Friday, November 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChuyên gia Việt: Không dại tấn công khi đối phương đã phòng...

Chuyên gia Việt: Không dại tấn công khi đối phương đã phòng thủ kỹ càng, TQ dĩ thoái vi tiến ở đối thoại Shangri-La

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, các chuyên gia đều dự đoán Trung Quốc sẽ có bài phát biểu mềm mỏng nhưng đây thực tế là một trong những chiến thuật của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: The Straits Times

Bắc Kinh muốn cứu vãn hình ảnh kiêu ngạo và nóng nảy

Trả lời Báo Điện tử Trí Thức Trẻ, Derek Grossman, Trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation cho rằng, Bắc Kinh quyết định trở lại Đối thoại Shangri-La năm nay vì nhận ra rằng, Trung Quốc đã không nhận được đủ sự thu hút thông qua Diễn đàn Hương Sơn do nước này khởi xướng làm đối trọng với Shangri-La năm 2006. Bắc Kinh có thể sẽ không có được uy tín tại Hương Sơn nếu so với Đối thoại Shangri-La.

Vị chuyên gia này nhận định: “Chúng ta sẽ nhìn thấy những cuộc nói chuyện vừa mang tinh thần “win-win” (cùng thắng) nhưng cũng sẽ không khoan nhượng liên quan đến vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Bắc Kinh trong những năm gần đây đã bị gắn với hình ảnh kiêu ngạo và nóng nảy tại các sự kiện quốc tế, ví dụ như hành vi của Trung Quốc tại APEC hồi tháng 11 năm ngoái tổ chức ở Papua New Guinea. Và tôi cho rằng nước này sẽ cố gắng không phô bày những hành động như vậy tại Shangri-La”.

Một điều quan trọng là vừa qua, ông Tập Cận Bình đã phát biểu rằng, Trung Quốc không có tham vọng tạo ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây nhiều khả năng sẽ là chủ đề dự kiến cho bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.

Trung Quốc “dĩ thoái vi tiến”

Ông Lục Minh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế SCIS dự đoán, Trung Quốc sẽ dĩ thoái vi tiến, nghĩa là phía Trung Quốc sẽ khẳng định tư tưởng “dĩ hoà” tại Đối thoại Shangri-La lần này, khả năng cao Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa sẽ tuyên bố, nước này không chống lại Mỹ tại khu vực.

Lý giải điều này, ông Tuấn cho rằng, học thuyết quân sự chủ đạo của Trung Quốc theo đều binh pháp, trong đó không bao giờ đánh thẳng khi đối phương đang phòng bị kỹ càng. “Lấy đá chọi đá không bao giờ có kết quả”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Một ví dụ cụ thể của chính sách này như sự xuất hiện đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt của Trung Quốc tại Shangri-La năm 2011 đi kèm với một loạt các động thái “xuống thang xung đột” rất rõ rệt sau đó như vận động đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, ký kết “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” (10/2011).. nhưng ngay sau đó lập tức “đánh úp” và phong tỏa toàn bộ bãi cạn Scarborough của Philippines (Việt Nam không có tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này) và mở đầu một loạt các hành động vi phạm bằng dân quân biển cùng với các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép ở Biển Đông.

Lần này khả năng cao lại là kịch bản dĩ hoà khác, ông Tuấn dự báo.

Đài Loan, Biển Đông và có thể Triều Tiên sẽ được nhắc tới

Về các vấn đề “nóng” vẫn tồn tại giữa 2 nước, theo ông Grossman, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ “rắn” về Biển Đông và Đài Loan và Mỹ cũng sẽ kiên quyết với những vấn đề này.

Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế tại Thái Lan cũng tán đồng với ý kiến, Biển Đông sẽ là vấn đề nổi bật tại Đối thoại Shangri-La. Mỹ sẽ cần sự ủng hộ của ASEAN trong vấn đề này.

Trên thực tế, cụ thể là về Đài Loan, năm 2018, cũng tại Đối thoại Shangri-La, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tiếp tục củng cố mối quan hệ của Washington với Đài Loan và khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.

Vì vậy, Đài Loan sẽ được nhắc đến nhiều nhất. Thật thú vị và đáng chú ý, tôi nghĩ rằng Triều Tiên sẽ được nhắc đến với việc cả 2 nước đều sẽ sẽ tuyên bố là thành công, bằng cách hợp tác trong vấn đề thách thức này, ông Grossman dự đoán.

Trung Quốc cũng sẽ có thể nhắc đến sáng kiến Vành đai – Con đường như một ví dụ cho việc hợp tác cùng có lợi ở khu vực. Trong khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các đồng minh và đối tác truyền thống để đảm bảo khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở. “Theo tôi, Việt Nam nên được đề cập như một đối tác quan trọng ở khu vực, cùng với những nước khác như Ấn Độ và Indonesia”, chuyên gia của RAND Corporation nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới