Cảnh sát Quốc gia Indonesia (5/7) xác nhận nước này đã triển khai chiến hạm KP Yudistira (8003), tàu tuần tra lớn nhất của Indonesia từ trước tới nay đến Biển Đông nhằm đối phó với thách thức an ninh từ Trung Quốc.
Chiến hạm KP Yudistira 8003 của Indonesia
Cảnh sát Indonesia cho biết, chiến hạm KP Yudistira (8003) sẽ bắt đầu hoạt động ở ngoài khơi đảo Batam từ giữa tháng 6, triển khai các hoạt động trong và xung quanh quần đảo Riau ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Natuna.
Được biết, chiến hạm KP Yudistira (8003) dài 73 m, rộng 11 m và cao 3 m. Lượng giãn nước tiêu chuẩn là 1.100 tấn. Nó ra mắt tại nhà máy đóng tàu Tanjung Priok, Bắc Jakarta vào ngày 4/5/2018. Chiến hạm KP Yudistira (8003) được trang bị 2 động cơ diesel Caterpillar C175-16 và 3 máy phát điện 150 mã lực của Caterpillar điều khiển 2 cánh quạt cố định, tàu có thể đạt tốc độ tối đa vào khoảng 33 km/h. Nó được trang bị kèm theo một máy phát điện 65 kW dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp. Yudistira có thể chở theo thủy thủ đoàn 56 người, 200 tấn dầu diesel hàng hải, 8 tấn xăng hàng không, 8 tấn dầu diesel ô tô và 95 tấn nước ngọt. Yudistira có thể chứa được 1 máy bay hạng nặng tới 10 tấn và 2 thuyền bơm hơi thân cứng (RHIB) ở phía đuôi tàu. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 2 vòi rồng cho các nhiệm vụ chữa cháy, nhưng không được trang bị vũ khí.
Trong những năm gần đây, Indonesia và Trung Quốc liên tục xảy ra xung đột, mâu thuẫn tại khu vực quần đảo Natuna. Để ngăn chặn Trung Quốc tăng cường hiện diện trong khu vực, Indonesia đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp như xây dựng căn cứ quân sự mới, mở vùng đánh bắt cá truyền thống, điều thêm nhiều tàu chiến và trang thiết bị quân sự hiện đại tới vùng biển Natuna, cụ thể: Hồi tháng 12/2018, Indonesia đã mở một căn cứ quân sự mới với hơn 1.000 quân nhân tại đảo Natuna Besar thuộc quần đảo Natuna. Căn cứ này có nhà chứa máy bay cho đội máy bay không người lái. Năm 2017, chính phủ Indonesia cũng đã công bố một bản cập nhật bản đồ quốc gia, trong đó vùng đặc quyền kinh tế phía bắc quần đảo Natuna được đổi tên thành Biển Bắc Natuna. Trước đó khu vực này được mô tả là một phần của Biển Đông. Theo Bộ trưởng Luhut Pandjaitan, Indonesia hiện duy trì một tàu hải quân và một tàu cung cấp dầu trong vùng biển Natuna để bảo vệ, cũng như cung cấp nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển này. Thời gian tới, Indonesia sẽ triển khai thêm một chợ cá, trung tâm trữ lạnh và xứ lý thủy sản cùng nhiều cơ sở khác sẽ được xây tại quần đảo Natuna trong quý 3 năm nay. Bộ trưởng Luhut Pandjaitan cho biết, Chính phủ Indonesia quyết tâm mở khu vực đánh bắt cá ở Natuna là nhằm ngăn chặn “nước khác” tuyên bố khu vực này là ngư trường truyền thống của họ, một lời ám chỉ tới tuyên bố của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc Indonesia điều tàu tuần tra tới Natuna cũng chưa chắc có thể ngăn chặn tàu cá Trung Quốc vào đánh trộm hải sản. Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Giám sát đánh cá toàn cầu (Global Fishing Watch) công bố hôm 23/2/2018 cho thấy, hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vươn xa nhất thế giới và có quy mô rầm rộ nhất, lớn hơn cả tổng quy mô của 10 vị trí tiếp theo. Theo Báo cáo tàu cá Trung Quốc đã hoạt động khoảng 17 triệu giờ trong năm 2016, tập trung tại khu vực Biển Đông. Ông David Kroodsma, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Global Fishing Watch cho biết “Trung Quốc là quốc gia đánh cá nhiều nhất và tầm hoạt động của các tàu cá Trung Quốc còn lớn hơn nhiều người nghĩ”. Còn theo báo cáo của tổ chức môi trường “Hòa bình Xanh” (Green peace) thì Trung Quốc hiện có khoảng 2.500 tàu đánh bắt ở vùng biển xa và luôn luôn không được chào đón. Cũng theo các tổ chức nghiên cứu này thì điều đang quan ngại là tình trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm tại vùng biển các nước ngày càng phổ biến và mức độ chống trả lực lượng chức năng các nước của tàu này cũng ngày càng quyết liệt, liều lĩnh và nguy hiểm. Trang “Đại Kỷ Nguyên” (The Epoch Times) đã gọi đội ngư dân là lực lượng “hải quân mới” của Trung Quốc. Những tàu cá của họ được trang bị hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự gọi là “Beidou”, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Trong đó, ngư dân chỉ phải trả khoảng 10% chi phí của hệ thống hiện đại này, phần còn lại chính quyền hỗ trợ. Tại Biển Đông, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp nghe ngóng các tàu nước ngoài. Trang National Interest đánh giá với việc trang bị hệ thống định vị này, Trung Quốc đã biến các tàu cá thành vũ khí bí mật, phục vụ cho tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Theo phân tích của chuyên gia Erickson, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước.
Trong bối cảnh tình hình đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia đang ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Indonesia. Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết, hằng năm Indonesia bị thất thoát khoảng 300.000 tỉ rupiah (23 tỉ USD) do thủy sản bị đánh bắt trộm bởi tàu cá nước ngoài và hằng ngày có khoảng 5.400 tàu cá hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia. Từ cuối năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng của Indonesia đã thực hiện chính sách đánh chìm tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển của nước này. Trong những năm gần đây, Indonesia đã có nhiều hành động cụ thể (bắt giữ, xử tù, đánh đắm tàu cá vi phạm vùng biển của mình) khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, tài nguyên biển và ngành công nghiệp đánh bắt cá trong nước. Những chính sách cứng rắn của Indonesia đã góp phần không nhỏ trong việc răn đe, ngăn chặn tàu cá các nước vào đánh bắt trộm hải sản của nước này ở Biển Đông. Theo số liệu thống kê không chính thức, trong 4 năm qua, Indonesia đã cấm 10.000 tàu cá nước ngoài đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Indonesia. Trong năm 2018, Indonesia đã phá hủy và đánh đắm hơn 100 tàu thuyền chủ yếu thuộc sở hữu nước ngoài do khai thác thủy sản trái phép trong vùng lãnh hải của nước này. Việc đánh đắm số tàu diễn ra tại 11 địa điểm ở Indonesia. Hoạt động này của Indonesia nhằm mục đích răn đe những tàu thuyền có ý định đánh bắt cá và khai thác trái phép các nguồn tài nguyên khác trên vùng biển của Indonesia; qua đó khẳng định Indonesia sẽ tăng cường bảo vệ các vùng biển của mình trước các hoạt động xâm phạm và khai thác trái phép của các tàu nước ngoài.
Hiện các cơ quan, Bộ, ban, ngành của Indonesia tiến hành bắt giữ, xử lý tàu cá phi pháp một cách đồng bộ, nhất quán. Lực lượng chấp pháp (hải quân, kiểm ngư, Lực lượng Chuyên trách về Đánh bắt Trái phép Indonesia) tiến hành tuần tra, giám sát, bắt giữ và lai dắt các tàu cá vi phạm vào bờ. Tòa án các cấp có nhiệm vụ xét xử và đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có đánh chìm tàu vi phạm hay không. Bộ Ngoại giao Indonesia đưa ra các công hàm ngoại giao phản đối nước có tàu cá vi phạm, yêu cầu nước sở tại tuân thủ và trao các tàu vi phạm để xét xử theo luật pháp của Indonesia.