Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của TQ: Nhìn từ khía...

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của TQ: Nhìn từ khía cạnh Biển Đông và quan điểm hiện nay của Mỹ

BRI là dự án chính sách đối ngoại mang màu sắc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nó là biểu tượng của chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Trung Quốc, khác xa chiến lược khiêm tốn “giấu mình chờ thời” mà từ lâu đã là đặc trưng của sự can dự toàn cầu của Bắc Kinh. Hiện nay, Trung Quốc đang lấy BRI làm bằng chứng cho thấy nước này đã đảm nhận trách nhiệm lớn, thúc đẩy sự kết nối, phát triển toàn cầu.

TQ lợi dụng BRI để lôi kéo sự ủng hộ trong vấn đề Biển Đông

Trong quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Bắc Kinh đã tìm cách thông qua nhiều cơ chế, phương thức để lôi kéo sự ủng hộ của các nước đối với lập trường và hành động của nước này ở Biển Đông. Trường hợp điển hình là Campuchia, nước ủng hộ và tham gia BRI. Trung Quốc đã cho Campuchia những lợi ích khi tham gia BRI cả về phương diện kinh tế lẫn chiến lược. Thứ nhất, BRI mang lại nhiều cơ hội to lớn cho Campuchia trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng như các cảng biển, đường cao tốc và đường sắt. Campuchia cũng là nước tham gia sáng lập Ngân hàng đầu tư phát riển hạ ttaang châu Á (AIIB). Trung Quốc đã cung cấp 600 triệu USD dưới dạng viện trợ để giúp nước này tham gia các dự án của AIIB. Thứ hai, Trung Quốc cũng giúp Campuchia nâng cao mức độ an ninh của Campuchia tại các đường biên giới với Việt Nam và Thái Lan. Đổi lại, Campuchia là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại ASEAN. Trường hợp thứ hai là Philippines, Trung Quốc đã thu hút Philippines tham gia vào BRI bằng những cam kết đầu tư lớn, nhập khẩu nông sản, hỗ trợ tài chính để bù đắp lại những thiếu hụt do cấm vận từ Mỹ và châu Âu. Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng và ma túy của chính quyền Tổng thống Duterte. Đổi lại, Philippines đã chuyển từ đối đầu căng thẳng trong vấn đề Biển Đông sang hòa hiếu, thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Trường hợp thứ ba là Indonesia. Để đạt được mục đích này, Indonesia đã hoạch định xây dựng 24 cảng biển với tổng khối lượng đầu tư khoảng 55,4 tỷ USD. Cũng tương tự như trường hợp Thái Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN 2019. Thái Lan ủng hộ và sẵn sàng tham gia tích cực vào BRI. Thái Lan cũng nhận được sự hỗ trợ không hề nhỏ từ Trung Quốc. Đổi lại, Thái Lan giữ quan điểm trung lập, có phần nghiêng về Trung Quốc trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đầu tư lớn vào châu Phi, Mỹ Latinh thông qua kết nối với BRI, song đổi lại những nước này đều phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Quan điểm của Mỹ về BRI của TQ

Cách tiếp cận và các lợi ích của Trung Quốc trong việc theo đuổi BRI đã vấp phải sự chỉ trích ngày càng tăng từ phía Mỹ, các quốc gia phát triển khác ở phương Tây và thậm chí là các nước đang phát triển thuộc phạm vi của BRI vì thiếu tính minh bạch, tính bền vững kinh tế và chất lượng cao. Thêm vào các mối quan ngại này là những mối lo âu về việc đằng sau BRI có thể là những động cơ thúc đẩy mang tính chiến lược, có khả năng làm thay đổi bối cảnh địa chính trị và các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu của cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà quan sát mô tả BRI chỉ là một mánh khóe địa chính trị của Trung Quốc nhằm thống trị thế giới, hay là biểu hiện của chính sách “kinh tế trục lợi”, theo cách nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Thứ nhất, theo các nhà chính sách Mỹ, các dự án BRI quá thường xuyên có xu hướng vướng vào tham nhũng, đồng thời thiếu nghiêm trọng tính bền vững kinh tế, tính minh bạch pháp lý và sự quản trị tốt. Cùng với nhau, những thiếu sót này dẫn tới các dự án đe dọa chủ quyền, các chuẩn mực và thông lệ dưới chuẩn trong xuất khẩu, và gây quan ngại về những tác động địa chiến lược của sáng kiến này. Những tình cảm này đã được nêu ra trong một số bài phát biểu của các thành viên cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Nếu Trung Quốc không có hành động gì nhằm giải quyết những vấn đề này, thì các nước bên thứ ba như Mỹ không khỏi nhìn nhận BRI với thái độ hoài nghi, thay vì coi đó là một cơ hội cộng tác.

Thứ hai, Trung Quốc đang áp dụng ngoại giao bẫy nợ thông qua BRI, khiến các nước đang phát triển lệ thuộc vào nợ và sau đó chuyển sự lệ thuộc đó thành ảnh hưởng địa chính trị. Trung tâm Phát triển toàn cầu chọn ra 8 quốc gia được coi là “đặc biệt có nguy cơ vỡ nợ” do tham gia BRI của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc tại Sri Lanka, Pakistan và Malaysia có vai trò trung tâm đối với các cuộc tranh luận về bẫy nợ. Trung Quốc đã có được quyền vận hành cảng Hambantota ở miền Nam Sri Lanka trong 99 năm sau khi chi phí cho dự án này vượt ra ngoài tầm kiểm soát, buộc Colombo từ bỏ quyền kiểm soát cảng để đổi lấy một gói cứu trợ từ phía Trung Quốc. Ở Pakistan, một cuộc khủng hoảng tài chính đã làm gia tăng thái độ phản đối các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một nhánh lớn của BRI. Lập luận về bẫy nợ càng trở nên đáng tin cậy sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ các dự án BRI với tổng trị giá 23 tỷ USD và cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ trở thành con mồi của “chủ nghĩa thực dân phiên bản mới”. Trung Quốc lập luận rằng các quốc gia vốn không thể đảm đương gánh nặng về nợ của các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ngay từ đầu không nên chấp thuận những dự án như vậy. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cũng có trách nhiệm tiến hành trước những nghiên cứu về rủi ro và tính khả thi trong kinh doanh để bảo đảm rằng các quốc gia nhận đầu tư sẽ thanh toán nghĩa vụ nợ và có năng lực hoàn trả nợ. Khi xét tới môi trường kinh doanh và chính trị phức tạp ở nhiều quốc gia đang phát triển, nơi những dự án này được triển khai, người ta thường phóng đại những khó khăn trong việc tiến hành các phân tích kỹ lưỡng cần thiết. Không thể bảo đảm tuyệt đối thành công của bất kỳ dự án nào, ngay cả với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất; tuy nhiên, việc số lượng các quốc gia thông báo rằng họ đang phải chật vật với các khoản nợ liên quan tới các dự án BRI ngày càng tăng cho thấy các công ty Trung Quốc cần củng cố tiến trình thực hiện dự án của họ. Một phần công việc cải thiện điều này xoay quanh việc gia tăng tính minh bạch của dự án.

Thứ ba, sự thiếu minh bạch xoay quanh sáng kiến này là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến Mỹ phản đối việc thực hiện BRI. Sự mập mờ khiến các công ty nước ngoài khó tham gia các dự án liên quan đến BRI cho đến khi những dự án này khởi công, và cũng có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Những quan ngại này không phải là đặc trưng của riêng BRI mà còn được phản ánh trong các tranh chấp thương mại và kinh tế rộng hơn đang tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc về sự công bằng và có đi có lại cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục khuyến khích đầu tư bên ngoài nhằm giúp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng nguồn vốn cần thiết cho việc hoàn thiện tầm nhìn của nước này, nhưng giữa các bên muốn tham gia và những cơ hội thực sự lại tồn tại một khoảng cách. Tiêu chuẩn thấp, khó khăn khi cạnh tranh trong quá trình mua sắm, đấu thầu và rủi ro của các khoản đầu tư là những trở ngại hơn nữa đối với việc tham gia. Sự hội tụ của những vấn đề phức tạp làm tăng vẻ đáng tin của những nhận thức hiện có rằng BRI là một sáng kiến được “sản xuất tại Trung Quốc, sản xuất cho Trung Quốc”, theo cách mô tả của Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Thiếu sự minh bạch làm gia tăng những quan ngại rằng các dự án BRI có thể khuyến khích sự quản trị yếu kém và trở thành những thỏi nam châm thu hút tham nhũng. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, nhiều quốc gia thuộc phạm vi của BRI vốn đã nằm trong danh sách các nước tham nhũng nhất thế giới. Bản chất không rõ ràng của các dự án BRI khiến chúng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tình trạng tham ô và quản lý sai nguyên tắc. Trong điều kiện như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước BRI có thể cho rằng những dự án được Trung Quốc hậu thuẫn đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Các nhà lãnh đạo có thể tuyên bố rằng họ đang mang lại sự phát triển trong khi vẫn bòn rút ngân sách thông qua các khoản “lại quả” và các giao dịch tài chính mờ ám.

Thứ tư, theo quan điểm Mỹ, quy mô của sáng kiến đồng nghĩa với việc nó nhất thiết phải có những tác động về địa chính trị. Khi điều này kết hợp với sự thiếu minh bạch, những tuyên bố của Trung Quốc về “hợp tác cùng thắng” hay “cộng đồng chung vận mệnh” có vẻ không chân thật, hay thậm chí là vỏ bọc nhằm che giấu những ý định thực sự của sáng kiến. Điều này đặc biệt đúng khi BRI được coi là gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn tới việc thúc đẩy những giá trị mâu thuẫn với trật tự toàn cầu hiện tại. Những trường hợp gần đây, trong đó Hy Lạp và Hungary từ chối chỉ trích Bắc Kinh vì những hành vi vi phạm nhân quyền hay những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của họ Biển Đông minh họa cho những quan ngại như vậy. Và trong khi các cuộc thảo luận về việc Bắc Kinh xuất khẩu “mô hình Trung Quốc” có xu hướng cường điệu hóa ý định của Trung Quốc thúc đẩy BRI như một phương tiện nhằm lật đổ trật tự quốc tế, thì những ví dụ như vậy, cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Âu thông qua sáng kiến 16+1 (một diễn đàn do Trung Quốc khởi xướng mà qua đó, nước này can dự với các nước Trung và Đông Âu), khiến các nhà quan sát bên ngoài ngày càng hoài nghi. Tương tự, thành phần Con đường tơ lụa kỹ thuật số của BRI đóng vai trò đường dẫn cho hoạt động xuất khẩu công nghệ giám sát và quyền riêng tư của Trung Quốc. Điều này bao gồm việc sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt ở Zimbabwe, các hệ thống tương tự như chấm điểm tín dụng xã hội ở Venezuela… Một số dự án BRI nằm ở các vị trí chiến lược cho thấy đã có sự tính toán về địa chính trị. Ở eo biển Malacca, tuyến đường giao thương có lưu lượng cao, từng là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Malaysia và nước láng giềng Singapore, dự kiến có 3 cảng được xây dựng trong khuôn khổ BRI, đem lại khả năng tiếp cận trực tiếp tuyến đường này. Mặc dù tất cả các cảng đều được lên kế hoạch phục vụ mục đích thương mại chứ không phải quân sự, nhưng những tác động chiến lược của việc Trung Quốc tài trợ cho các cảng ở tất cả các địa điểm bị tranh chấp này đủ để khiến một số người lo ngại rằng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực sẽ phát triển vượt ra ngoài các cảng thương mại.

Những tác động từ BRI đến Mỹ và tình hình Biển Đông

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ không được để những thất bại rõ ràng của BRI che lấp những thành công của nó. Bất chấp những quan ngại nhiều vô số, việc phản đối BRI theo phản xạ sẽ gây phản tác dụng. Thứ nhất, một phản ứng như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng không cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc và củng cố những nhận thức của Trung Quốc cho rằng Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc, một quan điểm vốn đã rất thịnh hành ở Bắc Kinh. Thứ hai, nó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những quan ngại hiện tại về BRI. Nếu Trung Quốc vẫn là lựa chọn duy nhất ở các quốc gia thuộc phạm vi của BRI, thì nhiều khả năng họ sẽ chấp nhận các điều khoản của Bắc Kinh mà không thắc mắc. Thứ ba, nó sẽ hạn chế khả năng của Mỹ trong việc thúc đẩy BRI theo hướng tích cực bằng cách loại Mỹ khỏi các cuộc thảo luận xoay quanh sáng kiến này. Nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ phản đối những sáng kiến của họ theo phản xạ, thì nước này ít có khả năng nghiêm túc nhìn nhận những mối quan ngại chính đáng của Mỹ về sáng kiến này.

Đối với tình hình Biển Đông và ASEAN, tác động tiêu cực từ BRI thể hiện: Thứ nhất, giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Đông Nam Á và gia tăng ảnh hưởng với các nước thành viên ASEAN, qua đó giảm tính cố kết và thống nhất trong ASEAN. Điển hình, Campuchia luôn tránh không chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, khiến ASEAN khó phản ứng thống nhất. Thứ hai, làm trầm trọng các xung đột, tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông vì đây là khu vực sẽ diễn ra sự chồng chéo về chủ quyền khi triển khai hợp tác BRI về biển. Thứ ba, làm giảm vai trò an ninh của Mỹ, tạo ra bàn đạp để Trung Quốc xâm nhập quân sự vào khu vực. Nguy cơ này trở nên hiện hữu bởi ASEAN thiếu một cấu trúc an ninh khu vực hiệu quả và cam kết của Tổng thống Trump đối với khu vực không rõ ràng và chắc chắn. Việc tăng cường lực lượng quân sự trên sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố, va chạm ngoài ý muốn trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới