Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự cảnh giác của Mỹ đối với TQ thể hiện qua Báo...

Sự cảnh giác của Mỹ đối với TQ thể hiện qua Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ngày 01/6/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tổng cộng 64 trang, trong đó có 55 trang chính và 2 trang lời nói đầu do Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Shanahan đích thân viết. Ngay từ lời mở đầu, báo cáo đã chỉ đích danh Trung Quốc là nhân tố hàng đầu gây lo ngại đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ, thách thức trật tự tự do và mở ở khu vực:

“Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, được liên kết với các nước láng giềng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bởi những liên kết lịch sử, văn hóa, kinh tế không thể phá bỏ. Mỹ có cam kết lâu dài đối với việc bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, nơi tất cả các quốc gia, bất kể lớn bé, được bảo vệ chủ quyền và theo đuổi sự phát triển kinh tế phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế trên cơ sở cạnh tranh công bằng.

Tầm nhìn chiến lược của Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì bất chấp môi trường an ninh khu vực ngày càng phức tạp. Cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, chủ yếu là cạnh tranh giữa tư tưởng ủng hộ trật tự thế giới tự do và tư tưởng theo đuổi trật tự thế giới cường quyền chính là mối lo ngại lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Đặc biệt, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách tạo ra trật tự mới cho khu vực có lợi cho Trung Quốc bằng cách tận dụng hiện đại hóa quân đội, các chương trình gây ảnh hưởng và nền kinh tế áp bức để chèn ép các quốc gia khác.”

Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPSR) của Bộ Quốc phòng cũng khẳng định Mỹ cam kết tiếp tục theo đuổi ổn định và thịnh vượng ở khu vực bằng sự sẵn sàng của lực lượng quân đội, củng cố các đối tác và thúc đẩy một khu vực kết nối.

Báo cáo gồm các phần chính như sau:

  1. Giới thiệu
    1. 1.Lịch sử sự gắn kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
    2. 2.Tầm nhìn và các nguyên tắc vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.
  2. Môi trường chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Các xu hướng và thách thức
  3. 1.Trung Quốc
  4. 2.Nga
  5. 3.Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
  6. 4.Các thách thức xuyên quốc gia
  7. Lợi ích quốc gia và chiến lược quốc phòng của Mỹ
  8. 1.Lợi ích quốc gia của Mỹ
  9. 2.Chiến lược quốc phòng của Mỹ
  10. Duy trì ảnh hưởng của Mỹ để đạt các mục tiêu khu vực
  11. 1.Phương thức 1: sự sẵn sàng của quân đội
  12. 2.Phương thức 2: củng cố đối tác
  13. 3.Phương thức 3: thúc đẩy một khu vực kết nối

Báo cáo nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối việc theo đuổi tầm nhìn về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. “Tầm nhìn của Mỹ về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do nghĩa là khu vực mà tất cả quốc gia, bất kể lớn bé đều được thực hiện đầy đủ chủ quyền mà không bị sức ép từ các nước khác. Ở cấp độ quốc gia, điều này có nghĩa là một chính phủ đảm bảo các quyền cơ bản và tự do cho công dân. Tầm nhìn của Mỹ về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở là khu vực thúc đẩy phát triển và kết nối bền vững, nơi tất cả quốc gia đều được tiếp cận vùng trời, vùng biển, không gian mạng quốc tế, được theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền. Ở cấp độ kinh tế, điều này có nghĩa là thương mại công bằng và có đi có lại, môi trường đầu tư rộng mở và các hiệp định công khai minh bạch giữa các quốc gia.”

Chiến lược quốc phòng của Mỹ cũng xác định rõ 4 điều: thứ nhất, bảo vệ lãnh thổ; thứ hai, duy trì sức mạnh quân sự vượt trội trên phạm vi quốc tế; thứ ba, đảm bảo các lực lượng chủ chốt trong khu vực duy trì sự cân bằng có lợi cho Mỹ; thứ tư, cải thiện trật tự quốc tế có lợi cho an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã xuất hiện sự mất cân bằng mang tính tiêu cực do sự bành trướng của Trung Quốc và Nga, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể đối phó được với những thách thức chung.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chuẩn bị cho việc mở rộng quân sự. Lầu Năm Góc sẽ tăng kinh phí đầu tư trước cuối năm tài chính 2019 để hoàn thành 80% nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu trên toàn cầu; triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến và phối hợp ở Nhật Bản và Australia; đầu tư xây dựng tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Columbia mới; mua 110 máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 5, khoảng 400 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến, 2 hạm đội không người lái được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa và tên lửa chiến thuật chống tàu ngầm Tomahawk; bổ sung hơn 10 tàu khu trục để tăng khả năng chiến đấu chống hạm, chống tàu ngầm gần bờ và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo; tăng cường các nguồn lực tấn công và phòng thủ cho các cuộc chiến tranh mạng…

Một trong những mục tiêu của Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ là thiết lập quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc một cách hòa bình, minh bạch về lâu dài. Theo đuổi một mối quan hệ mang tính xây dựng giữa hai quốc gia là một phần quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh mức độ hiện đại hóa và tầm hoạt động của quân đội Trung Quốc đã mở rộng, nhu cầu đối thoại chiến lược và hành xử chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp quốc tế lại càng quan trọng. Nếu Trung Quốc và Quân đội nhân dân Trung Hoa hành xử phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nguy cơ hiểu nhầm và tính toán sai sẽ được giảm thiểu. Nhận thức được điều này, việc hợp tác ở lĩnh vực quân sự với Trung Quốc, bao gồm các chuyến thăm cấp cao, các chương trình làm việc được Bộ Quốc phòng Mỹ tập trung vào xây dựng và củng cố các quy trình cần thiết để giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa, quản lý khủng hoảng. Thông qua hợp tác quân sự, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục khuyến khích Trung Quốc tham gia vào các hoạt động giữ gìn hòa bình ở khu vực và điều này sẽ hỗ trợ – thay vì đe dọa – trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Mỹ sẽ không chấp nhận các chính sách hoặc hành động đe dọa trật tự tự do dựa trên luật quốc tế – trật tự thế giới vốn mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia thời gian qua, trong đó có Trung Quốc. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh còn cam kết hỗ trợ hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ sẵn sàng hợp tác chừng nào lợi ích hai nước còn song trùng.

Tại phần 3.1, Báo cáo nêu lại các lợi ích quốc gia của Mỹ như đã nêu tại Chiến lược An ninh quốc gia gồm: (i) Bảo vệ người dân Mỹ; (ii) Thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ thông qua thương mại công bằng và có đi có lại; xử lý mất công bằng thương mại; (iii) Bảo vệ hòa bình thông qua sức mạnh bằng cách xây dựng lực lượng quân đội vượt trội và xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác sẵn sàng chia sẻ gánh nặng trách nhiệm và cùng nhau đối phó các mối đe dọa chung; (iv) Thúc đẩy ảnh hưởng của nước Mỹ bằng cách lên tiếng và dẫn dắt ở các tổ chức quốc tế để lợi ích và nguyên tắc của nước Mỹ được bảo vệ.

Từ các lợi ích quốc gia cốt lõi đó, báo cáo cũng nêu lại chiến lược quốc phòng của Mỹ như đã nêu lại Chiến lược An ninh quốc gia là (i) Bảo vệ nước Mỹ; (ii) Duy trì sức mạnh quân đội vượt trội; (iii) Đảm bảo cán cân quyền lực ở những khu vực quan trọng có lợi cho nước Mỹ; (iv) Thúc đẩy trật tự thế giới có lợi cho an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Tại phần nhận định về Trung Quốc, báo cáo đánh giá: “Sự trỗi dậy về kinh tế, chính trị, quân sự của Trung Quốc là một trong những yếu tố định hình thế kỷ 21. Ngày nay, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng táo bạo và hung hăng, sẵn sàng chấp nhận đối đầu để theo đuổi các lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh to lớn hơn.

Có lẽ, không một quốc gia nào được hưởng lợi từ hệ thống quốc tế và khu vực tự do và mở nhiều hơn Trung Quốc, đất nước đã chứng kiến hàng trăm triệu người đi từ nghèo đói đến thịnh vượng và an ninh đảm bảo. Tuy nhiên, mặc dù người dân Trung Quốc muốn có thị trường tự do, công bằng và luật pháp đảm bảo, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đang cố tình thay đổi trật tự quốc tế bằng cách vừa tận dụng những lợi ích của trật tự này vừa vi phạm và phá hoại các giá trị và nguyên tắc của trật tự dựa trên pháp luật. Với hơn một nửa người Hồi giáo trên thế giới sống ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực này đang hết sức quan ngại với việc Trung Quốc đối xử bất công một cách có hệ thống với người Uighur, người Kazakhs và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương. Sự vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế của Trung Quốc còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Rất nhiều công dân Trung Quốc gần đây được cho là phối hợp với Bộ Công an tiến hành các chiến dịch ăn cắp mạng toàn cầu nhắm vào các quyền sở hữu trí tụê và các thông tin công nghệ bí mật.

Trung Quốc cũng liên tục quân sự hóa Biển Đông bằng cách bố trí các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa ở quần đảo Trường Sa, điều các lực lượng bán quân sự hoạt động ở các vùng biển tranh chấp. Trung Quốc cũng đang phát triển hệ thống năng lực chống xâm nhập chống tiếp cận khu vực (A2/AD) nhằm ngăn chặn các quốc gia hoạt động ở các khu vực gần lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả vùng trời và vùng biển vốn dành cho tất cả các quốc gia.

Năm 2018, Trung Quốc triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa đến quần đảo Trường Sa. Việc này đã vi phạm cam kết được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm 2015 là “Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Trường Sa”. Việc Trung Quốc sử dụng hiện diện quân sự để áp đặt quyền kiểm soát thực tế đối với các khu vực tranh chấp không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Tại biển Hoa Đông, máy bay và tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc thường xuyên tuần tra quanh khu vực quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Những hành động này đã đe dọa dòng chảy thương mại tự do, đe dọa chủ quyền của các quốc gia và đe dọa ổn định khu vực; không phù hợp với các nguyên tắc về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.

Cùng lúc, Trung Quốc thực hiện chiến dịch lấn chiếm cấp độ thấp nhằm áp đặt kiểm soát thực tế đối với các khu vực biển tranh chấp. Trung Quốc sử dụng các bước đi nhỏ, từ tốn ở “vùng xám” giữa quan hệ hòa bình và các hành động gây hấn để đạt mục tiêu, trong khi đó vẫn duy trì không để xảy ra xung đột vũ trang. Những hành động này bao gồm phối hợp nhiều công cụ như: chiến tranh chính trị, thông tin sai lệch, sử dụng hệ thống A2/AD, lật đổ và đòn bẩy kinh tế.

Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tuyên bố sẽ xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kết nối với nhau bằng cách thiết lập quan hệ đối tác đa phương, tăng cường các cơ chế khu vực thông qua trao đổi đa phương, làm nổi bật quan hệ an ninh nội bộ châu Á. Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã xác định rõ các đồng minh và đối tác quốc phòng của Mỹ. Các đồng minh bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan. Các đối tác được xác định là Singapore, Đài Loan, New Zealand và Mông Cổ ở Đông Á; Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Nepal ở Nam Á; Việt Nam, Indonesia và Malaysia ở Đông Nam Á, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác với Brunei, Lào và Campuchia. Ngoài ra, Mỹ sẽ liên kết với các đồng minh truyền thống là Anh, Pháp và Canada bảo vệ nguyên tắc tự do và cởi mở ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như lợi ích ở châu Á-Thái Bình Dương của các quốc gia nói trên. Toàn bộ báo cáo giới thiệu ngắn gọn về tình hình hợp tác quân sự giữa các đồng minh và đối tác ở các khu vực nêu trên, đồng thời cam kết sẽ giúp họ đổi mới trình độ hiện đại hóa quốc phòng.

Báo cáo cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam dựa trên những lợi ích và nguyên tắc chung bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, công nhận chủ quyền quốc gia. Hợp tác quân sự Việt Nam – Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đánh dấu bằng chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam của một tàu sân bay Mỹ tháng 3/2018.

Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay đang hợp tác để cải thiện năng lực quốc phòng của Việt Nam bằng cách hỗ trợ trang thiết bị như máy bay không người lái Scan Eagle, máy bay huấn luyện chiến đấu T-6, tàu tuần tra nhỏ và các thiết bị, chương trình huấn luyện. Quân đội Mỹ cũng tham gia vào rất nhiều chương trình trao đổi hàng năm nhằm tăng cường hợp tác song phương với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Binh chủng hàng không, Hải quân và biên phòng Việt Nam, hỗ trợ đào tạo và kỹ thuật cho Việt Nam trong việc cử đơn vị quân đội tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Quan hệ quốc phòng hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước được dựa trên nền tảng mối quan hệ hợp tác xử lý các vấn đề chiến tranh, nhân đạo. Trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực và cam kết làm sạch chất độc dioxin và rà phó bom mìn, đánh giá cao hỗ trợ của Việt Nam trong việc tìm kiếm thi hài lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Xem xét tổng quan toàn bộ báo cáo, Trung Quốc được chú ý nhiều nhất và chiếm ba trang rưỡi. Nga và Triều Tiên đứng vị trí thứ hai, chiếm hơn hai trang; mối đe dọa xuyên quốc gia chỉ chiếm một trang. Có thể thấy Trung Quốc là nước mà Mỹ cần phải đề phòng trước tiên khi họ công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vốn là phiên bản mở rộng và nâng cấp của chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Obama. Báo cáo dường như là vì hòa bình và sự thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng cũng nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng lợi ích của nước Mỹ là trên hết và ưu thế của Mỹ không thể bị thách thức.

RELATED ARTICLES

Tin mới