Khu vực Biển Đông là nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Sự vận động đó đòi hỏi các nước khu vực như Hàn Quốc phải có sự điều chỉnh, lựa chọn chính sách phù hợp để thể hiện thái độ và phản ứng trong vấn đề này.
Hàn Quốc tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á
Để tránh bị mắc kẹt giữa cuộc chiến giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, Chính quyền Hàn Quốc hiện nay đang tìm cách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, đặc biệt với các nước tầm trung ở Đông Nam Á. Điều này đã giúp Hàn Quốc giảm sự cô lập trước đây khi chỉ quan tâm đến các nước lớn là Trung Quốc, Mỹ và Nhật, đồng thời thu được các lợi ích kinh tế, an ninh.Về kinh tế, Đông Nam Á là thị trường lao động, tiêu dùng lớn thứ ba trên thế giới, có thế mạnh về khoảng cách địa lý. Khối lượng thương mại giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á đã tăng 19 lần, từ 8,2 tỷ USD năm 1989 lên 160 tỷ USD năm 2018. ASEAN đã vượt Mỹ, EU và Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc. Làn sóng Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy trao đổi giữa Đông Nam Á và Hàn Quốc. Ngược lại văn hóa Đông Nam Á cũng đang được phổ biến rộng rãi ở Hàn Quốc. Hiện có khoảng 500.000 người Đông Nam Á đang sinh sống tại Hàn Quốc và hơn 400.000 người Hàn Quốc sống ở Đông Nam Á, đóng vai trò là cầu nối quan trọng.
ASEAN còn mang lại các lợi ích chiến lược cho Hàn Quốc. Nhiều nước Đông Nam Á hiện có mối quan hệ ngoại giao tốt với Triều Tiên và cả hai nước trên bán đảo Triều Tiên đều là thành viên của Diễn đàn An ninh khu vực (ARF). Các cơ chế này hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với Triều Tiên và thúc đẩy các ý tưởng hợp tác. Trong chuyến thăm Indonesia, Việt Nam, Philippines (11/2017), Tổng thống Moon Jea-in đã tuyên bố “Chính sách hướng Nam mới” với trọng tâm nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN, lên ngang tầm với mối quan hệ giữa Hàn với bốn cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Chính sách gồm ba mục tiêu chính nhằm hướng tới một cộng đồng vì con người; một khu vực hòa bình và một cộng đồng cùng tồn tại và phát triển thịnh vượng. Với mục đích đó, chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu tăng khối lượng thương mại song phương của Hàn Quốc với ASEAN lên 200 tỷ USD Mỹ vào năm 2020, tương đương với khối lượng thương mại hiện nay giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.
Điều chỉnh chính sách nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc
Dưới thời Tổng thống Park, quan hệ của Hàn Quốc với Trung quốc rất nồng ấm.Tuy nhiên, sau khi chính quyền Moon quyết định triển khai THAAD, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc nhanh chóng rơi vào trạng thái xấu nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Những dấu hiệu kinh tế và ngoại giao cho thấy Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp trả đũa và gây sức ép với Hàn Quốc, ngăn cản Hàn Quốc đi gần hơn với Mỹ. Điển hình là trong ngày kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày 24/8/2017, hai nước đã không cùng nhau tổ chức như thường lệ mà tổ chức riêng. Trong khi Hàn Quốc đã cử phái đoàn đại diện cấp cao tới buổi lễ kỷ niệm tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul thì Trung Quốc chỉ cử phái đoàn nhỏ tới dự buổi lễ kỷ niệm tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh. Trong bối cảnh những khó khăn, phức tạp trong quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc và chính sách tương đối độc lập, hạn chế gần Mỹ của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon Jea-in, chính sách của Hàn Quốc đối với Trung Quốc sẽ mềm mỏng, ôn hòa hơn. Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11/2017, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Moon Jae-in đã có cuộc gặp gỡ bên lề nhằm nhanh chóng cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Tại đây, Hàn Quốc đưa ra “ba không” cho Trung Quốc là không triển khai thêm THAAD ở Hàn Quốc; không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ lãnh đạo và không tạo ra liên minh quân sự ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Để hạn chế những tác động tiêu cực về kinh tế từ Trung Quốc, Tổng thống Moon Jea-in đã lên kế hoạch tạo thêm nhiều việc làm cho giới trẻ ở cả khu vực công và tư nhân, cắt đứt sợi dây liên kết mờ ám giữa chính trị và kinh tế, nâng cao quyền lực cho các cổ đông nhỏ trong các tập đoàn lớn, xây dựng đạo luật nhằm khuyến khích và bảo vệ doanh nghiệp khởi nghiệp, mở rộng quỹ rủi ro lên 5 triệu won vào năm 2022 so với 3,2 triệu won năm 2016, và tăng gấp đôi chi phí nghiên cứu và triển khai cho các doanh nghiệp. Chính quyền Hàn Quốc dự kiến tạo hơn 800.000 việc làm trong khu vực công, tăng chỉ tiêu việc làm cho người trẻ trong các tổ chức công lên 5% so với mức 3% hiện tại, khuyến khích các doanh nghiệp thuê người lao động trẻ tuổi bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho nhân công trẻ tuổi. Chính phủ Hàn Quốc cũng chú trọng phát triển khoa học công nghệ, lập Ủy ban Chính phủ về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng tới thương mại hóa mạng 5G. Hàn Quốc sẽ đầu tư vào các công nghệ cốt lõi là trí thông minh nhân tạo và công nghiệp mới hướng tới tương lai cho giá trị gia tăng cao
Thể hiện lập trường trong đối đầu Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông
Giữa một bên là sức ép và mối quan hệ lợi ích từ Trung Quốc, với một bên là mối quan hệ đồng minh với Mỹ, Hàn Quốc đã thể hiện cách tiếp cận riêng trong vấn đề Biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Mon Jea-in tăng cường hợp tác quốc phòng với ASEAN, phản đối quân sự hóa ở Biển Đông, ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trong các tuyên bố, Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, cùng nhận thức phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện Tuyên bố các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
Tại các cuộc Đối thoại thường niên ASEAN – Hàn Quốc, Hàn Quốc ủng hộ lập trường chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không quân sự hóa. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam (2018), Brunei, Malaysia và Campuchia (3/2019), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chia sẻ mối quan tâm của khu vực đối với vấn đề Biển Đông khi kêu gọi các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.
Nhìn chung, trong cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ – Trung Quốc ở Đông Nam Á và Biển Đông hiện nay, Hàn Quốc đang thực hiện chính sách linh hoạt nhằm củng cố quan hệ với Nhật Bản, độc lập nhất định với Mỹ, duy trì ổn định trong quan hệ với Trung Quốc, tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN. Những điều chỉnh đối ngoại này vừa phản ánh tư tưởng chính trị của cá nhân Tổng thống Moon Jae-in, vừa phù hợp với nhu cầu an ninh, kinh tế, chính trị nội bộ của Hàn Quốc, đồng thời nhằm hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực của tình hình khu vực, quốc tế, tận dụng cơ hội để bảo vệ an ninh và phát triển đất nước.