Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines cần làm gì để bảo vệ Phán quyết của Tòa Trọng...

Philippines cần làm gì để bảo vệ Phán quyết của Tòa Trọng tài và chủ quyền trên biển

Sau 3 năm, Phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016) vẫn bị chìm vào quên lãng. Nguyên nhân chính là do thái độ mềm yếu, thiếu cường quyết của Chính quyền Tổng thống Duterte trước Trung Quốc. Vậy đâu là biện pháp để Manila bảo vệ phán quyết cũng như chủ quyền trên biển?

Philippines không biết vận dụng Phán quyết của Tòa

Ngay sau khi Tòa ra phán quyết mang tính lịch sử, Philippines với tư cách là nước thắng kiện nhưng lại có những phản ứng khá thận trọng và tỏ ra kiềm chế sau Phán quyết của Tòa Trọng tài và trong những tuần tiếp theo. Chính phủ Philippines không có những tuyên bố tỏ ra hân hoan trước chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc. Thậm chí, Philippines không thúc đẩy mạnh mẽ để đưa Phán quyết của Tòa Trọng tài vào tuyên bố chính thức của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 tổ chức tại Lào (24/7/2016). Đây là hội nghị quan trọng nhất của ASEAN kể từ khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Phát biểu với hãng tin Reuters sau sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Rivas Yasay Jr. nói rằng Philippines “không tìm kiếm sự hỗ trợ từ ASEAN hoặc cộng đồng quốc tế trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và không muốn thúc ép vấn đề này, gây nguy cơ chia rẽ nhóm hay kích động Trung Quốc”. Mặc dù vậy, ông Yasay khẳng định dù tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài, việc đó không có nghĩa là Trung Quốc đã giành được chiến thắng ngoại giao. Phản ứng của Philippines gây ra sự ngạc nhiên đối với những người quan sát, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, thái độ và phản ứng kiềm chế của Philippines được cho là tránh gây khiêu khích và sức ép của Trung Quốc đối với Philippines trong bối cảnh vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một vấn đề an ninh – chính trị căng thẳng đối với các nước ASEAN và khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, phản ứng của Philippines đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài được xem xét và cân nhắc trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là từ những lợi ích kinh tế của Philippines ở Trung Quốc, từ sự tương quan lực lượng giữa hai nước về quân sự, và từ sự cân bằng trong quan hệ của Philippines với Trung Quốc và với Mỹ nhằm đảm bảo lợi ích tổng thể lâu dài của Philippines cũng như an ninh và chủ quyền quốc gia của mình. Mặc dù có thái độ và phản ứng thận trọng, Chính phủ Philippines cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài tạo ra thế mạnh cho Philippines và khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ được dùng như một tài liệu mang tính bản lề dẫn dắt cho các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, nhưng cũng không làm mất thể diện của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa hai nước một cách hòa bình.

Ba năm sau, Philippines tiếp tục “thận trọng” một cách khó hiểu khi bỏ qua phán quyết để thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Hành động của Manila khiến nước này đã phải trả giá đắt. Trung Quốc không chỉ điều tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng bất hợp pháp mà còn nhăm nhe kiểm soát cảng Subic của Manila. Theo đó, Trung Quốc (4/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải cho biết Trung Quốc (12/2018 – 2/2019) cũng đã điều hàng trăm tàu bao vây đảo Thị Tứ để “gây sức ép” đối với Manila trong vấn đề Biển Đông.

Philippines đã bị Trung Quốc tháo túng?

Ngay sau khi PCA đưa ra phán quyết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (10/2016) có chuyến thăm 04 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm, Bắc Kinh và Manila đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với tổng giá trị lên đến 24 tỷ đô la. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China; các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 15 tỷ USD. Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez (21/10/2016) cho biết Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận sơ bộ trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD.

Trong chuyến thăm của Bộ Thương mại Philippines tới Bắc Kinh vào tháng 01/2017, Trung Quốc đã cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines; cho Manila vay 500 triệu USD để mua sắm trang bị quân sự, đề nghị Philippines mua 03 tàu ngầm với trị giá 108 triệu USD, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố và bàn giao cho Philippines 23.000 khẩu súng trường M4.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai và tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành đai, Một Con đường” của ông Duterte (5/2017), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp gói viện trợ 73 triệu đô la và hỗ trợ xây cơ sở hạ tầng tại Philippines; ngoài ra 9 công ty của Trung Quốc cũng ký ý định thư để đầu tư nhiều dự án kinh doanh trị giá 9,8 tỷ đô la tại Philippines.

Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (25/11/2017), Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch hợp tác kinh tế dài hạn với Philippines. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 14 thỏa thuận hợp tác liên quan đến kinh tế và quốc phòng. Trung Quốc cũng cam kết viện trợ 150 triệu nhân dân tệ (22,6 triệu đô la Mỹ) để giúp tái thiết thành phố Marawi, nơi bị tàn phá nặng nề sau cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và các tay súng phiến quân Hồi giáo.

Tuy nhiên, Philippines đang ăn phải “trái đắng” từ Trung Quốc. Kể từ khi cam kết đến nay, chỉ có một thỏa thuận được hiện thực hóa là khoản vay 73 triệu USD cho dự án thủy lợi ở phía Bắc thủ đô Manila. Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia trong cuộc họp báo đồi đầu tháng nói rằng quá trình cho vay của Trung Quốc có vẻ chậm hơn với những gì Manila nhận được từ các nước khác như Nhật Bản. Theo số liệu thống kê, hiện còn rất nhiều thỏa thuận lớn giữa hai nước dường như chưa hề “động đậy” như: Công ty Phát triển Greenergy (tại Mandanao) ký thỏa thuận xây một nhà máy thủy điện trị giá 1 tỉ USD với Công ty Điện lực Trung Quốc vào tháng 10/2016. Tuy nhiên, phía Trung Quốc liên tục đòi hoãn thời hạn khởi công. Đến lần đòi dời hạn cuối vào tháng 2/2017 thì công ty Philippines hết kiên nhẫn. Giám đốc điều hành Cerael Donggay của Greenergy nói: “Chúng tôi chấm dứt thỏa thuận đó rồi và hiện đàm phán với một công ty Hồng Kông khác để tiếp tục dự án”. Hay một trong những công ty khai mỏ lớn nhất Philippines là Global Ferronickel đã ký một thỏa thuận với Baiyin Nonferrous Group của Trung Quốc, cũng vào tháng 10/2016, để xây dựng một nhà máy thép không rỉ trị giá 700 triệu USD ở Philippines. Tương tự dự án thủy điện của Greenery, dự án nhà máy thép này đến nay cũng trong tình trạng hoãn vô thời hạn. Một thỏa thuận khác trị giá 780 triệu USD cũng được ký vào tháng 10/2016 để đắp 3 hòn đảo trong một khu ngập nước ở Davao, quê nhà ông Duterte. Tuy nhiên, thỏa thuận bị hủy vào tháng 7/2017 sau khi Thị trưởng Davao Sara Duterte-Carpio (cũng là con gái Tổng thống Philippines) khẳng định dự án không đem lại giá trị thương mại.

Số liệu từ Cơ quan Phát triển Kinh tế Quốc gia Philippines (NEDA) cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa số tiền Trung Quốc cam kết đầu tư cho các dự án xây đường, cầu, đường sắt cho nước này và số tiền đã giải ngân thực tế. Đến nay mới chỉ có ba dự án lớn được động thổ gồm hai cây cầu ở Manila và một hệ thống tưới tiêu với tổng giá trị 124 triệu USD. Ít nhất 17 dự án khác đang ở giai đoạn quy hoạch và chờ Bắc Kinh phê duyệt rót vốn hoặc đề cử nhà thầu Trung Quốc…

Nghị sĩ đối lập Gary Alejano của Philippines (8/5/2018) từng cảnh báo Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đang trượt vào chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc mà Manila có khả năng phải trả giá trên Biển Đông. Hiện Chính quyền của ông Duterte có thể vẫn chưa đứng trước nguy cơ vỡ nợ nhưng việc cứ liên tục vay những khoản tiền khổng lồ không kiểm soát từ Trung Quốc để hoàn thành các dự án lớn có thể khiến Philippines rơi vào bẫy nợ, đặc biệt là sẽ chứng kiến cảnh ông Duterte quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Chuyên gia Tara Francis Chan phân tích cho rằng Trung Quốc luôn cho các nước vay với “lãi suất cắt cổ”; hiện nay các khoản vay của Philippines từ Trung Quốc phải chịu mức lãi suất lên tới 2%-3% trong khi mức lãi suất từ Nhật Bản chỉ ở mức 0,25%-0,75%. Ông Song Seng Wun (chuyên gia kinh tế, Singapore) nhận định, việc Philippines tiếp tục được tài trợ của Trung Quốc là điều không đáng ngạc nhiên, song các khoản tài trợ đó đi kèm điều kiện Philippines phải nghiêng về Trung Quốc trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.Đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tiết lộ thêm rằng Bắc Kinh đã cho Philippines vay và tài trợ tổng cộng 7,34 tỉ USD để thực hiện 10 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, song các khoản vay luôn kèm theo những thỏa thuận chi trả, chẳng hạn dùng một số tài nguyên thiên nhiên thế chấp.

Trung Quốc hầu như không thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) mới đây công bố báo cáo cho biết, Trung Quốc trên thực tế chỉ tuân thủ 2 trong tổng số 11 phán quyết đưa ra tại La Hague. Đó là cho phép người Philippines đánh cá dọc bên ngoài bãi cạn Scarborough và ngừng hủy hoại môi trường ở Biển Đông (nhưng chỉ về mặt kỹ thuật). Việc Trung Quốc không tuân thủ 9 phán quyết còn lại là không thể chấp nhận, nhưng điều tồi tệ hơn là Philippines đang từ chối thực thi các phán quyết ở La Hague.

Trong khi đó, những điểm quan trọng của Phán quyết mà Trung Quốc chưa thực hiện bao gồm: Trung Quốc đã không tuân thủ phán quyết về việc không được yêu sách “chủ quyền lịch sử” hoặc các quyền khác trong phạm vi “đường 9 đoạn” vốn vượt khỏi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được mà Trung Quốc được Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cho phép; không tuân thủ phán quyết về quy định bãi cạn Scarborough và các thực thể thủy triều cao ở quần đảo Trường Sa có lãnh hải nhưng không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa; không tuân thủ phán quyết về bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển xung quanh nó; không tuân thủ phán quyết khi chiếm đóng trái phép Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; vi phạm quyền đánh cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình; không ngăn chặn ngư dân của họ hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines; tiếp tục cho phép ngư dân khai thác trái phép các loài có nguy cơ tuyệt chủng bằng cách biện pháp tàn phá môi trường; phá hủy trái phép môi trường biển thông qua việc xây đắp đảo, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã vi phạm các quy định về chống va chạm bằng cách tạo ra nguy cơ va chạm và gây nguy hiểm cho các tàu của Philippines.

Philippines cần làm gì để bảo vệ Phán quyết của Tòa

Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết có nhiều cách để thực thi phán quyết quốc tế về Biển Đông mà không cần chiến tranh với Trung Quốc. Ngoài ra, ông Carpio chỉ ra những cách có thể thực thi phán quyết trên: (1) Tham gia thỏa thuận hoặc công ước về biên giới biển với Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei. Ông Carpio cho rằng: một công ước phù hợp với phán quyết của phán quyết trọng tài có thể khẳng định rằng không thực thể địa chất nào ở quần đảo Trường Sa tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế. Các thực thể hàng hải bao trùm khu vực Biển Đông, nơi Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Brunei, Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp. Nếu công ước được thông qua, theo ông Carpio, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế do Trường Sa tạo ra, và họ sẽ bị cô lập. (2) Nộp một yêu sách thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông ngoài vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi Luzon, nơi Trung Quốc là quốc gia ven biển đối diện. Phán quyết 2016 đã vô hiệu hóa yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Ông Carpio cho biết thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc không chồng lấn với Philippines. Manila có thể nộp yêu cầu này trước Ủy ban LHQ về ranh giới thềm lục địa. (3) Triển khai 10 tàu phản ứng mới do Nhật Bản tặng Cảnh sát biển Philippines. Ông Carpio cho biết các tàu đa chức năng mới sẽ giúp xua đuổi những kẻ đánh bắt trộm từ các quốc gia khác. (4) Hoan nghênh chiến dịch thực thi tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Canada ở Biển Đông. Theo đó, các hoạt động hải quân và trên không của các cường quốc hải quân này, phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế, đã tăng tần suất kể từ phán quyết trọng tài năm 2016. Đây là sự thực thi mạnh mẽ nhất của phán quyết trọng tài. (5) Gửi Hải quân Philippines tham gia FONOP. Tổng thống Duterte đã kiên quyết không gửi tàu hải quân đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Carpio cho biết việc yêu cầu hải quân Philippines tham gia FONOP sẽ khẳng định vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. (6) Mời các quốc gia có tranh chấp như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei tiến hành chiến dịch FONOP chung ở Biển Đông. Ông Carpio cho biết các hoạt động chung thông qua các chiến dịch hải quân và trên không của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của họ sẽ giúp thực thi phán quyết. (7) Ủng hộ các nỗ lực tư nhân thực thi phán quyết. Ông Carpio đã trích dẫn đơn khiếu nại được đệ trình gần đây đối với ông Tập và các quan chức khác của Bắc Kinh liên quan đến “tội ác chống lại nhân loại” tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới