫm máu những người tập Pháp Luân Công, một môn khí công tu luyện theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, hiện có mặt tại hơn 100 quốc gia.
Trong suốt 8 năm nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã im lặng về những vi phạm nhân quyền diễn ra đối với các học viên Pháp Luân Công, cũng như “tình trạng thu hoạch nội tạng có hệ thống, do nhà nước hậu thuẫn” của chính quyền Trung Quốc đối với các các học viên Pháp Luân Công và các nhóm người có đức tin khác, điều mà các vị dân biểu Hoa Kỳ đã bày tỏ trong Nghị quyết 343 hồi tháng 6/2016 của Hạ viện Mỹ.
Ngược lại, chính quyền Trump đã đề cập đến tình trạng thu hoạch nội tạng từ học viên Pháp Luân Công trong Báo cáo quốc gia về thực hành nhân quyền năm 2018.
“Một số nhà hoạt động và các tổ chức tiếp tục cáo buộc chính quyền [Trung Quốc] thu hoạch cưỡng bức nội tạng từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công”, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Giờ đây, Tổng thống Trump đang ở thời điểm thích hợp để tạo ra những tác động lịch sử đối với nhân loại bằng cách lật ngược quyết định của cựu Tổng thống Bill Clinton về việc tách nhân quyền ra khỏi đàm phán thương mại, The BL bình luận.
Đó cũng là một khuyến nghị của ông David Kilgour, cựu ngoại trưởng Canada phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, người được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của ông trong việc vạch trần lạm dụng cấy ghép ở Trung Quốc.
“Đặt trở lại mối liên hệ giữa nhân quyền và các cuộc đàm phán thương mại, áp dụng Đạo luật Magnitsky đối với những bác sĩ và những người khác tham gia lạm dụng nội tạng, và cảnh báo các trường đại học Hoa Kỳ về rủi ro khi đào tạo bác sĩ phẫu thuật cho Trung Quốc, v.v. là tất cả những gì nên làm”, ông Kilgour nói với The Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh).
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, ông Kilgour nói ông tin rằng chính quyền Trump có thể buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với tội mổ cướp nội tạng.
“Trong lịch sử thế giới, không có chính phủ nào khác trên trái đất làm điều này ngoại trừ Trung Quốc”, ông Kilgour nói. “Cho đến khi nó [chính phủ Trung Quốc] dừng lại, Trung Quốc không nên là một phần của cộng đồng thương mại thế giới và nó không nên là một phần của [những] cộng đồng văn minh”.