Saturday, October 12, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột vài phân tích về những tính toán của TQ và Triều...

Một vài phân tích về những tính toán của TQ và Triều Tiên sau chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình vừa qua

Từ ngày 20-21/6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Triều Tiên lần đầu tiên sau 14 năm qua kể từ chuyến thăm Triều Tiên của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm 2005. Giới phân tích quốc tế và khu vực đưa ra nhiều nhận định về tính toán mục đích, ý đồ của Trung Quốc và Triều Tiên trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần này.

Thứ nhất, củng cố tăng cường quan hệ đồng minh hữu nghị, truyền thống mang tính địa chính trị chiến lược Trung – Triều

Trên danh nghĩa, Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn là đồng minh. Hiệp ước Quốc phòng hiện tại giữa Trung Quốc và Triều Tiên, kí năm 1961 và đã gia hạn năm 1981 và 2001, sẽ hết hạn vào năm 2021. Hiệp ước này nêu rõ Trung Quốc đảm bảo hỗ trợ Triều Tiên về vấn đề quân sự và những vấn đề khác trong việc chống xâm lược của các thế lực bên ngoài. Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên được coi là “chiến hữu” và mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là “tình bạn kết bằng máu”, sau khi hơn một trăm ngàn Chi nguyện quân của Trung Quốc tử trận tại chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều dư luận cho rằng quan hệ Trung – Triều đã bị rạn nứt bởi thái độ của Bắc Kinh trước vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Lập trường chính thức của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên luôn luôn là: Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; Đảm bảo hòa bình và bình ổn; Tìm giải pháp ngoại giao thông qua đối thoại cho cuộc khủng khoảng hạt nhân; Vì vậy, mỗi khi Triều Tiên thực hiện một vụ thử hạt nhân, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đưa ra tuyên bố. Sự leo thang căng thẳng đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên được thể hiện qua sự thay đổi từ ngữ sử dụng trong những tuyên bố đó, cho phép quan sát viên quốc tế hiểu rằng thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã thay đổi và nhấn mạnh vào hợp tác đa phương và quốc tế. Ví dụ, trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/10/2006, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân, truyền thông chính thức của Trung Quốc đã cáo buộc Triều Tiên cố ‎ý phớt lờ sự phản đối của quốc tế, và thể hiện Trung Quốc rằng “kiên quyết phản đối”. Trung Quốc cũng nhấn mạnh lại ba điểm trong lập trường của mình. Trong 3 tuyên bố tiếp theo vào ngày 25/5/2009, 12/2/2013 và 6/1/2016, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh là “kiên quyết phản đối” việc thử hạt nhân của Triều Tiên. Một lần nữa, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/9/2016, trả lời về phản ứng trước cuộc thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên, Trung Quốc thể hiện sự “kiên quyết phản đối” như mọi khi, nhưng cũng bắt đầu cho hay Trung Quốc sẽ “hợp tác với cộng đồng quốc tế” để hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.Trong tuyên bố mới nhất ngày 3/9/2017, trả lời về vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, ngoài việc nêu quan điểm “kiên quyết phản đối”, lập trường, sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế như mọi khi, Trung Quốc đã đảm bảo sẽ “áp dụng quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên một cách toàn diện”. Sau khi Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật Bản tháng 8/2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết những căng thẳng với Triều Tiên hiện “đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng”.

Vì vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Triều Tiên lần đầu tiên sau 14 năm qua kể từ chuyến thăm Triều Tiên của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm 2005. Trong chuyến thăm này, Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt đồng thuận “trên các vấn đề quan trọng” và hôm 21/6 nhất trí cùng nhau gìn giữ quan hệ hữu nghị “cho dù tình hình quốc tế có như thế nào”, thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA loan tin hôm 21/6. Trung Quốc là đồng minh chính của Triều Tiên và chuyến công du của ông Tập nhằm ủng hộ quốc gia cộng sản cô lập trước áp lực từ chế tài Liên hiệp quốc và các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ đang bị bế tắc. Lãnh đạo Trung – Triều hôm 21/6 đã thảo luận một loạt các kế hoạch tăng cường hợp tác song phương và bàn về “các chính sách đối nội và đối ngoại” của mỗi bên cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề nội địa và quốc tế mà cả hai cùng quan tâm. Hai bên khẳng định mối quan hệ đồng minh hữu tình sẽ được phát triển sang một giai đoạn lịch sử mới và điều này là xu thế tất yếu phù hợp với nguyện vọng của hai nước.

Thứ hai, gia tăng ảnh hưởng, khẳng định vai trò không thể thiếu của Trung Quốc đối với Bán đảo Triều Tiên

Vai trò, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên thể hiện rõ trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vai trò bảo trợ của Trung Quốc được ông Tập Cận Bình nêu ra mạnh mẽ rằng “Trung Quốc sẽ cung cấp mọi sự giúp đỡ có thể để giải quyết các vấn đề an ninh, phát triển của Triều Tiên một cách phù hợp”. Vì vậy, ông Tập nhận được sự chào đón xa hoa, trong đó có phần trình diễn hợp xướng tập thể hàng nghìn người bài hát “Tôi yêu bạn, Trung Quốc” và hàng nghìn người giương cao những tấm bảng tạo thành bức tranh chân dung ông Tập và lá cờ Trung Quốc. Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Bắc Hàn và chuyến thăm của ông Tập lần này nhằm mục đích giúp củng cố Bình Nhưỡng chống lại áp lực từ các chế tài Liên Hiệp Quốc và sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Chuyến thăm của ông Tập tới Bắc Hàn cũng đến một tuần trước khi lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm bên lề thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn.

Truyền thông nhà nước Bắc Hàn đã công bố đoạn băng video và các bức ảnh cho thấy ông Kim và ông Tập cười tươi tại sân bay Bình Nhưỡng. Họ cùng nhau đứng trên xe limousine mui trần diễu hành trên các tuyến phố tại thủ đô Bình Nhưỡng và sau đó cùng xem một chương trình biễu diễn nghệ thuật quần chúng hoành tráng. Buổi trình diễn với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội bất khả chiến bại” được Bắc Hàn chuẩn bị đặc biệt để chào đón chuyến thăm thiện chí của ông Tập. Buổi trình diễn bao gồm những bài hát như “Không có Trung Quốc mới nếu không có Đảng Cộng sản” và “Tôi yêu bạn, Trung Quốc”, theo thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA). Ngoài ra, các hình ảnh mà KCNA cung cấp cho thấy có tấm băng-rôn lớn ghi: “Rất vui được gặp ngài, ông Tập”. KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un nói rằng chuyến thăm của ông Tập thể hiện cho thế giới thấy tình hữu nghị song phương Trung-Triều không thay đổi. Trong khi đó, Tân Hoa Xã đưa tin rằng ông Tập nói Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã đồng ý rằng một giải pháp chính trị về vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên đã là “một khuynh hướng tất yếu” và rằng họ cần tiếp tục bám chắc vào các cuộc đàm phán hòa bình. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thúc đẩy liên lạc chiến lược gần gũi và tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, KCNA đưa tin.

Thứ ba, khẳng định uy tín cá nhân của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và công cuộc cải cách nền kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Triều Tiên của ông này

