Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngày 31/5 đã có cuộc hội đàm kéo dài 20 phút bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 tại Singapore. Cuộc gặp của hai vị Bộ trưởng này ngay lập tức đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: Reuters
Cuộc gặp lần đầu tiên trong 7 tháng qua
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên lãnh đạo quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc tiến hành đối thoại trực tiếp kể từ cuộc gặp tháng 11/2018 tại thủ đô Washington giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khi đó là ông James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang leo thang căng thẳng trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả hành động toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay.
Thứ hai, Bộ trưởng quốc phòng hai nước đã thảo luận về cách thức xây dựng mối quan hệ quân sự nhằm giảm thiểu hiểu nhầm và tính toán sai lầm giữa hai nước. Phía Mỹ cho biết cuộc gặp kéo dài 20 phút này là “mang tính xây dựng và hiệu quả”, đồng thời hy vọng cuộc thảo luận này sẽ là nền tảng cho sự gắn kết trong tương lai. Trước thềm cuộc gặp, Bộ trưởng Shanahan đã bày tỏ lạc quan rằng quan hệ giữa quân đội hai nước có rất nhiều triển vọng. Ông cũng cho biết sẽ thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc về một số đề xuất để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Về phần mình, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nêu rõ trong cuộc thảo luận, hai bên đã đạt được đồng thuận về một số vấn đề cùng quan tâm.
Tìm điểm chung từ vấn đề Triều Tiên
Thứ ba, cuộc gặp lấy “mẫu số chung” là vấn đề Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Quyền Bộ trưởng Shanahan đã thảo luận với phía đồng cấp Trung Quốc về cách thức quân đội hai bên có thể hợp tác tốt hơn trong việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Trong khi phía Trung Quốc thì cho biết hai Bộ trưởng đã nhất trí sẽ hợp tác trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh đàm phán Mỹ – Triều đã bị đình trệ sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua.
Thứ tư, cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung leo thang căng thẳng về thương mại. Ngày 10/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, trong thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giá trị khoảng 325 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế mới có thể khiến Trung Quốc đáp trả và đẩy cuộc chiến thương mại tưởng như sắp kết thúc này leo thang trở lại. Trung Quốc cũng thông báo quyết định tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1/6.
Hành động quân sự hóa của TQ trên Biển Đônglà “quá đáng” và “tàn phá quá mức”
Thứ năm, mặc dù trong các thông báo chính thức từ cuộc gặp không đề cập đến tranh chấp Biển Đông, song phát biểu với các phóng viên tại Singapore bên lề Đối thoại Shangri-La cùng ngày, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, như triển khai tên lửa đất đối không, là “quá đáng” và “tàn phá quá mức”.“Họ nói rằng đó là để phòng vệ, nhưng thực chất điều đó giống như sự tàn phá quá mức, các tên lửa đất đối không, các đường băng dài, chúng dường như là hành động quá đáng”, ông Shanahan nói.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù cả hai bên cố gắng kiềm chế để thể hiện thiện chí và tìm tiếng nói chung trong hạ nhiệt căng thẳng hiện nay, tuy nhiên sẽ không mang lại kết quả tích cực nào. Trong khi đó, phía Mỹ đã có những chỉ trích mạnh mẽ, trực diện nhất đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đang thực hiện yêu sách phi lý chiếm trọn gần như toàn bộ Biển Đông và liên tục củng cố sự hiện diện quân sự trong khu vực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ không từ bỏ dù chỉ vài centimet lãnh thổ. Đối thoại Shangri-La là nơi mà các bộ trưởng quốc phòng châu Á tranh luận về những thách thức an ninh cấp bách trong khu vực, tham gia vào cuộc đàm phán song phương và đa phương để đưa ra các giải pháp mới có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, thật khó để mong đợi bất kỳ thỏa thuận nào giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.