Malaysia vừa mới ký kết thỏa thuận hồi sinh hai dự án đang bị đình trệ trị giá hàng tỉ USD trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, trong lúc có nhiều nghi ngại về việc Kuala Lumpur đã nhân nhượng Bắc Kinh nhằm đổi lấy việc bán dầu cọ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Malaysia Saifuddin Abdullah . Ảnh: SCMP
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ South China Morning Post hôm 21-4, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã bác bỏ quan điểm rằng chính phủ của ông chỉ miễn cưỡng bật đèn xanh cho việc nối lại dự án Tuyến Đường sắt Bờ Đông (ECRL) và thị trấn Bandar Malaysia.
Thay vào đó, ông Saifuddin khẳng định hành động trên của chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad là nhằm đảm bảo hai nước sẽ tham gia Diễn đàn Vành đai và Con đường trong tuần này với tinh thần mới.
Phe đối lập Malaysia , đứng đầu là cựu Thủ tướng Najib Razak, cho rằng chính phủ hiện nay đã phải hồi sinh hai dự án một cách khiên cưỡng để tránh hậu quả ngoại giao bất lợi từ Bắc Kinh.
Vào ngày 12-4, chính phủ Malaysia tuyên bố nối lại Dự án ECRL sau thời gian dài đình trệ từ tháng 5 năm ngoái, khi Trung Quốc chấp nhận đổ thêm vốn và cắt giảm gần một phần ba chi phí của Malaysia. Dự án này được cho là có tổng giá trị lên đến 140 tỉ ringgit (34 tỉ USD).
Các cuộc thảo luận đã kéo dài trong nhiều tháng, nhưng dường như tăng tốc trước Diễn đàn Vành đai và Con đường dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến ngày 27-4. Ông Mahathir là một trong số 37 nhà lãnh đạo thế giới chọn lập trường hòa dịu với Bắc Kinh. Cả hai bên đều muốn có thỏa thuận trước để diễn đàn diễn ra thuận lợi hơn, ông Saifuddin cho hay.
Ông Saifuddin tin rằng Trung Quốc sẽ đặc biệt phấn khởi với quyết định của chính phủ ông Mahathir nối lại dự án ECRL, vì đây là công trình mà Bắc Kinh xem là một phần quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Đồng thời, ông Saifuddin cũng đánh giá cao việc Bắc Kinh hiểu vấn đề mà Malaysia đang đối mặt, đó là các khoản nợ cùng mong muốn đàm phán lại để có thể tiếp tục một số dự án.
Theo thỏa thuận mới, Dự án ECRL được xây dựng bởi Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), sẽ chỉ tiêu tốn của Malaysia 44 tỷ ringgit thay vì 65,5 tỷ ringgit ban đầu. CCCC sẽ giúp duy trì và vận hành tuyến đường sắt 640km khi khai trương vào năm 2026.
Vị thủ tướng 93 tuổi của Malaysia đã ra lệnh tái khởi động công trình này sau gần 10 tháng bị đình trệ với hy vọng sẽ “tận dụng lợi thế” để tăng xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc.
Trung Quốc với tư cách là một trong những khách hàng lớn nhất thu mua dầu cọ Malaysia đã tăng mức nhập khẩu kể từ khi EU ngừng coi hàng hóa này là nhiên liệu sinh học.
Tuy nhiên, ông Saifuddin không trả lời câu hỏi về việc liệu chính phủ Malaysia đã nối lại các thỏa thuận ECRL và Bandar Malaysia với mục đích đổi lấy việc bán dầu cọ cho Trung Quốc hay không.
Đáp lại, ông Saifuddin chỉ cho biết Bắc Kinh đã cam kết mua thêm hàng hóa kể từ khi ông Mahathir gặp ông Tập Cận Bình hồi tháng 8 năm ngoái. Ông thừa nhận cả hai bên đã điều chỉnh lập trường của mình để phù hợp với nhau hơn.
Ông Saifuddin cho biết theo kinh nghiệm Malaysia, các giao dịch “Vành đai và Con đường” cần phải minh bạch theo quy định của pháp luật. Cả hai quốc gia thuộc bên cho vay và bên mượn nợ đều có trách nhiệm đảm bảo tính khả thi của các dự án.