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa được Quốc hội Triều Tiên bầu là Chủ tịch Uỷ ban vấn đề nhà nước và hiện đang là Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên. Rõ ràng mối quan hệ và sự coi trọng của Trung Quốc đã giúp nâng cao uy tín của ông Kim Jong-un và công cuộc cải cách nền kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Triều Tiên của ông này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến khích Triều Tiên tập trung vào phát triển kinh tế trong một bài phát biểu tại Bình Nhưỡng, một chủ đề mà Bắc Kinh từ lâu đã nhấn mạnh với nước láng giềng Cộng sản trong bối cảnh có những lo ngại về chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Trong một bài phát biểu tại một buổi yến tiệc tối ngày 20/6, ông Tập nhấn mạnh rằng quốc gia dưới quyền lãnh đạo Kim Jong Un đã “bắt đầu một dòng chiến lược mới về phát triển kinh tế và cải thiện phương kế sinh nhai của người dân, nâng cao xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước này lên một tầm cao mới” theo Tân Hoa Xã, cơ quan thông tin chính thức của Trung Quốc. Ông Tập rời Bắc Triều Tiên vào đầu giờ chiều ngày 21/6, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Một bức ảnh đăng tải trên ứng dụng di động của đài truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc cho thấy mọi người vẫy tay dõi theo chiếc Boeing 747 của Air China chở ông Tập đậu trên đường băng tại sân bay ở Bình Nhưỡng.Nền kinh tế Triều Tiên đã kiệt quệ từ nhiều năm qua hồi gần đây đã có một số dấu hiệu cải thiện, nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ chủ yếu từ Trung Quốc và an ninh lương thực là mối quan tâm thường trực. Trung Quốc đã đồng ý về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc để trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, tuy nhiên tỏ ra thận trọng với bất kỳ biện pháp nào có thể đẩy nền kinh tế Triều Tiên vào tình trạng hoàn toàn sụp đổ, dẫn tới bất ổn và hỗn loạn ở biên giới hai nước.

Thứ tư, gửi tín hiệu đến Mỹ về thiện chí của Trung Quốc và Triều Tiên trong hai vấn đề chủ chốt hiện nay, gồm chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều

Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã đổ vỡ sau hội nghị thượng đỉnh thất bại giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Việt Nam vào tháng 2 vừa qua. Mỹ đòi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong khi đó, Triều Tiên mưu tìm một lối tiếp cận từng bước hướng tới phi hạt nhân hóa diễn ra song song với những nhượng bộ từ Mỹ, đặc biệt là sự nới lỏng các biện pháp cấm vận. Chuyến thăm chính thức Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc trong 14 năm qua vì thế là một sự khẳng định mối quan hệ đối tác bền chặt giữa hai nước, và quan trọng hơn để phát đi thông điệp rằng Trung Quốc vẫn là đồng minh quan trọng bậc nhất của Triều Tiên cho dù thời thế có như thế nào chăng nữa. Hay nói như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến thăm nhằm “khắc một chương mới về tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước”.

Giới quan sát cũng quan tâm, bình luận rất nhiều về thời điểm chuyến thăm khi ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Nhật Bản trong 2 ngày 28 và 29/6. Tại đây, Chủ tịch Trung Quốc có cuộc gặp được dự đoán vô cùng quan trọng song đầy khó khăn với Tổng thống Mỹ Donald Trump để bàn về không chỉ cuộc chiến thương mại mà còn là cuộc tranh canh, kiềm chế nhau trên phạm vi toàn cầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này. Hành trang mà ông Tập Cận Bình muốn mang theo để gặp ông Donald Trump không chỉ những biện pháp trả đũa thương mại, thuế quan hay sức mạnh nhiều mặt đang trỗi dậy của Bắc Kinh mà còn cả những nhân tố mà Washington không thể xem nhẹ, cân nhắc nếu muốn găng ra “đối đầu”. Trong đó, Bắc Kinh với vai trò và ảnh hưởng của mối quan hệ đồng minh với Bình Nhưỡng, được cho là có tiếng nói đầy sức nặng trong tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như hòa giải, hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên.

Tóm lại, với kết quả đạt được trong chuyến thăm Triêu Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mối quan hệ Trung – Triều chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển nồng ấm trong thời gian tới, trong đó Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng vai trò quyết định trong sự phát triển của Triều Tiên và tiến trình phi hạt nhân hóa. Trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều sẽ có khả năng được nối lại với những thiện chí của cả Mỹ và Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới