Quốc hội Mỹ đã xem xét liên tiếp hai dự luật trừng phạt Trung Quốc, trong đó một do liên quan đến các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và dự luật thứ hai về quốc phòng trị giá 750 tỷ USD nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Dự luật về quốc phòng do Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đề xuất
Ủy ban Quân vụ Thượng viện đề xuất ngăn chặn suy giảm lợi thế quân sự của Mỹ, sàng lọc các công ty có liên kết với chính phủ Trung Quốc và tăng ngân sách để mua sắm thêm F-35.Ủy ban Quân vụ Thượng viện nhắm vào Trung Quốc trên nhiều mặt trận, bao gồm việc ngăn chặn sự suy giảm lợi thế quân sự của Mỹ so với Trung Quốc để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên phạm vi toàn cầu.
Dự luật đề xuất khoản ngân sách quốc phòng trị giá 750 tỷ USD, ủy quyền cho quân đội mua sắm nhiều máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hơn và tài trợ đầy đủ cho chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.Ủy ban Quân vụ Thượng viện ủy quyền cho Bộ Quốc phòng Mỹ mua thêm 94 tiêm kích tàng hình F-35, do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Trong đó gồm 60 chiếc F-35A, 12 chiếc F-35B, phiên bản cất hạ cánh thẳng đứng và 22 chiếc F-35C, phiên bản sử dụng trên tàu chiến.
Dự luật do các thượng nghị sỹ lưỡng đảng trừng phạt hoạt động của TQ ở Biển Đông và Hoa Đông
Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Tom Cotton cùng Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin tuần trước đã chính thức tái đề xuất Dự luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông. Đây là biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm mục tiêu tới các cá nhân và công ty Trung Quốc. Dự luật do các nghị sĩ Mỹ đề xuất sử dụng những ngôn từ cứng rắn, trong đó đề cập tới “các hành động phi pháp” của Trung Quốc nhằm “khẳng định yêu sách chủ quyền bành trướng một cách hung hăng” tại Biển Đông. Điều này chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng từ phía Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng song phương Mỹ – Trung đang ngày càng tăng nhiệt.
Dự luật trừng phạt trên khẳng định Mỹ “phản đối các hành động của chính phủ bất kỳ quốc gia nào nhằm can thiệp vào việc sử dụng tự do vùng biển và vùng trời tại Biển Đông và biển Hoa Đông”, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng theo đuổi “các yêu sách phi pháp và quân sự hóa khu vực đóng vai trò quan trọng với an ninh toàn cầu”.
Dự luật cũng kêu gọi chính phủ Mỹ “mở rộng các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không, đồng thời đáp trả các hành động khiêu khích của Trung Quốc bằng các hành động tương xứng”. Thực tế, Trung Quốc bị nghi ngờ lên kế hoạch lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) nhằm kiểm soát Biển Đông. Được công bố lần đầu tiên vào năm 2017, dự luật “yêu cầu tổng thống áp đặt lệnh trừng phạt cấm nhập cảnh và kiểm soát tài sản tại Mỹ” của “bất kỳ công dân Trung Quốc nào đóng góp vào việc xây dựng hoặc phát triển các dự án” hoặc “tham gia vào các hoạt động hay chính sách đe dọa hòa bình và ổn định” trên Biển Đông.
Xét đến cách tiếp cận tổng thể của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông, trong đó cả chính phủ, quân đội và các lực lượng bán quân sự đều phải tham gia vào việc thúc đẩy yêu sách chủ quyền, dự luật trừng phạt của Mỹ có thể mở rộng phạm vi ra ngoài các công ty nhà nước hay các công ty lớn của Trung Quốc và nhắm mục tiêu tới quân đội Trung Quốc cũng như các chính quyền địa phương. Nhiều khả năng dự luật nay sẽ sớm được thông qua.