Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ và các nước đồng minh đang thúc đẩy các biện pháp...

Mỹ và các nước đồng minh đang thúc đẩy các biện pháp đối phó với hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông

Trong 3 năm trở lại đây, Mỹ và các nước đồng minh đã thúc đẩy nhiều hoạt động thực tế nhằm đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Mỹ liên tục lên án các hành vi khiêu khích, trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông

Về ngoại giao: Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tại Manila, Ngoại trưởng Pompeo (1/3) cam kết sẽ bảo vệ Philippines trước “các vụ tấn công bằng vũ trang” ở khu vực Biển Đông, khẳng định các hoạt động xây đảo và động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa tới chủ quyền, an ninh và kinh tế của Philippines cũng như Mỹ, nhấn mạnh Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên mọi vụ tấn công nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo điều 4 trong Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau Mỹ và Philippines. Trước đó, trong cuộc họp kín với Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Pompeo (28/2) thể hiện sự lo ngại rằng Trung Quốc đang dùng sức mạnh để áp chế tự do hàng hải trong khu vực và đó là điều hệ trọng đối với mọi quốc gia ở châu Á, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ có chiến lược an ninh quốc gia nhằm đối phó mối đe dọa trên. Trước đó, phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington, Phó Tổng thống Mike Pence (4/10/2018) cảnh báo với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không lùi bước trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh Hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục bay, chạy tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và có yêu cầu về lợi ích quốc gia của Mỹ. Trước đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (15/6/2018) cho rằng việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở khu vực làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp và leo thang tranh chấp, gây tổn hại đến tự do thông thương và ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

Về quốc phòng: Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Mỹ Andrea Thompson (25/3) tuyên bố Mỹ tiếp tục coi trọng vai trò của Việt Nam trong việc cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Về vấn đề Biển Đông, Mỹ cam kết mạnh mẽ nhằm bảo đảm khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở; ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác, thương mại không bị cản trở, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không. Mỹ cũng kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả. Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (7/3) khẳng định Mỹ nhận thức rõ sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, cho rằng cần phải có phản ứng quốc tế đối với các hoạt động này, trên cơ sở trật tự dựa trên luật lệ, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Để duy trì an ninh khu vực trước các thách thức hiện tại, ông Davidson đề cao vai trò của ASEAN, khẳng định các nước ASEAN có sức mạnh đạt tới thịnh vượng, an ninh, và ngăn chặn các cuộc xung đột khi cùng đoàn kết. Theo ông Davidson, Mỹ và ASEAN chia sẻ sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế và hòa bình giải quyết tranh chấp. Chúng ta cần tăng cường khả năng phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin, đồng thời khẳng định Hải quân Mỹ đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia đối tác trong ứng phó với các thách thức an ninh biển. Đáng chú ý, Đô đốc Davidson cho biết đang hướng tới cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và ASEAN vào cuối năm 2019. Trước đó, ông Davidson (12/2) cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và sẽ có sự tham gia của các đồng minh và đối tác; nhấn mạnh các hành vi của Trung Quốc liên quan đến việc mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế lại là mối đe dọa lớn hơn đối với việc duy trì hoạt động tự do lưu chuyển của các luồng người và thương mại. Theo Đô đốc Davidson, hình thức thể hiện rõ nhất ảnh hưởng của Trung Quốc là việc nước này sử dụng các đảo ở Biển Đông để củng cố các yêu sách lãnh thổ ngày càng tăng của mình. Luật pháp quốc tế không công nhận điều này và việc triển khai các hoạt động tự do hàng hải là cách để Trung Quốc biết rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận các yêu sách đó.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (3/6/2018) có phát biểu lên án hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định cam kết của Mỹ về sự hiện diện ở khu vực. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại thường niên Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra chỉ trích mạnh mẽ đối với hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên các cấu trúc ở Biển Đông, cho rằng việc nước này đưa các thiết bị quân sự và tên lửa hiện đại là “một động thái phô trương sức mạnh quân sự rõ ràng”, “hành động bố trí các hệ thống vũ khí này trực tiếp liên quan đến việc sử dụng quân đội nhằm đe doạ và cưỡng ép dù các phát biểu của Trung Quốc”. Đồng thời, ông cho biết các hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn trái ngược với những giá trị “cởi mở”mà chiến lược của Mỹ đang thúc đẩy và đặt ra nghi vấn đối với cái gọi là “những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Robert Manning (9/7/2018) khẳng định việc Mỹ đưa hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình đi qua vùng biển quốc tế trên khu vực eo biển Đài Loan “là hành động được phép về mặt pháp lý”; đồng thời tái khẳng định quyền của tàu Mỹ khi “bay, qua lại và hoạt động” trong khu vực. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (13/10/2018) cảnh báo Chính phủ Trung Quốc về việc đối đầu ngày càng nguy hiểm ở Biển Đông với các tàu chiến Mỹ đi lại tại các vùng biển quốc tế, lưu ý rằng các quy định của Hải quân cho phép có sự phản ứng với các hành động gây hấn. Liên quan đến vụ tiếp cận nguy hiểm với tàu USS Decatur vừa qua, ông Bolton cho rằng các tàu chiến của Hải quân Mỹ được phép sử dụng sức mạnh đề phản ứng bảo vệ bản thân và các thủy thủ khỏi các hành động đe dọa ở biển cả. Cố vấn an ninh quốc gia Bolton tuyên bố “Chúng tôi sẽ không tha thứ cho các đe dọa đối với các thành viên lực lượng Mỹ. Chúng tôi kiên quyết giữ cho các tuyến đường biển quốc tế luôn mở. Đây là điều mà người Trung Quốc cần phải hiểu. Hành vi của họ đã mang tính khiêu khích đã quá lâu rồi”. Ông Bolton cũng gợi ý các quốc gia khu vực như Philippines, Nhật Bản và các nước khác cần xây dựng và quân sự hóa chính các đảo của mình để chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Phát biểu trước chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (16/10/2018) khẳng định Mỹ tiếp tục lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông, cho biết Mỹ đang tìm kiếm một mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự công bằng, có đi có lại, tôn trọng chủ quyền, tức là tôn trọng các quy tắc quốc tế và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia bất kể lớn hay nhỏ; khẳng định Mỹ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đi qua, bay qua các vùng biển và vùng trời quốc tế. Phát biểu sau cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (20/10/2018) nhắc lại lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông, kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp trên biển để ngăn ngừa việc một cường quốc thống trị biển một mình. Ông James Mattis cho biết Mỹ sẽ tiếp tục “cho tàu thuyền đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia yêu cầu”, đồng thời làm rõ rằng Mỹ “không thể chấp nhận việc quân sự hóa ở Biển Đông hay bất kỳ sự cưỡng ép nào ở khu vực này”. Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân Mỹ (29/10/2018), cho biết hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông và các cuộc tuần tra như vậy sẽ làm nổi rõlập trường của Mỹ chống lại “yêu sách biển bất hợp pháp”. Bộ Quốc phòng Mỹ (9/11/2018) lần đầu tiên kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp trên quần đảo Trường Sa, đồng thời tái khẳng định rằng tất cả các quốc gia nên tránh giải quyết tranh chấp bằng sự cưỡng ép hay hăm dọa.

Mỹ tiến hành nhiều hoạt động tập trận, tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông

Ngày 29/11/2018, Hải quân Mỹ thông báo tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Ngày 07/1, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đáp trả các tuyên bố khiêu khích mới đây của Trung Quốc.

Mỹ (11/2) đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Theo Trung tá Clay Doss, hoạt động của hai tàu khu trục trên tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức những tuyên bố quá đáng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc; nhấn mạnh “tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”.

Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ (6/5) đã điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bất chấp cảnh bảo và đe dọa từ Trung Quốc, Mỹ và Anh (18/2) tiếp tục điều tàu chiến tiến hành huấn luyện an ninh hàng hải và hậu cần ở Biển Đông nhằm khẳng định quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi lại trong khu vực. Hải quân Mỹ đã triển khai tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe trong khi Hải quân Hoàng gia Anh triển khai tàu hộ vệ HMS Montrose tham gia cuộc tập trận hậu cần và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Được biết, tàu hộ vệ HMS Montrose là chiến hạm thuộc Type 23, lớp “Duke”. Tàu có lượng chiều dài 133m, rộng 16,1m, mớn nước 7,3m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.900 tấn. Nó được trang bị vũ khí chủ lực là tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, tên lửa phòng không Sea Wolf, ngư lôi 324 mm Sting Ray và các pháo hạm, súng máy khác. Trong khi đó, Guadalupe là tàu tiếp liệu lớp Henry J. Kaiser thứ 14, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động thường ngày và hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Mỹ và các lực lượng đồng minh hoạt động trong khu vực thuộc trách nhiệm của Hạm đội 7. Trong cuộc tập trận trên, các binh sĩ Anh và Mỹ đã diễn tập kịch bản mô phỏng hoạt động lên tàu, khám xét và bắt giữ với sự tham gia của tàu Montrose và tàu Guadalupe. Các tàu này cũng mô phỏng hoạt động tiếp nhiên liệu trên biển, bảo đảm quá trình chuyển giao nhiên liệu an toàn và hiệu quả mặc dù chưa từng phối hợp với nhau trước đây.

Mỹ và Philippines đã huy động khoảng 8.000 quân tham gia cuộc tập trận “Vai kề vai” thường niên trên Biển Đông. Trong đó có 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 lính Mỹ cùng với 50 lính Australia và quan sát viên từ 7 quốc gia khác. Tham gia cuộc tập trận, Mỹ điều tàu đổ bộ USS Wasp mang theo máy bay chiến đấu F-35B, F-18 và máy bay cất cánh thẳng đứng V-22 cùng nhiều loại máy bay khác. Tương tự như năm ngoái, cuộc tập trận sẽ diễn ra chủ yếu ở khu vực phía Bắc của Philippines, tại nhiều khu vực thuộc các tỉnh Pampanga, Tarlac và Zambales. Tại cuộc tập trên, Mỹ và Philippines đã tiến hành thao diễn giải quyết các quan ngại an ninh truyền thống và phi truyền thống như huấn luyện đánh chiếm đảo, bảo vệ sân bay, bắn đạn thật… nhằm tăng cường khả năng phối hợp lẫn nhau giữa các lực lượng Philippines và Mỹ. Được biết, đây là cuộc tập trận chung lần thứ 35 giữa hai nước và là cuộc tập trận chung lần thứ 3 của quân đội hai nước kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền với chủ trương đặt những mâu thuẫn cố hữu với Bắc Kinh về chủ quyền lãnh hải sang một bên để thu hút đầu tư và gia tăng trao đổi thương mại với Trung Quốc. Cuộc thao diễn quân sự diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục điều tàu dân quân biển bao vây trái phép quanh khu vực đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.

Một số nước đồng minh của Mỹ cũng tích cực phối hợp đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông

Các nước đồng minh của Mỹ, nhất là Australia, Nhật Bản, Anh… đã thông qua nhiều hình thức, biện pháp để tăng cường hiện diện tại Biển Đông nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc các nước trên thúc đẩy chính sách, hoạt động trong kh vực đã tạo nên hiệu ứng, góp phần duy trì ổn định ở Biển Đông.

Australia tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông, đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác, giao lưu với các nước liên quan nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cụ thể: (1) Australia (24/10/2018) đang triển khai thêm nhiều tàu chiến đến Biển Đông và hoạt động tại các căn cứ quân sự trên khắp Thái Bình Dương trong bối cảnh Australia đang gồng mình trước việc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh ở khu vực. Theo các số liệu được một Ủy ban trong Thượng viện Australia công bố, Hải quân Australia đã chậm rãi tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông trong vòng 5 năm qua. Tại buổi điều trần trước Thượng viện Australia, Chỉ huy Lực lượng Quốc phòng Angus Campbell cho biết, việc con số tăng lên không chỉ phản ánh thực tế Australia đang hiện diện nhiều hơn ở khu vực mà còn cho thấy nước này “tham gia nhiều hơn với các đối tác trong khu vực tại một vùng biển trung chuyển đến 1/3 lượng vận tải thế giới và là tuyến đường tự nhiên giữa Australia và các đối tác thương mại lớn”. (2) Phát biểu bên lề Hội nghị của Viện các vấn đề quốc tế Australia tại Canberra, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (15/10/2018) đã thể hiện lập trường thận trọng một cách rõ ràng về việc tiến hành các cuộc tuần tra trên biển ở Biển Đông sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nhiều hơn ở vùng biển tranh chấp này. (3) Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Australia (10/10/2018) đã thảo luận về khả năng hợp tác quân sự và an ninh trong khuôn khổ chiến lược của Tokyo về “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết, có thể Nhật Bản sẽ tham gia tuần tra trên biển cùng với Australia tại Biển Đông. (4) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (3/10/2018) đã bày tỏ lo ngại về những “thủ thuật hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc (30/9/2018) áp sát tàu chiến của Mỹ. Ông Pyne cho biết Chính phủ Australia sẽ coi bất cứ việc sử dụng hành động đe dọa nào trong khu vực đều là “bất ổn và tiềm ẩn nguy hiểm”, khẳng định “Australia đã nhiều lần thể hiện lo ngại về việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các bên tranh chấp kiềm chế không tiến hành các hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”. (5) 3 quân chủng hải, lục, không quân của Australia (2-19/10/2018) đã tham gia vào cuộc tập trận an ninh quốc tế kéo dài hai tuần ở Biển Đông. Cụ thể, quân đội các nước Australia, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh sẽ tham gia cuộc tập trận Bersama Lima 18 từ ngày. Tư lệnh quân đội Australia, Đội trưởng Nicholas Pratt, cho biết cuộc tập trận Bersama Lima bao gồm các nội dung huấn luyện thực địa, bắn đạn thật cũng như luyện tập chỉ huy để kiểm tra khả năng hoạt động của các lực lượng hải quân, lục quân và không quân Australia. Cuộc tập trận này cũng sẽ tăng cường hiểu biết của các quốc gia đối tác về chiến thuật và quy trình triển khai hoạt động, chứng minh giá trị vô giá trong việc xây dựng khả năng tương tác giữa quân đội các nước trong khu vực và các tình huống huấn luyện thực tế liên quan.

Ngoài việc tăng cường hiện diện, tuần tra ở Biển Đông, Nhật Bản cũng tích cực thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương với các nước liên quan nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Nhật Bản (8-10/2018) đã đưa ba tàu khu trục (có tàu sân bay trực thăng Kaga) tới Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trước đó, Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản (27/9/2018) đã tham gia tập trận hải quân với tàu HMS Argyll của Anh tại Ấn Độ Dương khi chiếc tàu khu trục này đang tiến về phía Biển Đông và Đông Á. Theo ông Kenji Sakaguchi, Tư lệnh Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản, “sự hiện diện thường xuyên hơn của Hải quân Hoàng gia trong khu vực là cơ hội để hai hải quân tập luyện ăn khớp hơn trong tương lai”.

Ấn Độ đã tích cực tăng cường hiện diện ở Biển Đông bằng cách thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương ở Biển Đông. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (3/3/2018) tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như “tầm quan trọng của việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng nơi chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, sự phát bền vững, hệ thống đầu tư và thương mại tự do, công bằng và cởi mở”; nhấn mạnh đến vai trò của luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kêu gọi thực thi một cách thiện chí các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trước đó, tại “”Đối thoại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (27/2/2018) được tổ chức bởi Hải quân Ấn Độ Dương và Trung tâm Nghiên cứu Quỹ Biển quốc gia (NMF), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định, tự do hàng hải ở các vùng biển được điều chỉnh bởi trật tự dựa trên luật lệ và không có siêu cường hay nhóm siêu cường nào có quyền thay đổi trật tự dựa trên luật lệ. Trước đó, phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Ấn Độ – ASEAN, bà Pritee Saran phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (5/2/2018) khẳng định đã đến lúc Ấn Độ cần khởi động quan hệ hợp tác quân sự với Philippines và các nước láng giềng ở Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông; nhấn mạnh, hoà bình và an ninh khu vực là một trong những nội dung mấu chốt trong Kế hoạch Hành động Hợp tác Ấn Độ – ASEAN năm 2016 – 2020; đồng thời cho biết, Chính phủ Ấn Độ luôn xem an ninh biển ở khu vực đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ đang ngày càng phát triển giữa Ấn Độ và ASEAN, tái khẳng định lập trường của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải được giải quyết hoà bình theo UNCLOS, không có bên nào được phép sử dụng vũ lực để yêu sách chủ quyền đối với các với các vùng biển quốc tế dành cho tất cả các quốc gia.

Ngoài việc tăng cường tuần tra ở Biển Đông, Anh và Pháp cũng tích cực hợp tác với các nước trong vấn đề Biển Đông. (1) Đô đốc Philip Jones thuộc Hải quân Hoàng gia Anh (22/10/2018) cho biết ông sẽ đưa các tàu chiến của Anh đi qua vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, thể hiện sự ủng hộ các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và chống lại Trung Quốc. (2) Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Chính phủ Pháp (9/2018) đã thảo luận với Australia về cách phối hợp triển khai hoạt động ở Biển Đông nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực được giữ vững. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục qua lại tại vùng biển này và khẳng định “quan điểm của Pháp rất rõ ràng, Trung Quốc phải tuân thủ các quy định quốc tế, song Pháp luôn sẵn sàng đối thoại”.

Trung Quốc bao biện cho hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông, liên tục chỉ trích các nước tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cương quyết nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.

Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối tuyên bố, hoạt động của phía Anh ở Biển Đông, khẳng định tình hình Biển Đông đang được cải thiện và ổn định, cả ASEAN và Trung Quốc đều có ý chí mạnh mẽ về duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và đang tiến hành các hành động cụ thể để đạt được điều đó; buộc tội “một số nước” đang cố gắng khuấy lên rắc rối, tạo sóng to, gió lớn ở Biển Đông; khẳng định cái gọi là tự do hàng hải là không tồn tại, bất cứ bước đi nào nhằm ép buộc hay đe dọa người khác chấp nhận lời diễn giải đơn nhất về luật pháp quốc tế dưới danh nghĩa tự do hàng hải là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, giới truyền thông và chuyên gia, học giả Trung Quốc tìm cách chỉ trích, bôi xấu hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết buộc tội Mỹ ở Biển Đông, cho rằng tình hình Biển Đông gần đây dường như đang chứng kiến sự đối lập phân cực giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ đã cùng với các đồng minh và đối tác sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao, quân sự và công luận để kiềm chế Trung Quốc. Cụ thể, các bước đi quân sự thường xuyên của Mỹ đã đẩy Biển Đông đến bên bờ đối đầu. Trong hai năm qua, chính quyền Trump đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và sự hiểu biết về những thách thức và mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt ở khu vực đã thay đổi. Mỹ coi các hoạt động thực thi pháp luật, phát triển các đảo, triển khai thiết bị quân sự và thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc đang tiến hành là thách thức đối với sự kiểm soát của Washington ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thời báo Hoàn Cầu cũng ngang nhiên khẳng định, đối với Trung Quốc, “Biển Đông có nghĩa là chủ quyền, an ninh và phát triển, Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán trên biển và bảo đảm các hành lang an toàn cho nhập khẩu năng lượng và vận chuyển hàng hóa”. Đối mặt với một nước Mỹ hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Xét trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó, bao gồm cả việc gia tăng triển khai quân sự ở khu vực. Nếu Mỹ cứ khăng khăng cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các cố gắng để thách thức vị thế của Washington như một siêu cường duy nhất và cạnh tranh quyền lực trong hệ thống quốc tế, thì quan điểm sai lầm này sẽ gây ra “một cuộc chiến không thể tránh khỏi” giữa hai nước tại vùng biển này. Đáng chú ý, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông đe dọa nguy cơ tạo ra các vụ đụng độ có thể dẫn đến chiến tranh; nhấn mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Washington đã tăng cường các hoạt động tuần tra hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phần lớn tại khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thậm chí còn khuyến khích các nước đồng minh như Anh, Australia, Pháp, Nhật làm điều tương tự. Tuy Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này, nhưng các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây rõ ràng là nhằm duy trì ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực.

Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc tập trung chỉ trích hoạt động của Nhật Bản ở Biển Đông, cáo buộc rằng việc Nhật Bản vẫn tiếp tục hiện diện ở Biển Đông xuất phát từ ba lý do: (i) Nhật Bản luôn “nhìn” Mỹ trong cách ứng xử của nước này với Trung Quốc; (ii) Chiến lược lâu dài của Nhật Bản là duy trì sự hiện diện ở Biển Đông nhằm “kiềm chế” Trung Quốc; (iii) Nhật Bản cần gia tăng ảnh hưởng về quân sự ở khu vực để thúc đẩy vai trò của mình trong việc thúc đẩy chính sách hợp tác kinh tế của mình trong các Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và “lấy lòng” các nước ASEAN bởi các nước này có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Ngoài ra, ông Yongsheng ngang nhiên khẳng định “sự hiện diện quân sự nước ngoài ở khu vực là không cần thiết”, “bất cứ sự can thiệp nào của lực lượng bên ngoài dưới danh nghĩa tự do hàng hải đều là chiêu trò thiếu thiện chí nhằm làm phức tạp tình hình trên biển”.

RELATED ARTICLES

Tin mới