Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump

Chính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump

Dưới thời Chính quyền Barack Obama, Biển Đông được coi là trọng tâm trong “Chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương”, đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ trong việc triển khai các chính sách về chính trị, kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, những chính sách này đã không ngăn cản được sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, đe dọa đến vị trí cường quốc số 1 ở khu vực và trên thế giới của Mỹ. Chính vì vậy, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có cách tiếp cận vấn đề Biển Đông mạnh mẽ, quyết liệt hơn so với thời Tổng thống Obama.

Cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Tổng thống Trump

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần khẳng định quan điểm: Trung Quốc không nên và không thể lộng hành, muốn làm gì thì làm ở Biển Đông. Ông chỉ trích chính quyền Obama đã không ngăn được Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, để Trung Quốc tiến hành cải tạo, xây dựng phi pháp nhiều cơ sở hạ tầng lưỡng dụng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm giành lợi thế trong cuộc tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á, trở thành mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Trong khi những phản ứng và hành động của Mỹ còn quá nhẹ nhàng, không mang lại nhiều hiệu quả. Có thể lấy ví dụ như việc Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trong vùng 12 hải lý một số cấu trúc địa lý mà Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo trong năm 2015. Đó chưa phải là cuộc tuần tra đúng nghĩa mà thực tế là Mỹ đã sử dụng quyền đi qua không gây hại, tắt radar, không mang theo máy bay.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ áp dụng biện pháp vừa đối thoại, vừa kiềm chế để đối phó với Trung Quốc.Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump đã nhiều lần phát biểu công khai phản đối mạnh mẽ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố Mỹ phải bảo vệ những vùng biển quốc tế này. Quân đội Mỹ được trao quyền lớn hơn và tần suất hoạt động tự do hàng hải của các tàu chiến Mỹ trên khu vực Biển Đông cũng trở nên dày hơn với mục tiêu gia tăng sức ép về ngoại giao và quân sự với Trung Quốc.

Trong năm 2017, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra FONOP; năm 2018 tiến hành 4 cuộc tuần tra nữa và trong 6 tháng đầu năm 2019 tiến hành 4 vụ.Trong số đó, có những cuộc tuần tra mà tàu của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý của đá Vành Khăn, Gạc Ma, Ga Ven (thuộc quần đảo Trường Sa), đảo Cây, Linh Côn, Tri Tôn và Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và bãi cạn Scarborough.

Ngoài ra, Mỹ cũng nhiều lần đưa máy bay trinh sát, ném bom chiến lược tầm xa B-52, B-1, B-2 đến tuần tra và huấn luyện ở Biển Đông; đồng thời tăng cường các cuộc tập trận chung với các nước ASEAN cũng như với các nước đồng minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Quy mô và chất lượng của các cuộc tập trận ngày càng được mở rộng, khu vực tập trận ngày càng áp sát các vùng biển tranh chấp. Điển hình nhất cho cách tiếp cận mạnh mẽ của Mỹ đó là việc hải quân Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines lần đầu tiên kết hợp tập trận tại Biển Đông khi cử 6 chiến hạm tập trận chung từ ngày 2 – 8/5/2019. Cùng thời điểm, Mỹ (6/5/2019) đã cử hai tàu khu trục hoạt động xung quanh 2 đá Ga Ven và Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa.

Lôi kéo sự tham gia của đồng minh

Các hoạt động quyết liệt của Mỹ đã thúc đẩy các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, tạo ra áp lực lớn đối với Trung Quốc.

Nhật Bản là nước tích cực nhất trong việc phối hợp với Mỹ để đẩy mạnh sự hiện diện ở Biển Đông. Nhật Bản đã tích cực đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn đa phương mà ASEAN là trung tâm như ARF, ADMM+, Diễn đàn Đông Á (EAS), để thông qua đó kiềm chế các hành động tương tự của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Nhật Bản duy trì sự hiện diện trong khu vực thông qua hoạt động thăm viếng quân sự của tàu hải quân đến các nước kết hợp diễn tập chung nâng cao năng lực, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp biển của các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông hoặc các chương trình trao đổi đoàn và đào tạo, huấn luyện riêng. Tháng 5/2017, Nhật Bản đã cử tàu sân bay trực thăng Izumo (một trong hai hàng không mẫu hạm lớn nhất nước này) đến Biển Đông tiến hành tuần tra với hành trình kéo dài 3 tháng. Tháng 8-10/2018, tàu sân bay chở trực thăng Kaga cùng 2 tàu khu trục hộ tống Inazuma và Suzutsuki mang tên lửa đã có hành trình từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, ghé thăm Philippines, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka và tập trận với từng nước nói trên và có thêm 1 cuộc tập trận chung với tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ ở khu vực biển Đông. 

Anh cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực, tuyên bố duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông để bảo vệ lợi ích lâu dài. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson (11/2018) tiết lộ rằng, nước này đang xem xét xây dựng các căn cứ quân sự mới tại Châu Á nhằm đối phó với các nỗi lo bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bản đánh giá các sáng kiến quốc phòng của Anh thời gian gần đây chỉ ra rằng, việc lập căn cứ tại Châu Á sẽ là sự mở rộng một cách lôgic các động thái quân sự Anh đã thực hiện trong vài năm qua, chứ không phải là một sáng kiến ngẫu nhiên, chưa có sự chuẩn bị trước. Một số nguồn tin quốc phòng cho biết, các địa điểm tiềm năng mà Anh có thể lựa chọn là Singapore và Brunei bởi cả hai nước này đều từng là thuộc địa cũ của Anh, nằm cạnh Biển Đông và đang có một lực lượng nhỏ quân đội Anh đồn trú.

Pháp cũng nhiều lần đưa tàu chiến tới Biển Đông, trong đó có cả hoạt động FONOP trong khu vực Trường Sa như tàu khu trục La Fayette Courbet (4/2017), tàu hộ vệ Prairal (9/2016), tàu đổ bộ Mistral (4/2017), tàu săn ngầm lớp FREMM Auvergne (10/2017), tàu trinh sát Vendémiaire (3/2018), tàu tấn công Dixmude (5/2018). Ngoài ra, Pháp cũng thường xuyên cử máy bay chiến đấu, máy bay vận tải… tham gia các cuộc tập trận đa phương ở khu vực Biển Đông với sự có mặt của các nước Australia, Ấn Độ, Malaysia, Singapore…

Việc các nước tăng cường can dự theo hướng chủ động, tích cực hơn có ý nghĩa quan trọng, là những sự ủng hộ có sức nặng cho chính sách Biển Đông của Tổng thống Trump, góp phần thúc đẩy quá trình quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới