Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam nên dùng biện pháp pháp lý trên vấn đề Biển...

Việt Nam nên dùng biện pháp pháp lý trên vấn đề Biển Đông

Nhân việc phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ Philipines khời kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông tròn 3 năm, chúng ta cùng nhau trao đổi về việc Việt Nam sử dụng đấu tranh pháp lý trên vấn đề Biển Đông như thế nào.

Việt Nam là một nước nhỏ, nhưng có rất nhiều lợi ích ở Biển Đông, bao gồm các lợi ích kinh tế và an ninh. Về kinh tế, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng với Việt Nam, kinh tế biển luôn đóng góp một tỉ trọng lớn trong nền kinh tế của Việt Nam. Chính quyền Hà Nội cũng ý thức được vấn đề này nên trong năm 2018 đã đưa ra Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Còn về mặt an ninh, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3000km, chạy dọc từ Bắc chí Nam; Biển Đông án ngữ toàn bộ phía Đông của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Việt Nam làm thế nào để giữ được an ninh từ phía Đông mà chính quyền Bắc Kinh luôn nhòm ngó và o ép, đồng thời bảo vệ được những quyền lợi biển của mình để thực hiện các mục tiêu kinh tế biển.

So với anh bạn láng giềng phương Bắc thì Việt Nam thật là nhỏ bé cả về quy mô đất nước lẫn tiềm lực kinh tế nên khó có thể dùng sức mạnh quân sự hay kinh tế để chống lại. Trong bối cảnh, những người cầm quyền Bắc Kinh không từ bỏ ý đồ thôn tính các vùng biển, đảo của Việt Nam thì biện pháp duy nhất để chống lại là dùng pháp lý. Chính quyền Hà Nội chủ trương giữ hòa khí với Bắc Kinh là đúng đắn, đó cũng là sách lược của các triều đại Việt Nam đã làm để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải dùng vũ khí pháp lý để chống lại sự bá quyền trên biển của Bắc Kinh.

Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền Hà Nội đã bỏ lỡ cơ hội khi Philippines khởi kiện Trung Quốc về các yêu sách biển phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Chính quyền Hà Nội đã không tranh thủ việc này để dùng pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.

Trước hết, có thể thấy do Việt Nam không tham gia vụ kiện Biển Đông của Philippines nên phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7/2016 không có những nội dung liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Đây là một thiệt thòi cho Việt Nam vì nếu tham gia Việt Nam có điều kiện nêu các vấn đề liên quan đến Hoàng Sa để Tòa ra phán quyết.

Đối với Hoàng Sa, chính quyền Hà Nội cần sớm dùng pháp lý bởi lẽ từ năm 1974, Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa, đến nay đã là 45 năm. Việt Nam cần có động thái đấu tranh về pháp lý với Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa. Mặc dù, Việt Nam có nhiều tư liệu lịch sử khẳng định việc thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa từ các triều đại phong kiến thế kỷ 17-18 và những tài liệu liên quan đến quản lý Hoàng Sa của Pháp trong thời kỳ là thuộc địa của Pháp, song việc khởi kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa là không hiện thực vì Trung Quốc không chấp nhận. Nếu có khởi kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa thì cũng chỉ có ý nghĩa chính trị, Tòa sẽ không xem xét để phân giải.

Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc liên quan đến việc áp dụng và thực thi những quy định của UNCLOS 1982 ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 của Công ước như cách Philippines đã khởi kiện Trung Quốc năm 2013 và Tòa ra phán quyết ngày 12/7/2016. Những nội dung Việt Nam có thể khởi kiện như: (i) việc Trung Quốc vạch đường cơ sở thẳng cho Hoàng Sa là trái với UNCLOS 1982; (ii) việc Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 về đối xử nhân đạo với ngư dân, tàu cá; (iii) đề nghị Tòa ra phán quyết các thực thể thuộc Hoàng Sa không đủ điều kiện là đảo theo Điều 121 UNCLOS 1982 nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải giống như Tòa đã ra phán quyết đối với các thực thể thuộc Trường Sa trong phán quyết ngày 12/7/2016; (iv) việc Trung Quốc bồi đắp, mở rộng các cấu trúc ở Hoàng Sa gây tổn hại đến môi trường biển; (v) việc Trung Quốc quân sự hóa các cấu trúc ở Hoàng Sa, liên tiếp tiến hành diễn tập quân sự ở khu vực này đe dọa an toàn, tự do hàng hải, hàng không….

Nếu như trước đây còn nhiều ý kiến lo ngại Tòa không có thẩm quyền do Trung Quốc phản đối, nhưng sau chiến thắng vang dội của Philippines trong vụ kiện Biển Đông với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thì mối lo ngại này đã được giải tỏa. Với những nội dung khởi kiện liên quan đến Hoàng Sa như nêu ở trên, Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 UNCLOS 1982 hoàn toàn có thẩm quyền xem xét đơn kiện của Việt Nam bất chấp việc Trung Quốc tẩy chay và không chấp nhận thẩm quyền của Tòa.

Vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng đã mở ra cơ hội sử dụng pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và trở thành một án lệ hữu ích cho Việt Nam. Trong phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã tuyên bố rất rõ ràng rằng không ra phán quyết về vấn đề chủ quyền hoặc phân định biên giới trên biển nên phán quyết hoàn toàn không ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Việc phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò” cũng như phán quyết các cấu trúc thuộc Trường Sa không phải là đảo, không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng là một thuận lợi rất lớn cho Việt Nam trong các cuộc tranh tụng sau này. Vấn đề là quyết định cuối cùng của chính quyền ở Hà Nội, có dám đứng ra để khởi kiện không hay còn e ngại Bắc Kinh.

Để có được quyết sách về sử dụng pháp lý, chúng ta cần phải có một nhận thức đúng đắn rằng khởi kiện hay dùng pháp lý nói chung là một biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Đây là cách thức giải quyết tranh chấp một cách văn minh để tránh nguy cơ xung đột, chiến tranh. Hơn nữa, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên UNCLOS 1982; Trung Quốc còn là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên càng phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với hòa bình, ổn định.

Từ sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999 và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 đến nay đã gần 20 năm, hai bên đã đàm phán khá nhiều nhưng chưa giải quyết thêm được bất cứ vấn đề nào trong tranh chấp Biển Đông. Chính quyền Hà Nội nghĩ rằng có thể thông qua đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền biển đảo và những quyền lợi trên biển của Việt Nam là một suy nghĩ viển vông, không hiện thực. Do mục tiêu của Trung Quốc là khống chế, thôn tính Biển Đông, họ sẽ không từ bỏ ý đồ này và ngày càng tìm cách bắt nạt các nước trong đàm phán song phương với các nước. Việc Trung Quốc đàm phán với các nước chỉ là để che đậy những mưu đồ xấu xa của họ, chứ nếu thực tâm muốn giải quyết vấn đề Biển Đông thì đã có thể giải quyết được.

Việt Nam cần sẵn sàng cho phương án đưa tranh chấp Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế. Bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho các vấn đề liên quan và đào tạo đội ngũ luật sư đủ năng lực có thể tranh tụng tại Tòa, Việt Nam cần lựa chọn thuê các luật sư nước ngoài giỏi, có kinh nghiệm tranh tụng quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần có những Tuyên bố công khai bày tỏ quan điểm trên các vấn đề pháp lý ở Biển Đông (chẳng hạn như về quy chế các cấu trúc thuộc Hoàng Sa, Trường Sa; thừa nhận những cấu trúc ngầm mà phán quyết ngày 12/7/2016 đã tuyên bố thuộc quyền của Philippines như bãi Cỏ Rong, bãi Cỏ Mây…). Việt Nam cũng cần xem xét điều chỉnh những gì chưa phù hợp với luật pháp quốc tế như đường cơ sở thẳng mà Việt Nam tuyên bố ở khu vực phía Nam, trong đó lấy đảo Côn Đảo và đảo Phú Quý cách bờ biển Việt Nam gần 30 hải lý làm điểm cơ sở. Việc điều chỉnh này không thu hẹp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam hiện nay của Việt Nam vì Côn Đảo và Phú Quý đủ điều kiện là một đảo theo điều 121 UNCLOS 1982 nên có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Việc Việt Nam điều chỉnh đường cơ sở phía Nam thể hiện rõ sự tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sử dụng pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Nhân kỷ niệm 3 năm phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, xin nêu một số vấn đề từ góc độ pháp lý để nhà chức trách Hà Nội có thể tham sử dụng trong đấu tranh chống lại sự bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, bảo vệ quyền và những lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới