Một chuyên gia nhân quyền của LHQ cảnh báo chính phủ Lào về nguy cơ “quá ít việc làm và quá nhiều nợ nần” liên quan tới các dự án “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc tại nước này.
Theo Hãng tin AP, ông Philip Alston – ủy viên phụ trách báo cáo của LHQ về tình trạng nghèo đói – hối thúc chính phủ Lào nên bớt tập trung vào các hợp đồng xây dựng đập thủy điện, đường sắt do nước ngoài đầu tư và dành nhiều nguồn lực hơn nữa để giúp trẻ em và người dân nghèo.
Ông Alston cho rằng nền kinh tế còn nhiều khó khăn của Lào chỉ có thể phát triển thịnh vượng nếu các nhà lãnh đạo nước này giải quyết tốt hơn nhiệm vụ giáo dục và chăm lo cho người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia về nghèo đói của LHQ, chiến lược hiện nay của Lào là ủng hộ các dự án lớn với các nhà đầu tư Trung Quốc và dành những nhượng bộ đáng kể về đất đai cũng như những nguồn tài nguyên khác ủng hộ tầng lớp tinh hoa trong xã hội đang khiến nhiều người bị bỏ lại phía sau.
Những quan điểm này được ông Alston đưa ra trong cuộc họp báo phát trực tuyến từ thủ đô Vientiane của Lào sau khi ông đi thăm nhiều khu vực nông thôn Lào trong chuyến công tác 11 ngày, tới cả vùng bị ảnh hưởng trong thảm họa vỡ đập thủy điện năm ngoái.
Những quan điểm của vị chuyên gia về nghèo đói của LHQ là một ý kiến khác thêm góp vào những quan ngại lâu nay về thực trạng Trung Quốc tăng cường hối thúc triển khai các dự án xây dựng liên quan tới sáng kiến “Vành đai, Con đường” của nước này tại Đông Nam Á.
Ở bên cạnh các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar và Campuchia, nền kinh tế Lào đã phát triển nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên theo ông Alston, nhiều dự án hạ tầng và đồn điền đã lấy mất đất của người dân sở tại, buộc họ phải tái định cư nơi khác. Hầu hết các dự án đó “tạo ra quá ít việc làm trong khi lại tạo ra quá nhiều nợ nần”, ông Alston nhận định.
“Những phần đất nhượng đó có khả năng chiếm khoảng 40% lãnh thổ quốc gia và phần nhiều trong đó, nếu không phải là tất cả đã tạo ra rất ít hiệu quả thu về cho ngân sách quốc gia”, ông Alston nói.
“Chúng đã tạo ra rất ít nguồn thu thực sự để có thể chi tiêu cho phúc lợi của người dân Lào, và đương nhiên chúng phải dẫn tới những cuộc giải phóng mặt bằng trên diện rộng”, chuyên gia của LHQ dẫn chứng tiếp.
Ông Alston, một người Úc sống tại Mỹ, thừa nhận mọi quốc gia đều đang chật vật ứng phó với nghèo đói. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc chính phủ Lào theo đuổi các dự án đầu tư nước ngoài hướng tới khai thác tài nguyên, kiểu như các đồn điền cao su, khai khoáng và các đập thủy điện có liên quan trực tiếp tới đói nghèo vì chúng không thể tạo ra các nguồn thu nhập cũng như việc làm cần thiết để giải quyết tình trạng nghèo đói.