Sau khi kết thúc cuộc tập trận thường niên quy mô lớn “Vai kề vai” (Balikatan), chỉ huy Lực lượng viễn chinh 3 của Mỹ đóng tại Nhật Bản Eric Smith cho biết Mỹ sẽ tiếp tục bay qua, đi thuyền qua và hoạt động bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép.
Tập trận “Vai kề vai” 2019
Khoảng 8.000 quân tham gia cuộc tập trận trên. Trong đó có 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 lính Mỹ cùng với 50 lính Australia và quan sát viên từ 7 quốc gia khác. Tham gia cuộc tập trận, Mỹ điều tàu đổ bộ USS Wasp mang theo máy bay chiến đấu F-35B, F-18 và máy bay cất cánh thẳng đứng V-22 cùng nhiều loại máy bay khác. Tương tự như năm ngoái, cuộc tập trận sẽ diễn ra chủ yếu ở khu vực phía Bắc của Philippines, tại nhiều khu vực thuộc các tỉnh Pampanga, Tarlac và Zambales.
Tại cuộc tập trên, Mỹ và Philippines đã tiến hành thao diễn giải quyết các quan ngại an ninh truyền thống và phi truyền thống như huấn luyện đánh chiếm đảo, bảo vệ sân bay, bắn đạn thật… nhằm tăng cường khả năng phối hợp lẫn nhau giữa các lực lượng Philippines và Mỹ.
Đây là cuộc tập trận chung lần thứ 35 giữa hai nước và là cuộc tập trận chung lần thứ 3 của quân đội hai nước kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền với chủ trương đặt những mâu thuẫn cố hữu với Bắc Kinh về chủ quyền lãnh hải sang một bên để thu hút đầu tư và gia tăng trao đổi thương mại với Trung Quốc. Cuộc thao diễn quân sự diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục điều tàu dân quân biển bao vây trái phép quanh khu vực đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.
Thông điệp của Mỹ và Philippines gửi tới Trung Quốc
Đầu tiên, Mỹ và Philippines thông qua cuộc tập trận nhằm khẳng định quan hệ đồng minh thân cận và Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trước các cuộc tấn công của Trung Quốc. Vai kề vai là cuộc tập trận thường niên diễn ra thường niên giữa Mỹ và Philippines nhằm tăng cường hợp tác quân sự song phương dựa theo Hiệp ước Phòng thủ chung ký cách đây gần 70 năm giữa hai nước. Theo Hiệp ước trên, Mỹ có trách nhiệm và nghĩa vụ đảm bảo an ninh, an toàn đối với hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) trong phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin ở Manila đã tuyên bố “Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công vụ của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt trách nhiệm phòng thủ chung theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước”. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai ý định của Washington về việc bảo vệ Philippines ở Biển Đông. Đáp lại, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin (16/4) tuyên bố Philippines có thể quay sang nhờ cậy Mỹ, đồng minh quân sự duy nhất của mình, nếu xảy ra một “hành động xâm lược rõ rệt” ở Biển Đông. Trước đó, ông Teodoro Locsin (8/4) khẳng định Mỹ sẽ là đồng minh quân sự duy nhất của nước này và “chúng ta không cần thêm ai khác”.
Thứ hai, Mỹ cam kết sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Chỉ huy Lực lượng viễn chinh 3 của Mỹ đóng tại Nhật Bản Eric Smith (12/4) phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ kết thúc cuộc tập trận chung Vai kề vai cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục bay qua, đi thuyền qua và hoạt động bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép. Ông Smith đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố Bắc Kinh hy vọng “các lực lượng không thuộc khu vực” sẽ kiềm chế “gây rối” ở Biển Đông.
Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) và thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Tuy nhiên, trước những hành động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như quân sự hóa, cải tạo phi pháp các đảo nhân tạo, khiến Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc bằng cách tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông, tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực. Giai đoạn hiện nay Mỹ thường: (1) Ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) Tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng; (3) Giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. (4) Đẩy mạnh các hoạt động FONOP trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thứ ba, răn đe, cảnh cáo các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển quanh đảo Thị Tứ nói riêng và trên Biển Đông nói chung. Từ cuối năm 2018 đến nay, Trung Quốc được cho là đã liên tục điều hàng trăm tàu dân quân biển bao vây vùng biển và bãi cạn xung quanh đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song đang bị Philippines chiếm đóng trái phép. Hành động trên của Trung Quốc nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ và các nước liên quan trước khi tiến hành các hoạt động trái phép ở Biển Đông, có thể là sử dụng vũ lực đánh chiếm đảo Thị Tứ cũng như các bãi cạn không có người ở. Chính vì vậy, nội dung tập trận của Mỹ và Philippines bao gồm các khóa mục như đánh chiếm đảo, bảo vệ sân bay… nhằm “nhắc nhở” Trung Quốc chớ có liều lĩnh khiêu khích giới hạn đỏ của Mỹ và Philippines. Theo đó, quân đội Mỹ và Philippines (9/4) đã tiến hành cuộc tập trận tái chiếm sân bay trên đảo Lubang, nằm sát biển. Đây là lần đầu tiên 2 nước thực hiện cuộc tập trận như vậy. Cuộc tập mô phỏng tình huống một cường quốc nước ngoài đã giành quyền kiểm soát một hòn đảo ở Philippines, chiếm sân bay trên đảo. Liên quân Mỹ – Philippines sẽ tái chiếm sân bay và giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đảo. Thiếu tá Christopher Bolz, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ tham gia lập kế hoạch tập trận trên cho biết, nếu Philippines có bất kỳ hòn đảo nào bị nước ngoài chiếm đóng, thì đây chắc chắn là một đợt thử nghiệm có thể sử dụng trong tương lai. Tôi nghĩ rằng kịch bản này rất thực tế, đặc biệt là đối với quốc đảo như Philippines.
Đáng chú ý, Tổng thống Philippines Duterte (5/4) đã cảnh báo sẽ sử dụng “quân cảm tử” chiến đấu với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Rodrigo Duterte doạ sẽ gửi binh sĩ đến đảo Thị Tứ để ngăn chặn nếu các tàu của Trung Quốc không dừng việc vây hãm xung quanh.
Thứ tư, tái khẳng định chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn Scarborough. Trong khuôn khổ của cuộc tập trận, tàu đổ bộ Mỹ USS Wasp cùng chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35B (10/4) diễn tập gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Bãi cạn thực chất là một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía Tây và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km. Bãi cạn được tạo thành từ một chuỗi rạn san hô và đá có hình tam giác với chu vi 55 km và tổng diện tích (gồm cả vùng nước cạn) là 150 km2. Phá nước nông có diện tích 130 km2 và độ sâu 15 m. Bãi cạn nhô lên từ đồng bằng biển thẳm sâu 3.500 m. Một vài hòn đá, trong đó có hòn mà Trung Quốc gọi là Nam nham, cao từ 0,5 đến 3 m; nhiều rạn đá ngầm chìm dưới nước khi thủy triều lên. Gần cửa vào của phá nước có một phế tích của tháp sắt cao 8,3 m do Hải quân Philippines dựng lên vào năm 1965. Philippines khẳng định bãi cạn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này, theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này, ít nhất là từ thế kỷ XIII, và họ còn đưa ra các bản đồ cổ làm bằng chứng. Hiện Trung Quốc giành quyền kiểm soát thực thể này từ Philippines hồi năm 2012.