Bắc Kinh nên từ bỏ hi vọng rằng Tổng thống Trump sẽ trở nên ít cứng rắn hơn, cựu chiến lược gia cao cấp của Nhà Trắng, Steve Bannon, nói, và dự báo rằng ‘vấn đề Trung Quốc’ sẽ là một chủ đề chính trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tới đây, theo SCMP.
Ông Bannon được xem là một trong số những người có nhiều đóng góp trong chiến thắng của ông Trump ở kỳ bầu cử tổng thống năm 2016. Trả lời phỏng vấn SCMP, ông Bannon không tiết lộ việc ông có tiếp tục sát cánh cùng Tổng thống Trump trong kỳ bầu cử năm tới hay không, nhưng ông đưa ra dự báo rằng mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là vấn đề trọng tâm trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong kỳ bầu cử tới đây và dù cho ai thắng cử sẽ phải tiếp tục giải quyết vấn đề Bắc Kinh.
“Mối quan hệ với Trung Quốc sẽ trở thành chủ đề trung tâm của cuộc bầu cử [tổng thống] năm 2020 này”, ông Bannon nói. “Người sẽ được bầu vào năm 2020 có thể là Donald Trump, nhưng nếu không, thì người chiến thắng trong cuộc bầu cử [năm tới], thuộc về đảng Dân chủ hay không, sẽ cần phải mạnh mẽ như Donald Trump [hiện tại] hoặc hơn”.
Mặc dù nhiều chuyên gia của Washington đồng ý rằng cả lưỡng đảng, Cộng hòa và Dân chủ, hiện giờ đều thống nhất quan điểm chống Trung Quốc, cách nhìn nhận về việc quốc gia tham vọng ở Đông Á đã làm mất bao nhiêu việc làm của người Mỹ thì lại có sự khác biệt.
“Có một sự đồng thuận rằng Trung Quốc là thách thức chiến lược dài hạn lớn nhất của Hoa Kỳ [giữa hai đảng]”, ông Robert Daly, chuyên gia làm việc cho Viện Kissinger về Trung Quốc, nói.
“Nhưng Trung Quốc không phải là nguyên nhân chính gây ra vành đai gỉ sét và các vấn đề ở nông thôn Mỹ, làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế, bất công xã hội, thâm hụt liên bang, các vấn đề của chính trị Mỹ, hay khả năng cạnh tranh bị suy giảm của Mỹ. Những điều đó là do chúng ta”.
Cách nhìn của ông Daly không giống với quan điểm của Tổng thống Trump, theo SCMP, chính việc chỉ rõ Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã giúp ông Trump thắng cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016.
Dấu ấn tuần qua: Vì sao Trung Quốc lo ngại trước Đạo luật Quốc phòng của Hoa Kỳ?
Một cuộc điều tra về các hoạt động sở hữu trí tuệ của Trung Quốc theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thực hiện, đã cung cấp cơ sở pháp lý cho Tổng thống Trump áp dụng thuế quan đối với gần một nửa số hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang trong những tuần gần đây, sau khi chính quyền Trump quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với gói 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực vào ngày 10/5. Ngay lập tức, Bắc Kinh trả đũa bằng cách tăng mức thuế tương tự lên 60 tỉ đô la hàng nhập khẩu Mỹ, phần hàng nhập khẩu còn lại từ Hoa Kỳ, có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây.
Nông dân Mỹ là đối tượng chịu thiệt hại chính trước việc tăng thuế nhập khẩu của Trung Quốc, họ cũng là lực lượng cử chi lớn ủng hộ ông Trump. Ông Bannon nói rằng họ sẽ được bù đắp bằng các chính sách hỗ trợ của ông Trump, người từng tuyên bố rằng sẽ lấy một phần lượng tiền thu được từ việc đánh thuế hàng Trung Quốc để hỗ trợ nông dân.
Ông Bannon cho hay “người nông dân hiểu được việc để giữ cho Hoa Kỳ thịnh vượng thì phải lấy lại những công việc đã mất cho người lao động trong lĩnh vực sản xuất”. Điều mà ông Trump đã làm rất tốt trong thời gian qua, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm ở mức kỷ lục trong 49 năm, đi đôi với số lượng việc làm tăng đều đặn hàng tháng, theo các báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ.