Bản tin Biển Đông ngày 09/05/2019.
Trung Quốc có cách tiếp cận toàn diện trong quản lý tranh chấp khu vực
Ngày 2/5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo thường niên về “Những phát triển về quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2019”. Báo cáo cho biết, Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ những mục tiêu của mình mà không làm phương hại đến ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc thì lại triển khai những chiến thuật xung đột vũ trang để theo đuổi mục tiêu chiến lược của Trung Quốc thông qua các hoạt động gây hấn và chọc tức Mỹ và các đồng minh, cũng như các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những chiến thuật này đặc biệt thể hiện rõ ràng trong việc Trung Quốc theo đuổi các yêu sách biển và lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như các tranh chấp biên giới với Ấn Độ và Bu-tan. Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục quân sự hoá ở Biển Đông với việc lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa tại các căn cứ của nước này ở quần đảo Trường Sa, vi phạm tuyên bố năm 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đó là “Trung Quốc không có mục đích theo đuổi quân sự hoá” ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng sẵn sàng triển khai các biện pháp cưỡng chế – cả quân sự và phi quân sự – để thúc đẩy lợi ích của mình và giảm thiểu đối kháng từ các nước khác.
Liên quan đến Báo cáo này, ngày 6/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng “giống như tất cả các báo cáo trước do Mỹ công bố, báo cáo này đi ngược lại sự thật, coi Trung Quốc là mối đe dọa. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó. Sự thật đã chỉ ra rằng Trung Quốc theo đuổi sự phát triển hòa bình và một chính sách quốc phòng mang tính chất phòng thủ. Chúng tôi luôn là người đóng góp cho hòa bình thế giới, phát triển toàn cầu và trật tự quốc tế. Sự phát triển của chúng tôi đại diện cho sự tăng trưởng trong lực lượng vì hòa bình. Quân đội của chúng tôi cam kết bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và sẽ chung tay với các nước khác để duy trì hòa bình và ổn định ở Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới rộng lớn hơn. Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời và tư duy trò chơi tổng bằng không, xem ý định chiến lược và xây dựng quốc phòng của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý, ngừng đưa ra các báo cáo vô trách nhiệm và đóng góp một cách nghiêm túc vào song phương và hàng triệu quan hệ giữa hai bên”.
Lộ bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ 3
Ngày 7/5, hãng tin Reuters đưa tin, theo hình ảnh vệ tinh do CSIS chụp vào tháng 4 vừa qua tại nhà máy đóng tàu Giang Nam cho thấy các kết cấu cho bộ khung tàu sân bay đang được tiến hành. Các hình ảnh vệ tinh được chụp cho thấy những hoạt động đáng kể trong 6 tháng qua tại nhà máy đóng tàu Giang Nam. Bức ảnh cho thấy một phần của mũi tàu rộng khoảng 30 m và một phần thân tàu rộng 41 m, cùng hệ thống cần cẩu khổng lồ phía trên. Những điều này gợi nên hình ảnh về tàu sân bay mà Trung Quốc gọi là Type-002 có kích thước nhỏ hơn một chút so với siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz của Mỹ, nhưng lớn hơn tàu sân bay Charles de Gaulle 42.500 tấn của Pháp. Một khu vực sản xuất có diện tích bằng một sân bóng đá đã được xây dựng gần đó và công việc dường như vẫn đang tiếp tục trên một khu vực ngập nước có thể sử dụng để đưa thân tàu đã hoàn thành vào sông Dương Tử. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận họ đang chế tạo tàu sân bay thứ ba.
Nhà phân tích Matthew Funaiole thuộc CSIS nói với Reuters, rằng những hình ảnh được chụp vào cuối năm ngoái chưa thực sự thuyết phục, nhưng công việc tại nhà máy đóng tàu Giang Nam đang được tiến hành một cách rõ ràng hơn. “Từ những gì đang có chúng ta có thể thấy đã có rất nhiều thay đổi trong 6 tháng qua, hoặc lâu hơn. Có vẻ như nó là tàu sân bay thứ 3 và nếu không phải, thật khó để dự đoán nó sẽ là tàu lớn nào khác”,
Hiện vẫn chưa rõ tàu sân bay thứ 3 có được trang bị lò phản ứng hạt nhân hay không. Bắc Kinh hiện có 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng chưa có tàu mặt nước nào sử dụng hệ thống động lực hạt nhân. Một số nhà phân tích nói rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng để thực hiện bước đó. Trung Quốc không chính thức xác nhận họ đang đóng tàu sân bay thứ 3.