Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ lần đầu "ngã giá" với Mỹ trong đàm phán thương mại:...

TQ lần đầu “ngã giá” với Mỹ trong đàm phán thương mại: Thỏa thuận phải đảm bảo “nhân phẩm” cả 2 nước

Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố những gì nước này muốn trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại, cho thấy những khác biệt sâu sắc vẫn còn tồn tại giữa 2 nước.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) cùng phái đoàn đàm phán của Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc tuyên bố không lo sợ

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc sau khi cuộc đàm phán ở Washington kết thúc vào thứ Sáu, giờ Mỹ, Phó Thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố, để đạt được thỏa thuận, Mỹ phải xóa bỏ mọi mức thuế bổ sung, đặt mục tiêu mua hàng hóa của Trung Quốc phù hợp với nhu cầu thực tế và đảm bảo rằng thỏa thuận này là “cân bằng” để đảm bảo “nhân phẩm” của cả hai quốc gia.

3 điều kiện mà ông Lưu Hạc nêu ra cho thấy còn nhiều vấn đề cần được giải quyết để 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được một thỏa thuận. Các nhà đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói với Trung Quốc rằng nước này có một tháng để ký đàm phán và ký thỏa thuận hoặc đối mặt với việc tất cả hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế.

Lời đe dọa này được đưa ra trong cuộc hội đàm hôm thứ Sáu tại Washington, vài giờ sau khi ông Trump áp thuế bổ sung với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa, nhưng chưa đã công bố bất kỳ chi tiết nào.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết chính quyền sẽ công bố chi tiết về kế hoạch áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các quan chức Washington nhấn mạnh rằng họ đang tiến hành một thỏa thuận sẽ chấm dứt tình trạng trộm cắp tài sản trí tuệ tràn lan và kiềm chế các khoản trợ cấp công nghiệp đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các công ty khổng lồ Trung Quốc.

Theo các quan chức của Mỹ, động thái tăng thuế của Tổng thống Trump vào thứ Sáu được đưa ra sau khi Trung Quốc lật ngược cam kết thay đổi quy định của nước này trong các vòng bàn đàm phán trước đó.

Trong các cuộc họp tại Washington tuần này, ông Lưu Hạc cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng cam kết thúc đẩy cải cách nhưng một lần nữa chùn bước trong việc thay đổi bất kỳ luật nào, theo một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận, Bloomberg đưa tin.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc cho biết cả 2 nước đã đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh, bất chấp những trở ngại tạm thời. Ông Lưu Hạc cũng bác bỏ thông tin rằng, các cuộc đàm phán sẽ tan vỡ. “Vướng mắc thường xảy ra trong những cuộc đàm phán. Điều này không thể tránh khỏi”, ông nói.

“Vì lợi ích của người dân Trung Quốc, người dân Mỹ và nhân dân toàn thế giới, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này một cách hợp lý”, Phó thủ tướng Trung Quốc nói. Tuy nhiên, Trung Quốc không lo sợ và nói thêm rằng Trung Quốc cần một thỏa thuận hợp tác với sự bình đẳng, ông Lưu nhấn mạnh.

Khả năng đạt được thỏa thuận ngày càng hẹp

Trong một loạt các Tweet sau đó, ông Trump tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc là thẳng thắn và mang tính xây dựng. “Mối quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi vẫn rất bền chặt và cuộc trò chuyện về tương lai sẽ tiếp tục”, Tổng thống Trump nói.

Tuy nhiên, các ý kiến ​​của Phó Thủ tướng Trung Quốc đã tiết lộ một diễn biến khác: Mỹ đã thúc ép Trung Quốc mua một lượng hàng hóa từ Mỹ lớn hơn ban đầu đã được thỏa thuận để thu hẹp thâm hụt thương mại.

Theo ông Lưu Hạc, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý về một con số khi 2 nhà lãnh đạo gặp nhau ở Argentina vào tháng 12 năm ngoái.

Số lượng mua hàng của Trung Quốc phải phù hợp với thực tế, một bài bình luận của Tân Hoa xã viết. Trung Quốc cũng coi việc loại bỏ tất cả các mức thuế bổ sung đã được áp dụng từ năm ngoái là điều kiện tiên quyết cho một thỏa thuận, trong khi các nhà đàm phán của Mỹ coi việc giữ lại một số khoản thuế là cơ chế chính để thực thi thỏa thuận.

Việc không đạt được tiến triển trong quá trình tìm kiếm một thỏa thuận thương mại đã khoét sâu thêm sự khác biệt còn tồn tại giữa 2 nước. Những người quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, tâm lý xung quanh các cuộc đàm phán trong những ngày gần đây ngày càng ảm đạm.

Việc đạt được một thỏa thuận thương mại có thể sẽ trở nên khó khăn hơn trừ phi các yếu tố bên ngoài, như một cuộc suy thoái kinh tế, buộc cả 2 bên phải thỏa hiệp, Ely Ratner, một chuyên gia về Trung Quốc từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama và hiện là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm cho một trung tâm nghiên cứu an ninh của Mỹ dự báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới