Đài Loan cho biết sẽ tự chế tạo tàu ngầm sau khi kế hoạch mua từ Mỹ không thành vì sự phản đối từ Trung Quốc, tuy nhiên kế hoạch đóng tàu ngầm lại là thách thức lớn cho Đài Bắc không phải chỉ vì vấn đề tài chính.
Một tàu ngầm của châu Âu ở Cao Hùng, Đài Loan – Ảnh minh họa: Reuters
Reuters ngày 3.9 cho biết Bộ Quốc phòng của Đài Loan vừa đệ trình một kế hoạch chế tạo tàu ngầm và đã được cơ quan lập pháp thông qua, giờ chỉ chờ quyết định về ngân sách trước khi việc đóng tàu được triển khai. Kế hoạch đóng tàu sẽ bắt đầu vào năm 2016, dự kiến mất khoảng 3 tỉ tân đài tệ (tương đương 130 triệu USD) và trong thời gian 4 năm. Tàu ngầm mà Đài Loan muốn đóng là loại chạy bằng động cơ diesel-điện.
Hồi đầu những năm 2000, Đài Loan có kế hoạch mua 8 tàu ngầm diesel-điện của Mỹ nhưng không thành vì những vướng mắc về vấn đề chính trị và kỹ thuật, Reuters cho hay.
Bộ Quốc phòng giải thích việc Đài Loan đầu tư tàu ngầm cho hải quân là theo xu hướng chung của khu vực trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự khắp vùng biển châu Á, theo Reuters.
Hiện tại Đài Loan sở hữu 4 tàu ngầm nhưng đều đã cũ kỹ, trong đó 2 chiếc có từ thời Thế chiến thứ hai, dù quân đội của lãnh thổ này được xem hiện đại không thua kém nước khác. Trong khi đó, Trung Quốc có 70 tàu ngầm cùng hàng chục tàu chiến và 1 tàu sân bay.
Chính quyền Đài Loan dự tính sẽ nhận chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm từ Mỹ hoặc phương Tây vì Đài Bắc có hạn chế về kỹ năng thiết kế tàu ngầm, theo nhận định của Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh và chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để giành lại hòn đảo này. Bắc Kinh luôn phản đối bất kỳ sự chuyển giao công nghệ quốc phòng hay mua bán vũ khí cho Đài Loan, theo Reuters.