Friday, December 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 18/06/2019

Bản tin Biển Đông ngày 18/06/2019

Bản tin Biển Đông ngày 18/06/2019.

Sách trắng quốc phòng sắp tới của Malaysia sẽ định hướng cho thời kỳ mới

Báo Asia Sentinel ngày 17/6 có bài phân tích về việc Malaysia sẽ lần đầu tiên đưa ra sách trắng quốc phòng dự kiến trình quốc hội vào cuối năm nay. Malaysia hiện đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh quốc phòng do đầu tư cho quốc phòng liên tục giảm trong thời gian qua.

Malaysia là một bên yêu sách trên Biển Đông, có vùng biển bị chia làm hai phần và cách nhau khoảng 600 đến 1,200 km. Biển Đông là khu vực có tranh chấp chủ quyền song phương và đa phương phức tạp giữa các nước Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia; nơi mà Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đây cũng là khu vực cạnh tranh sức mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ. Do vậy, Biển Đông liên quan đến rất nhiều thách thức hàng hải đối với Malaysia và sẽ được đề cập trong sách trắng, bao gồm: việc bảo vệ khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Malaysia nơi hiện đang chồng lấn với “yêu sách đường 9 đoạn” của Trung Quốc; Vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia cần được bảo vệ khỏi sự khai thác/xâm nhập của các tàu cá Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc; Bảo vệ hoạt động khoan dầu của Malaysia; xử lý vấn đề người di cư trái phép tại khu vực biển Sulu, biên giới Đông Sabah nơi tiếp giáp với phía Nam Philippines; quản lý nguy cơ va chạm tàu thuyền tại khu vực eo biển Malacca, giải quyết tranh chấp giữa Malaysia và Singapore tại khu vực biên giới tiếp giáp với cảng Tuas của Singapore, khủng bố quốc tế, an ninh biên giới, an ninh mạng…

Sách trắng quốc phòng sắp tới cũng sẽ cung cấp giải pháp giúp Malaysia duy trì sự hiện diện ở Biển Đông, cải thiện an ninh biên giới, bảo vệ tài sản kinh tế, chống khủng bố và an ninh mạng.

Philippines yêu cầu Mỹ giúp đỡ bảo vệ quyền chủ quyền ở Biển Đông

Báo điện tử Philippine Canadian Inquirer ngày 16/6 trích phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. liên quan đến tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Manila. Ông Locsin Jr. cho rằng: “Tự do hàng hải ở Biển Đông đơn thuần chỉ là sự tự do được đi qua các chuồng thú trong công viên. Để tự do hàng hải thực sự có ý nghĩa, Mỹ cần sẵn sàng sử dụng sức mạnh để bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông. Nếu không, nó sẽ không có ý nghĩa gì cả”.

Ngày 14/6 vừa qua, Mỹ đưa ra bình luận liên quan đến vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và Philippines gần khu vực Bãi Cỏ Rong ở vùng biển phía Tây Philippines. Đồng thời, Mỹ khẳng định lại quan điểm “rõ ràng” của Washington về Biển Đông “chúng tôi nhận được tin về vụ va chạm trên Biển Đông. Chúng tôi rất vui mừng khi biết không có thuyền viên Phillippines nào thiệt mạng và tàu cá Việt Nam đã cứu họ. Quan điểm của Mỹ về Biển Đông rất rõ ràng, Mỹ ủng hộ việc khai thác hợp pháp vùng biển, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ thương mại hợp pháp không bị cản trở và hòa bình, ổn định. Chúng tôi đề nghị các bên kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để áp đặt các tuyên bố chủ quyền.”

Ngoại trưởng Philippines Locsin mặc dù công nhận tuyên bố của phía Mỹ chỉ mang tính khách quan nhưng ông cũng nhớ lại “lần cuối cùng phía Mỹ lên tiếng, họ đã yêu cầu Philippines và Trung Quốc ngừng căng thẳng và rút khỏi bãi cạn Scarborough. Chúng tôi đã rút còn Trung Quốc thì ở lại. Phía Mỹ đã im lặng. Im lặng là đồng ý. Dưới thời tổng thống Trump, điều này cần phải thay đổi”.

Phó Tổng thống Philippines yêu cầu Chính phủ Philippines không được im lặng trước Trung Quốc

Ngày 16/6, mạng Rappler đưa tin, liên quan đến vụ va chạm tàu cá giữa Philippines và Trung Quốc vừa qua, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo ngày 16/6 đã lên án hành động của thủy thủ đoàn Trung Quốc, bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước việc Chính phủ Trung Quốc từ chối thừa nhận tội lỗi của các ngư dân làm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc thủy thủ đoàn Philippines. Những người liên quan phải chịu trách nhiệm theo các hiệp ước quốc tế và luật pháp quốc tế. “Tôi hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Lực lượng Vũ trang Philippines và Bộ Quốc phòng tiến hành điều tra vụ việc và buộc những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm”. Chủ tịch Thượng viện, Thượng Nghị sỹ Vicent “Tito” Sotto III kêu gọi Bộ Ngoại giao hành động, thông báo cho Chính phủ Trung Quốc vụ việc này và tìm hiểu vụ việc. Thượng Nghị sỹ đối lập Risa Hontiveros cho rằng Chính quyền Duterte nên triệu hồi Đại sứ và các Tổng Lãnh sự của Philippines ở Trung Quốc cho đến khi Chính phủ Trung Quốc đã xác định và giải thích sự hiện diện của tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Philippines; xác định và trừng phạt thuyền trưởng và toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu Trung Quốc; cam kết những hành động như vậy sẽ không tái diễn. Thượng Nghị sỹ Francis Pangilinan thúc giục chính quyền lên tiếng phản đối Trung Quốc; tuyên bố “Chúng tôi thúc giục Chính phủ từ bỏ chính sách khúm núm, xoa dịu và tiến hành phản đối ngoại giao. Không quốc gia tự tôn nào trên thế giới vẫn nhu mì và ngoan ngoãn khi đối mặt với sự độc ác và hiếu chiến”.

Khoảng 8h tối ngày 15/6 (theo giờ địa phương), toàn bộ 22 ngư dân trên tàu cá Gemver-1 đã trở về đất liền trong vòng tay của gia đình họ. Phát biểu khi trở về, thuyền trưởng Junel Insigne cho biết ông cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến chuyện tiếp tục ra khơi, đồng thời kêu gọi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và dư luận lên tiếng giúp đỡ ông và các thuyền viên sau vụ tàu bị đâm chìm. Họ không chỉ mất con tàu, mà còn mất trắng gần 3 tấn cá, theo Inquirer. “Vụ việc tương tự có thể sẽ lại xảy ra”, ông Insigne nói. Tuy nhiên, theo ông này, những ngư dân như ông không còn lựa chọn khác, vì họ chỉ có thể dựa vào nguồn hải sản từ biển khơi để kiếm sống. Trước đó, trả lời phỏng vấn trên tàu tuần tra BRP Alcaraz của Hải quân Philippines, thuyền trưởng Junel Insigne cho biết ông có thể xác định được đó là tàu cá Trung Quốc dựa vào hệ thống đèn trên con tàu. Cụ thể, ông Insigne nói rằng ông và các thuyền viên đã từng nhìn thấy tàu cá Trung Quốc trong những chuyến đánh bắt cá trước đó trên Biển Đông, và khẳng định rằng chỉ có tàu Trung Quốc mới có đèn chiếu sáng cỡ lớn như vậy. Nhờ vào cường độ sáng của loại đèn này, ông Insigne và các thuyền viên Philippines mới có thể nhận ra hình dáng con tàu. Thuyền trưởng này cho biết họ không nhìn thấy cờ Trung Quốc, tuy nhiên hình dáng con tàu đã đâm vào họ giống hệt như loại tàu họ từng thấy trước đây. Bên cạnh đó, ông Insigne còn kể lại rằng các thuyền viên Trung Quốc đã chứng kiến tận mắt chiếc tàu của ông chìm hẳn: “Sau khi họ đâm chúng tôi, họ thậm chí còn nán lại để chắc chắn tàu của chúng tôi đã chìm hẳn rồi mới rời đi”. Ông Insigne cho biết mình và các thuyền viên đều rất bất ngờ khi chiếc tàu bị đâm giữa đêm, thời điểm họ đang neo đậu và nghỉ ngơi.

RELATED ARTICLES

Tin mới