Friday, January 24, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaIndonesia lại bắt 12 ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải...

Indonesia lại bắt 12 ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản trên Biển Đông

Tư lệnh Hạm đội phía Tây của Indonesia, Đề đốc Yudo Margono (28/4) cho biết, Hải quân Indonesia đã bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam trên một chiếc tàu đánh cá đã bị chìm trong một vụ đụng độ hôm 27/4/2019. Những người này bị đưa về giữ tại căn cứ của Hải quân “để tiến hành các thủ tục tư pháp”.

Tàu cá Việt Nam bị lực lượng quân sự Indonesia đánh chìm

Hãng tin AP đưa tin, Hải quân Indonesia cho biết “một trong các tàu tuần của họ đã bị 2 tàu Cảnh sát biển của Việt Nam đâm khi họ chận bắt vụ đánh cá lậu trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, thuộc chủ quyền của Indonesia”. AP dẫn lời Tư lệnh Hạm đội phía Tây của Indonesia, Đề đốc Yudo Margono cho biết, Hải quân Indonesia đã bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam trên một chiếc tàu đánh cá đã bị chìm trong một vụ đụng độ hôm Thứ Bảy 27/4/2019. Những người này bị đưa về giữ tại căn cứ của Hải quân “để tiến hành các thủ tục tư pháp”. Hai ngư dân khác đã được tàu Cảnh sát biển của Việt Nam cứu.

Theo ông Margono, “nơi diễn ra vụ bắt giữ nằm trong vùng biển Indonesia nhưng phía Việt Nam cũng nói khu vực này là thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Trong những năm gần đây, Indonesia đã có nhiều hành động cụ thể (bắt giữ, xử tù, đánh đắm tàu cá vi phạm vùng biển của mình) khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, tài nguyên biển và ngành công nghiệp đánh bắt cá trong nước. Những chính sách cứng rắn của Indonesia đã góp phần không nhỏ trong việc răn đe, ngăn chặn tàu cá các nước vào đánh bắt trộm hải sản của nước này ở Biển Đông. Theo số liệu thống kê không chính thức, trong 4 năm qua, Indonesia đã cấm 10.000 tàu cá nước ngoài đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Indonesia.

Indonesia có hơn 17.000 hòn đảo với tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế rất lớn, thường xuyên bị các tàu cá nước ngoài xâm phạm. Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti (3/8/2018) cho biết, “Indonesia sẽ rất cứng rắn và không thỏa hiệp với các hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia”. Indonesia (21/8/2018) thông báo đã phá hủy và đánh đắm tổng cộng 125 tàu thuyền chủ yếu thuộc sở hữu nước ngoài do khai thác thủy sản trái phép trong vùng lãnh hải của nước này. Việc đánh đắm 125 con tàu diễn ra tại 11 địa điểm ở Indonesia, trong đó bao gồm 86 tàu có treo cờ Việt Nam, 20 tàu Malaysia và 14 tàu từ Philippines. Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cho biết, hoạt động này nhằm mục đích răn đe những tàu thuyền có ý định đánh bắt cá và khai thác trái phép các nguồn tài nguyên khác trên vùng biển của Indonesia; nhấn mạnh Indonesia sẽ tăng cường bảo vệ các vùng biển của mình trước các hoạt động xâm phạm và khai thác trái phép của các tàu nước ngoài. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia Lily Pregiwati (22/8/2018) cho rằng biện pháp đánh chìm tàu cá nước ngoài vi phạm không được công bố trước để tránh căng thẳng với các nước láng giềng. Chính phủ Indonesia cũng tuyên bố các tàu thuyền bất hợp pháp là một mối đe dọa cho ngành đánh cá địa phương của Indonesia. Các chủ tàu vi phạm đó thường là thủ phạm nạn nô lệ hiện đại, sử dụng nhân công bị buôn bán từ các quốc gia Đông Nam Á.

Trong bối cảnh tình hình đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia đang ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Indonesia. Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết, hằng năm Indonesia bị thất thoát khoảng 300.000 tỉ rupiah (23 tỉ USD) do thủy sản bị đánh bắt trộm bởi tàu cá nước ngoài và hằng ngày có khoảng 5.400 tàu cá hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia. Từ cuối năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng của Indonesia đã thực hiện chính sách đánh chìm tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển của nước này. Tính đến nay, Indonesia đã đánh chìm gần 488 tàu cá nước ngoài, chủ yếu là các tàu cá của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Papua New Guinea. Việc đánh chìm các tàu cá nói trên chủ yếu được tiến hành tại các căn cứ hải quân: Tarempa (tỉnh Batam), Rinai (tỉnh Riau Islands), Bitung (Bắc Sulawesi), Pontianak và Tarakan (tỉnh Kalimantan). Chính sách “đánh chìm tàu cá” là một phản ứng nhanh do Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti đưa ra, dựa trên cơ sở pháp lý của Điều 60 và Điều 69, khoản 4 Luật số 45/2009 về ngư trường và thủy sản, cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển có thể đánh đắm tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia.

Hiện các cơ quan, Bộ, ban, ngành của Indonesia tiến hành bắt giữ, xử lý tàu cá phi pháp một cách đồng bộ, nhất quán. Lực lượng chấp pháp (hải quân, kiểm ngư, Lực lượng Chuyên trách về Đánh bắt Trái phép Indonesia) tiến hành tuần tra, giám sát, bắt giữ và lai dắt các tàu cá vi phạm vào bờ. Tòa án các cấp có nhiệm vụ xét xử và đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có đánh chìm tàu vi phạm hay không. Bộ Ngoại giao Indonesia đưa ra các công hàm ngoại giao phản đối nước có tàu cá vi phạm, yêu cầu nước sở tại tuân thủ và trao các tàu vi phạm để xét xử theo luật pháp của Indonesia.

Đáng chú ý, Bộ trưởng phụ trách vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan (20/2) cho biết, Indonesia có kế hoạch mở một vùng đánh bắt cá mới ở vùng biển Natuna, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở rìa phía Nam của Biển Đông. Theo Bộ trưởng Luhut Pandjaitan, Indonesia hiện duy trì một tàu hải quân và một tàu cung cấp dầu trong vùng biển Natuna để bảo vệ, cũng như cung cấp nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển này. Thời gian tới, Indonesia sẽ triển khai thêm một chợ cá, trung tâm trữ lạnh và xứ lý thủy sản cùng nhiều cơ sở khác sẽ được xây tại quần đảo Natuna trong quý 3 năm nay. Bộ trưởng Luhut Pandjaitan cho biết, Chính phủ Indonesia quyết tâm mở khu vực đánh bắt cá ở Natuna là nhằm ngăn chặn “nước khác” tuyên bố khu vực này là ngư trường truyền thống của họ.

Thời gian tới, Indonesia sẽ tiếp tục thực thi chính sách cứng rắn trên nhằm bảo vệ tối đa chủ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông, vì: (1) Chính sách cứng rắn của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân và nghị sỹ Quốc hội. (2) Tình trạng đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia đã giảm nhanh chóng, các nước thường có tàu cá bị bắt giữ đều cảnh báo ngư dân không nên xâm phạm vùng biển của Indonesia. Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti tuyên bố chiến dịch đánh chìm tàu cá bất hợp pháp đã khiến số tàu cá hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển Indonesia giảm tới 90%. (3) Indonesia sẽ điều thêm các tàu tuần tra cỡ lớn tới vùng biển xung quanh quần đảo Natuna để đề phòng các tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi chống đối, hỗ trợ tàu cá phi pháp của Bắc Kinh.

Tuy nhiên,về lâu dài Indonesia sẽ gặp khó khăn trong việc thực thi chính sách cứng rắn trên. Vì Indonesia sẽ không có đủ nguồn lực để bắt, đưa ra tòa xử lý rồi bắn hủy hết các tàu vi phạm, đặc biệt là các tàu lớn. Chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài cũng có một số điểm không phù hợp với luật pháp của Indonesia cũng như Luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo điều 69, khoản 4, Luật số 45 năm 2009 về thủy sản của Indonesia cũng không quy định rõ khu vực quản lý đánh cá. Trong khi đó, điều 73, điều 292 của UNCLOS cũng có những quy định liên quan đến việc phóng thích ngay lập tức tàu và thủy thủ nước khác. Không những vậy, các nước có tàu cá bị Indonesia bắt giữ và đánh đắm đều có những biện pháp phản đối, gây sức ép buộc Indonesia cần đối xử nhân đạo hơn với ngư dân vi phạm luật pháp Indonesia. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia đều có tuyên bố thể hiện quan ngại trước việc Indonesia đánh chìm một số tàu cá của nước mình; yêu cầu Indonesia khi xử lý các ngư dân vi phạm phải phù hợp với quan hệ giữa song phương và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân. Trong khi đó, Trung Quốc thường dùng lực lượng Hải Cảnh, Hải Giám tấn công các tàu chấp pháp của Indonesia để giải cứu cho các tàu cá vi phạm; một số quan chức ngoại giao gửi thư, tin nhắn mang tính cảnh cáo Indonesia sẽ phải chịu hậu quả nếu đánh chìm tàu cá của Trung Quốc.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục thuỷ sản Việt Nam, trong năm 2018 đã xảy ra 85 vụ với 137 tàu cá và 1,162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu so với năm trước đó. Các nước hay bị vi phạm bao gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia và Brunei.

RELATED ARTICLES

Tin mới