Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTàu TQ cướp tài sản của ngư dân Việt Nam

Tàu TQ cướp tài sản của ngư dân Việt Nam

Tàu cá QNa-91441 của ngư dân Quảng Nam (2/6) bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 46305 chặn cướp tài sản khi đánh bắt cá trong vùng biển gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo thông tin trên, tàu cá của ngư dân Quảng Nam có số hiệu QNa-91441 khai báo rằng tàu bị “tàu Trung Quốc mang số hiệu 46305 áp sát, yêu cầu mở hầm tàu và đưa hết mực khô bên trong rồi vận chuyển sang ca nô chở về tàu 46305”. Vụ cướp được ghi nhận xảy ra tại vị trí 15 độ 42 phút Bắc, 111 độ 34 phút Đông, thuộc đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Thuyền trưởng tàu QNa-91441 cho biết, “trong khi khống chế và lấy mực, có người trên tàu Trung Quốc nói tiếng Việt với các ngư dân rằng đây thuộc vùng biển Trung Quốc nên cấm khai thác. Ngoài ra người này còn dọa sẽ cắt hết lưới và lấy hết dụng cụ hành nghề nếu phát hiện ngư dân Việt Nam lần sau”. Tin cho hay trị giá của 2 tấn mực khô vào khoảng 250 triệu đồng, nhưng thiệt hại chung do chuyến đi gặp trở ngại có thể cao hơn gấp đôi.

Giới chuyên gia nhận định, hành động mà Trung Quốc làm rất nhiều từ xưa nay tức là họ luôn khẳng định “Hoàng Sa là của họ không thể tranh chấp với bất cứ quốc gia nào khác nên bất kỳ tàu cá nào đi ngang qua khu vực Hoàng Sa của họ mà họ thấy là đều bắt giữ. Đó là cách Trung Quốc thể hiện quyền lực và sức mạnh đối với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù về mặt chứng kiến pháp lý thì Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Việc tàu Trung Quốc chặn, cướp tài sản ngư dân các nước đang đánh bắt cá hợp pháp ở Biển Đông không phải hiếm gặp. Đây là lần thứ 2 trong vòng khoảng 2 tháng qua, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công. Một số vụ điển hình gần đây:

Ngày 6/3/2019, tàu Trung Quốc có số hiệu 44101 đâm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. Theo đó, vào khoảng 10h sáng 6/3, tàu cá QNg-90819 của ngư dân Nguyễn Minh Hùng (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc có số hiệu 44101 làm chìm tại khu vực cách phía Đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý, nằm ở khu vực đảo Đá Lồi, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc tàu chìm, tàu ông Hùng có 5 ngư dân. Sau khi bị đâm, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi chỉ còn nổi phần mũi, 5 ngư dân đã bám vào phần mũi tàu. Đến 12h06, 5 ngư dân đã được một tàu cá khác của Quảng Ngãi là tàu QNg-90620 tiếp cận cứu vớt an toàn và rời khu vực tiếp tục đi đánh bắt hải sản.

Ngày 6/3/2016, tàu cá QNa-91939-TS do ông Võ Quang Thái trú tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng cùng 9 ngư dân đang khai thác thủy hải sản tại vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46101 cùng 2 tàu không rõ số hiệu cập mạn, khống chế, cướp phá tài sản, lương thực, nước uống và ngư lưới cụ. Tổng số thiệt hại của tàu ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngày 7/5/2015, tàu cá số hiệu QNg 96147-TS, do ngư dân Dương Văn Giàu ở xã An Hải làm thuyền trưởng khi đang ở tọa độ 16 độ 45 phút Vĩ Bắc, 112 độ 20 phút Kinh Đông, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu quân sự Trung Quốc truy đuổi, tàu quân sự này đã thả hai canô tốc độ cao áp sát tấn công. Người trên canô của Trung Quốc nhảy sang tàu ông dùng dùi cui điện đánh đập ngư dân, phá hủy thiết bị liên lạc trên tàu, cướp toàn bộ số hải sâm mà ngư dân lặn bắt được.

Ngày 12/1/2015, tàu cá QNg 96093 TS của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (32 tuổi, trú thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) vừa bị 2 ca nô của lực lượng Trung Quốc, gồm 10 người rượt đuổi, đập phá, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề, buộc tàu cá này phải chạy về đất liền. Các thiết bị bị tàu Trung Quốc đập phá, cướp đi gồm: 1 máy định vị, 1 máy Icom, 1 máy dò cá, 2 thuyền thúng cùng 1 tấn cá. Ước tính thiệt hại trên 150 triệu đồng.

Ngày 7/1/2015, 2 tàu cá Lý Sơn cũng bị tàu Trung Quốc đập phá. Theo đó, tàu cá QNg 96372 của ngư dân Lê Tân (thôn Tây, xã An Hải) bị tàu ngư chính Trung Quốc rượt đuổi, đập phá gần đảo Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khoảng 10 ngư Trung Quốc tay lăm lăm vũ khí nét mặt hung hăng nhảy lên tàu cá uy hiếp thuyền trưởng, bắt toàn bộ thuyền viên ra mũi tàu để đánh đập bằng dùi cui rồi họ tiến hành đập phá, chặt nát dây hơi, đâm thủng những phuy dầu, đập phá chán họ lục lọi cướp đi một số thiết bị nghề cá và hải sản vừa khai thác được.

Ngày 28/11/2012, tàu cá của một ngư dân ở Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc lục soát lấy cá, vứt bỏ ngư cụ xuống biển, gây thiệt hại khoảng 115 triệu đồng, tại vùng biển cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 170 hải lý. Theo đó, tàu cá QNg-90133 của ông Huỳnh Quang Vũ (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa chạy ra đến vùng biển cách đảo Lý Sơn khoảng 170 hải lý thì tàu bị chết máy. Trong thời gian chờ cứu, có 1 chiếc tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 306 áp sát, cử 6 người Trung Quốc dồn tất cả 6 ngư dân Việt Nam lên phía trước mũi tàu. Sau đó, số người Trung Quốc bắt đầu lục soát khắp tàu. Bọn họ lấy đi hơn 1 tấn cá, vứt bỏ toàn bộ lưới, dàn câu… trên tàu xuống biển.

Ngày 24/2/2004, tàu đánh bắt mang số hiệu QNa – 0324 trú tại thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành khi đang câu mực trên vùng biển ngoài khơi miền Trung tại khu vực toạ độ 16o10′ N , 111o 20’E, thuộc khu vực phía Đông Bắc đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ bị một tàu Trung Quốc mang số hiệu 1213 (dạng tàu hải quân), sơn màu xám, dài khoảng 25 m, rộng 6 m , có trang bị súng, trên tàu có khoảng 25 người bận quần áo màu đen, xanh đã nổ súng đe doạ và cướp 500 kg mực khô, một máy truyền tin 3 băng và toàn bộ lương thực dự trữ trên tàu.

Trước việc tàu Trung Quốc hành động ngang ngược, cướp bóc trắng trợn tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá trong vùng biển của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: Những hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiếp tục làm phức tạp tình hình trên Biển Đông. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cũng kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam trong các hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân Việt Nam yên tâm vươn khơi bám biển lao động sản xuất. Theo Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, đây là một trong những hành động nguy hiểm, có dụng ý của phía Trung Quốc nhằm đe dọa tinh thần, an toàn tính mạng và gây thiệt hại về kinh tế đối với ngư dân Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thể hiện tinh thần thiếu thiện chí, lời nói không đi đôi với việc làm của phía Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam.

Đáng chú ý, truyền thông quốc tế cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì cho phép tàu chấp pháp đâm va, cướp phá tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên Biển Đông. Trong bài viết mang tiêu đề “Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam”, trang tin Bloomberg đánh giá sự kiện là màn đối đầu nghiêm trọng nhất của hai nước kể từ năm 2007. Trang tin dẫn lời ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng con tàu cá mang số hiệu DNa 90152 bị “tàu Trung Quốc đâm trúng”. 10 ngư dân trên tàu DNa 90152 đã được các tàu Việt Nam ở gần đó cứu. Bloomberg tiếp tục dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng hành động đâm chìm tàu cá của Việt Nam đã phản ánh “các hành động hết sức nguy hiểm đe dọa mạng sống con người”. “Điều quan trọng là tất cả các quốc gia cần khôi phục sự ổn định trong khu vực, hành động điềm tĩnh, thận trọng, tuân thủ với luật pháp quốc tế và không hành động đơn phương để làm tăng căng thẳng”.

Khi đưa tin về sự kiện, tờ New York Times nhận xét vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển nằm gần Hoàng Sa trong ngày 1/5. Việt Nam đã khẳng định vùng biển nơi giàn khoan hoạt động nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và tuyên bố cân nhắc khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Tờ báo cũng dẫn lời Dennis J. Blasko, cựu quan chức quân sự của tòa Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì nó có thể làm căng thẳng tình hình. Theo New York Times, Trung Quốc đã tiến hành kiểm duyệt các phản ứng của người dân nước này trên các mạng xã hội về vụ việc trên.

Hãng tin AP dẫn nguồn báo chí Việt Nam nói rằng khoảng 40 tàu cá Trung Quốc đã bao vây các tàu cá Việt Nam trước khi xảy ra vụ việc. Sau đó một trong các tàu cá Trung Quốc đã đâm trúng tàu cá Việt Nam, hất các cư dân xuống biển. Theo AP, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông và điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh ở thế đối đầu với các nước nhỏ hơn, gồm Việt Nam và Philippines. Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn hơn trong việc khẳng định chủ quyền và từ chối hoạt động đàm phán.

RELATED ARTICLES

Tin mới