Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngTQ rầm rộ diễu binh trên biển: Nỗi sợ 470 lần bị...

TQ rầm rộ diễu binh trên biển: Nỗi sợ 470 lần bị tấn công và lý do Mỹ cấm tiệt tàu chiến, sĩ quan tham gia

Hải quân Trung Quốc sẽ tổ chức diễu hành vào ngày mai 23/4 để kỷ niệm 70 năm thành lập, với sự tham gia của đại diện từ hàng chục quốc gia.

(Ảnh: Stringer/Reuters)

Hơn 10 nước cử chiến hạm diễu hành trên biển cùng Hải quân Trung Quốc

Bộ quốc phòng Trung Quốc thông báo, cuộc diễu hành sẽ diễn ra trên Hoàng Hải, ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông nước này. Trung Quốc cho biết các chiến hạm từ hơn một chục quốc gia sẽ tham gia cuộc diễu hành trên biển, trong khi nguồn tin ngoại giao của Reuters cho biết tổng cộng có 13 nước đã gửi tàu dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc.

Các tàu chiến của Ấn Độ, Australia và một số nước khác được ghi nhận đã cập cảng Thanh Đảo hôm Chủ nhật, 21/4.

Ấn Độ, quốc gia có nhiều căng thẳng và bất đồng với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở biên giới, cũng như việc Bắc Kinh ủng hộ đối thủ Pakistan của họ, đã cử tàu khu trục tên lửa INS Kolkata cùng một tàu tiếp tế dự cuộc diễu hành hải quân của Trung Quốc.

Thuyền trưởng Aditya Hara phát biểu, “Chúng tôi mang tới cho các bạn một trong những con tàu tốt nhất mà chúng tôi tạo ra. Đây là niềm tự hào của đất nước và hải quân [Ấn Độ], và chúng tôi rất hạnh phúc được có mặt tại đây”.

Australia, đồng minh của Mỹ, điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường HMAS Melbourne đến Thanh Đảo. Giữa Australia và Trung Quốc thời gian qua tồn tại bất đồng xoay quanh nghi vấn Bắc Kinh can thiệp vào công việc chính trị của Australia, hay chính phủ Australia ban hành lệnh cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia cung cấp trang thiết bị cho hệ thống mạng 5G tại nước này.

Một “đối thủ” khác của Trung Quốc là Nhật Bản cũng gửi một tàu khu trục tới Thanh Đảo. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu hải quân Nhật đến Trung Quốc kể từ năm 2011. Quan hệ song phương đã xuống dốc đáng kể bởi tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh cũng nhiều lần lên tiếng quan ngại khả năng nội các thủ tướng Nhật Shinzo Abe tìm cách điều chỉnh hiến pháp hòa bình nhằm trao cho Lực lượng phòng vệ quyền chủ động tham chiến tại nước ngoài.

Trong khi đó, “đồng minh thân cận” Pakistan bất ngờ không nằm trong danh sách các nước gửi tàu chiến đến dự cuộc diễu hành trên biển tại Thanh Đảo.

Trung Quốc “khoe cơ bắp đơn thuần” hay có ẩn ý khác?

Theo Japan Times (Nhật Bản), cuộc diễu hành hải quân ngày 23/4 sẽ lần đầu tiên có sự xuất hiện một số mẫu chiến hạm mới nhất của Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm hạt nhân và các tàu khu trục.

Hơn 60 nước sẽ cử đoàn đại biểu hải quân tham dự sự kiện, trong đó có lãnh đạo hải quân của hơn 30 nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ hiện diện giám sát cuộc diễu hành.

Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực mà Mỹ đánh giá sự kiện của Hải quân Trung Quốc mang nhiều tín hiệu khác nhau – theo học giả Collin Koh, từ Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, thuộc Đại học công nghệ Nayang, Singapore.

“Hải quân Trung Quốc hùng mạnh hơn là tín hiệu về nước Trung Quốc mạnh mẽ và tự tin hơn,” Koh nói. “Từ khía cạnh kinh tế thì điều đó là tốt cho khu vực. Nhưng về phương diện địa chính trị, Hải quân Trung Quốc mạnh hơn sẽ gây nên những lo ngại và bất an, bởi nhiều điểm nóng mâu thuẫn địa chính trị xung quanh khu vực hiện nay có liên quan đến Trung Quốc và các láng giềng.”

Ông Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Lingnan, Hồng Kông, nhận xét sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc không mang nhiều ý nghĩa phô trương sức mạnh, mà thể hiện tín hiệu khác.

“Tôi tin rằng mục đích [của Bắc Kinh] là làm gia tăng uy tín của Trung Quốc khi thể hiện khả năng tổ chức một sự kiện quan trọng có sự tham dự của tất cả các nước trong khu vực,” ông Zhang nói. “Uy tín là điều có giá trị lớn đối với các nước lớn. Sự đối địch giữa các nước này thường xoay quanh uy tín và địa vị.”

Vì sao Mỹ “tẩy chay” cuộc diễu hành của Trung Quốc?

Sự lạnh nhạt của Mỹ đối với sự kiện là minh chứng rõ nhất cho ý kiến của ông Zhang.

Japan Times cho hay, Washington gần như sẽ “ngồi ngoài” toàn bộ chương trình kỷ niệm của Hải quân Trung Quốc.

Tờ Washington Free Beacon hồi đầu tháng 4 đưa tin, Bộ ngoại giao Mỹ phản đối bất kỳ hình thức tham gia nào của quân đội Mỹ trong sự kiện ngày 23. Theo đó, không một tàu chiến hay sĩ quan Mỹ nào tham dự hoạt động diễu hành của Hải quân Trung Quốc, và chỉ cử các đại diện từ văn phòng tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh tới.

Sự “tẩy chay” của Mỹ được cho là quyết định rõ ràng dựa trên lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng tàu Mỹ hiện diện để tuyên truyền mạnh cho vị thế quốc tế của Bắc Kinh, trong bối cảnh nước này tiếp tục quyết liệt với các hoạt động trên biển Đông, biển Hoa Đông và vùng biển quanh đảo Đài Loan.

Việc Mỹ cự tuyệt tham gia diễu hành trên biển cùng Trung Quốc là tín hiệu về chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh của chính quyền tổng thống Donald Trump.

Ông Collin Koh bình luận, cuộc diễu hành ngày 23 sẽ không chỉ phô trương “những bước tiến dài” mà Hải quân Trung Quốc thực hiện được trong 7 thập niên, mà đồng thời là “tín hiệu xác thực về sự răn đe đối với những đối thủ của Trung Quốc trong khu vực và xa hơn nữa, đặc biệt là Mỹ”.

Nỗi sợ vẫn ám ảnh Hải quân Trung Quốc

Hôm thứ Bảy (20/4), Phó đô đốc Khâu Diên Bằng – Phó tư lệnh Hải quân Trung Quốc – nhấn mạnh lực lượng vũ trang này không phải là một mối đe dọa và sẽ không bao giờ “theo đuổi bá quyền”.

“Hải quân Trung Quốc luôn là lực lượng hòa bình và sẽ không bao giờ là mối đe dọa đối với bất kỳ nước nào,” ông Khâu nói. “Cùng với sự phát triển của mình, Hải quân Trung Quốc đã cung cấp cho thế giới ngày càng nhiều sản phẩm an ninh hơn.”

Ông Khâu cho biết mục tiêu của sự kiện diễu hành hải quân là thể hiện “quyết tâm kiên định [của Trung Quốc] trong gìn giữ hòa bình và tìm kiếm phát triển bằng những nỗ lực chung”.

Tuy nhiên, trung tướng Trung Quốc nhấn mạnh, nước này vẫn còn bị ám ảnh bởi quá khứ và cần phải đạt được khả năng phòng thủ trên biển tốt.

“Hải quân mạnh là điều cố yếu để xây dựng một quốc gia hàng hải mạnh,” Khâu nói. “Từ năm 1840 đến năm 1949, Trung Quốc đã bị tấn công hơn 470 lần bởi các thế lực ngoại bang, gây ra nhiều đau khổ và những vết thương hằn sâu cho đất nước Trung Hoa.”

Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ ý kiến lo ngại về ý đồ quân sự của họ, đặc biệt là việc ngân sách quốc phòng tăng cao hàng năm.

Zhang Junshe, chuyên gia tại Học viện nghiên cứu hàng hải thuộc Quân giải phóng nhân dân (PLA), gọi lời mời tham dự cuộc diễu hành mà ông Khâu gửi đến hải quân các nước cho thấy sự cởi mở và tự tin của Trung Quốc. Ông cho hay Bắc Kinh cũng làm điều tương tự vào lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân năm 2009.

“Tàu ngầm hạt nhân mới và các tàu chiến mới sẽ được đưa ra. Điều này để thể hiện rõ hơn rằng Hải quân Trung Quốc cởi mở và minh bạch,” ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới