Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKìm chế hạt nhân TQ: Điểm chung hiếm hoi Nga-Mỹ

Kìm chế hạt nhân TQ: Điểm chung hiếm hoi Nga-Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ và Nga đã có cuộc gặp nhau ở Sochi, cùng khẳng định sẽ quyết tâm cải thiện quan hệ.

Ngày 14/5, phát biểu trong chuyến thăm tới thành phố nghỉ dưỡng Sochi (Nga), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng ông mang theo một sứ mệnh quan trọng trong chuyến đi này.

Theo Ngoại trưởng Mỹ: “Tổng thống của chúng tôi, ngài Donald Trump nói rằng ông quyết tâm cải thiện quan hệ với Moscow. Giữa hai nước có thể không đồng thuận về mọi thứ, nhưng chúng ta vẫn có điểm chung và cần có sự hợp tác”.

Ông Pompeo khẳng định: “Hoạt động chống khủng bố là nơi Mỹ và Nga đều cho thấy đang hành động rất quyết liệt. Và còn một vấn đề khác, việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, Mỹ và Nga sẽ có sự đồng thuận với nhau về điều này”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng đã đến lúc Nga và Mỹ bắt đầu mối quan hệ hợp tác mới mang tính xây dựng.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Nga đánh dấu sự tương tác đáng kể nhất của Washington với Moskva kể từ tháng 7/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Phần Lan.

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang phủ bóng lên mọi điểm nóng trên toàn thế giới. Có thể thấy sự đối đầu thể hiện ở cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela, cuộc chiến tranh tại Syria, sự đối đầu chính trị ở Ukraine, và chút bóng dáng tại cuộc nội chiến ở Libya…

Tuy nhiên, giữa Nga và Mỹ vẫn có một điểm chung, như ông Pompeo nói: Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Thoáng nghe có thể thấy sự hài hước khi Mỹ là nước đơn phương chấm dứt Hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung INF hồi tháng 2/2019. Sau đó một tháng, Nga cũng chính thức khép lại bản Hiệp ước kéo dài hơn 3 thập kỷ này.

Vậy điểm chung của họ ở đâu? Cần chú ý rằng khi hủy INF, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh INF là vô nghĩa khi Nga và Mỹ thì bị kìm chế sức mạnh, trong khi nhìn rộng hơn, kho vũ khí tầm trung của Trung Quốc là dồi dào nhất và được nâng cấp liên tục.

Nói cách khác, ông Trump – người muốn mọi thứ luôn được giải quyết theo kiểu song phương, nhưng riêng về vũ khí hạt nhân, ông muốn đa phương và có sự góp mặt đàm phán của Trung Quốc.

Đáp lại, ông Putin cũng thẳng thắn về INF: Nga không vi phạm hiệp ước này, và Mỹ cũng không trong sạch gì khi cáo buộc Nga vi phạm. Vì thế, Mỹ đã hủy bỏ INF và Nga đáp lại bằng hành động tương tự. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng ngồi vào một bàn đàm phán đa phương.

Gần đây, hồi tháng 4/2019, Tổng thống Trump lại lên tiếng về Hiệp ước New START kiểm soát vũ khí tấn công tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân, hay còn gọi là tên lửa đạn đạo chiến lược. Theo đó, ông Trump lập lại quan điểm: Nga- Mỹ kìm chế nhau, nhưng các nước khác thì không hề cắt giảm kho vũ khí của mình, cụ thể là Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ không có bản Hiệp ước New START nào tiếp theo nếu không phải là thỏa thuận của 3 bên (gồm cả Trung Quốc tham gia). New START sẽ phải đàm phán gia hạn bắt đầu tư năm 2020.

Đáp lại Mỹ, Tổng thống Nga vẫn giữ nguyên quan điểm: Nga sẵn sàng ngồi vào mọi bàn đàm phán liên quan đến cắt giảm vũ khí hạt nhân. Và Moscow hoan nghênh ý tưởng đa phương hóa các thỏa thuận liên quan đến giải trừ loại vũ khí này.

Kim che hat nhan Trung Quoc: Diem chung hiem hoi Nga-My
Loạt tên lửa liên lục địa của Trung Quốc trong một buổi duyệt binh ở Thiên An Môn

Như vậy, Nga và Mỹ có thể không chỉ đồng thuận về việc cần phải đa phương hóa, mà còn chỉ đích danh nên có một bản hiệp ước ba bên, trong đó, Trung Quốc là một phần quan trọng.

Vũ khí hạt nhân từ lâu đã trở thành cây gậy răn đe nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại trong tay bất kỳ chính quyền nào. Tất nhiên, trong tâm thế đối đầu với Trung Quốc, Washington không hề muốn Bắc Kinh sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.

Còn với Nga, Moscow và Bắc Kinh đang trong mối quan hệ tốt đẹp. Họ có quyền lợi chung ở nhiều vấn đề. Nhưng lịch sử giữa hai quốc gia cho thấy Nga không nên tin tưởng hoàn toàn vào Trung Quốc, dù ở thời kỳ nào với chế độ nào. Do đó, Nga không hề muốn người láng giếng hùng mạnh của mình được tự do phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ.

Mỹ và Nga lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất chung lợi ích. Tuy nhiên, sẽ là rất khó để có thể ép được Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Nhận xét về điều này, Chủ tịch CLB Valdai Andrey Bystritskiy cho rằng có rất ít khả năng Nga, Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận ba bên về giảm thiểu vũ khí hạt nhân.

Thứ nhất, có rất nhiều quốc gia hạt nhân khác trên thế giới ngoài 3 cường quốc kể trên và mọi hiệp ước nhằm giảm thiểu đáng kể các loại vũ khí hạt nhân chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia của nhiều quốc gia.

Thứ hai, kho vũ khí hạt nhân của Nga, Trung Quốc và Mỹ rất khác nhau, nên việc đạt thỏa thuận càng khó khăn. Dù tin rằng đàm phán (kiểm soát vũ khí hạt nhân) là khả thi và tiến triển trong vấn đề này là khả thi, song chuyên gia Bystritskiy nhận định để đạt được một hiệp ước thật sự và nghiêm túc, các bên phải vượt qua một chặng đường dài phía trước.

Chuyên gia Bystritskiy cũng tin rằng ý tưởng thảo luận về vũ khí hạt nhân theo định dạng ba bên không hề vô lý. Ông đồng thời đánh giá đây là một đề xuất có ý nghĩa tích cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới