Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐàm luậnDự luật của lưỡng Đảng Mỹ ngăn chặn sự bành trướng trên...

Dự luật của lưỡng Đảng Mỹ ngăn chặn sự bành trướng trên Biển Đông

Lưỡng đảng ở Mỹ vừa công bố một quyết định khiến Trung Quốc không khỏi giật mình. Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Tom Cotton (Đảng Cộng hòa) và Thượng nghị sĩ Ben Cardin (Đảng Dân chủ) đã chính thức tái đưa ra Quốc hội Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông. Đây là một biện pháp cứng rắn nhằm trừng phạt Bắc Kinh.

Dự luật lưỡng Đảng được công bố lần đầu vào năm 2017. Theo đó, Dự luật yêu cầu chính phủ áp dụng lệnh trừng phạt cấm nhập cảnh, phong tỏa tài sản tại Mỹ đối với bất kỳ người Trung Quốc nào đóng góp vào các dự án xây dựng, hoặc hành động đe dọa đến hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Nếu được thông qua Dự luật lần này sẽ là “cây gậy” trừng phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức và cá nhân có những hành động quân sự hóa trái phép trên Biển Đông. 

Trong Dự luật liệt kê danh sách 25 công ty của Trung Quốc đã có những hành động liên quan đến quá trình bồi lấp và xây dựng trái phép trên Biển Đông. Trong đó các công ty lớn gồm Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (Sinopec); Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC); China Mobile, China Telecom và Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC)…

Các công ty trong danh sách này nếu bị xử phạt sẽ không được giao dịch tại các tổ chức tài chính có trụ sở hoặc sở hữu của Mỹ. Và như vậy, định hướng toàn cầu của các công ty này sẽ không thể thực hiện được.

Dự luật lưỡng Đảng của Mỹ là lựa chọn “mềm” chống lại Trung Quốc trong khi chiến tranh thương mại giữa hai nước đang hết sức căng thẳng. Sự cứng rắn của dự luật sẽ dẫn đến sự phản ứng từ phía Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp hơn nếu các công ty hàng đầu của Trung Quốc bị trừng phạt liên quan đến Biển Đông. Dự luật cũng kêu gọi chính phủ Mỹ mở rộng các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, kiên quyết đáp trả các hành động bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Lệnh trừng phạt có thể vượt ra ngoài các công ty thuộc sở hữu nhà nước và quân đội, cũng như chính quyền địa phương.

Một điểm đáng chú ý, nếu được thông qua, dự luật sẽ chấm dứt sự trung lập lâu đời của Mỹ đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp gần Trung Quốc, nhất là Biển Đông. Mỹ ngày càng tỏ rõ lập trường, thái độ cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại, đi đôi với chính sách quốc phòng tập trung hơn vào Trung Quốc. Sự thay đổi chiến lược của Mỹ là điều khiến các nước trong khu vực phải lựa chọn đồng minh. Trong tuần này, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan dự kiến công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Chiến lược mới của Mỹ bao gồm các biện pháp quân sự, ngoại giao và kinh tế mới. Các biện pháp cứng rắn này nhằm ngăn chặn có hiệu quả và trừng phạt chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc; kêu gọi các đồng minh và đối tác tăng cường hoạt động tự do hàng hải, tăng viện trợ quốc phòng cho các quốc gia như Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan.

Chiến lược mới của Wasinghton khuyến khích các cuộc tập trận hải quân mở rộng và tăng cường sự phối hợp, hợp tác quân sự trong khu vực. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo: “Tôi đã gặp một số người ở châu Á không tin tưởng vào chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền trước. Nhưng bây giờ họ có thể thấy chúng tôi ngày càng gắn kết hơn. Chúng tôi không chỉ tham dự các cuộc họp mà còn hành động. Quân đội chúng tôi đang hoạt động tích cực ở đó”.

Sau hai năm một Dự luật của lưỡng Đảng đã thống nhất cao nhằm cản bước sự bành trướng quá đáng của Bắc Kinh trên Biển Đông lại tái khởi động. Bắc Kinh đã có quá nhiều kinh nghiệm đối phó với Mỹ trong những trường hợp tương tự. Liệu lần này họ “im lặng chờ thời” hay “nổ súng” dằn mặt?

RELATED ARTICLES

Tin mới