Tầm ảnh hưởng “chưa từng có” của Trung Quốc tại khu vực Nam Mỹ khiến các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cảm thấy lo ngại và phải tính toán phương án đối phó.
Trong báo cáo đệ trình lên Tiểu ban Các mối đe dọa Mới nổi thuộc Bộ Tư lệnh Nam Mỹ hôm 10/7, Đô đốc Craig Faller, chỉ huy Bộ Tư lệnh Nam Mỹ, đã cảnh báo rằng, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Mỹ đã đạt đến mức độ “chưa từng có”, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có cách tiếp cận toàn diện để đối phó với vấn đề này.
Theo Đô đốc Faller, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để “đặt chân vào khu vực láng giềng” của Mỹ, “tìm cách thế chân Mỹ với tư cách là một đối tác” của các nước trong khu vực Nam Mỹ, đồng thời “làm suy yếu cam kết của các đối tác Mỹ về quy tắc luật pháp và dân chủ”.
“Các quan hệ đối tác mạnh mẽ, vốn được thúc đẩy bởi các cam kết, sự hiện diện, trao đổi thông tin và tình báo, giáo dục và đào tạo, là bức tường thành vững chắc của chúng ta để đối phó với tầm ảnh hưởng của các thế lực xấu trong khu vực”, Đô đốc Faller cho biết.
Báo cáo của chỉ huy Bộ Tư lệnh Nam Mỹ cho rằng, mặc dù Nga và Iran cũng là các nhân tố đang tìm cách gây ảnh hưởng tại khu vực để làm phát sinh các vấn đề với Mỹ, song Trung Quốc mới là nước có vai trò “thống trị” và đáng lo ngại nhất.
Về cơ bản, Trung Quốc đang tiếp cận khu vực Nam Mỹ, nơi được coi là “sân sau” của Washington, bằng nguồn tiền dồi dào hơn Lầu Năm Góc. Đô đốc Faller nhận định “mục tiêu của Trung Quốc là trở thành nhà đầu tư và chủ nợ lớn nhất khu vực”.
“Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng kim ngạch thương mại với khu vực này lên tới 500 tỷ USD vào năm 2025. Với 19 quốc gia trong khu vực đang tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và các cam kết cho vay ít nhất 150 tỷ USD, Bắc Kinh đang biến sức mạnh kinh tế này thành ảnh hưởng chính trị”, ông Faller cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty)
Đô đốc Faller cũng chia sẻ câu chuyện về cuộc gặp của ông với bộ trưởng Quốc phòng của một nước thuộc khu vực Nam Mỹ. Bộ trưởng này cho biết nước ông đã nhận được khoảng 1,5 triệu USD từ Mỹ để hỗ trợ an an ninh, trong khi Trung Quốc viện trợ tới 23 triệu USD tiền mặt.
“Đó là thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng ta không thể cạnh tranh về số lượng. Chúng ta phải cạnh tranh về chất lượng và tốc độ”, chỉ huy Bộ Tư lệnh Nam Mỹ cho biết.
Theo Đô đốc Faller, một trong những cách để khắc phục tình trạng trên là dựa vào mối quan hệ lâu dài giữa Bộ Quốc phòng Mỹ với lãnh đạo của các lực lượng quân sự trong khu vực. Nhiều người trong số họ từng theo học các học viện quân sự của Mỹ trong nhiều năm. Ông Faller lấy ví dụ về trường hợp của El Salvador, nơi có cả bộ trưởng quốc phòng và tư lệnh quốc phòng theo học tại các học viện quân sự của Mỹ khi còn trẻ.
“Thẳng thắn mà nói, Trung Quốc và Nga không thể cạnh tranh với hệ thống của chúng ta. Họ đang cố gắng. Họ đang hiện diện ở khu vực này. Ở mỗi nơi tôi đến, các lãnh đạo quốc phòng đều nói “Trung Quốc đã tới, họ cung cấp cho chúng tôi giáo dục miễn phí, đi lại không giới hạn, cơ hội theo học tại các trường của họ”. Tuy nhiên, thông điệp tôi nhận được từ các đối tác của chúng ta đó là, “chúng tôi không muốn huấn luyện với họ (Trung Quốc), chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác với Mỹ””, Đô đốc Feller nói.
Liên quan tới việc triển khai lực lượng quân sự trong khu vực, Đô đốc Faller chỉ ra 2 nhóm năng lực chính mà Mỹ cần tập trung. Thứ nhất, đẩy mạnh năng lực tình báo, trinh sát và giám sát, đặc biệt trong việc theo dõi tình hình tại Venezuela. Thứ hai, tăng cường hiện diện của các khí tài hải quân hiện đại như triển khai các tàu tác chiến ven biển.