Lợi dụng lúc Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ bận xử lý các vấn đề với Iran ở khu vực vùng Vịnh và dư luận quốc tế đang tập trung quan tâm đến diễn biến ở khu vực vùng Vịnh, Trung Quốc đã cho tàu khảo sát Hải Dương 08 đến khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (Phía Nam Biển Đông), ở Biển Đông tiến hành khảo sát từ đầu tháng 7/2019. Hộ tống tàu Hải Dương có các tàu chấp pháp của Trung Quốc và nhiều tàu cá dân binh (tàu của lực lượng dân quân biển núp dưới danh nghĩa các tàu cá), trong đó có tàu Hải cảnh số hiệu 3901 trọng tải 12.000 tấn.
Từ góc độ pháp lý, khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (Phía Nam Biển Đông) hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam tính từ đường cơ sở phía Nam của Việt Nam hay tính từ Côn Đảo và Phú Quý (hai hòn đảo lớn của Việt Nam đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa 200 hải lý theo Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982). Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển này, nghĩa là quyền độc quyền khai thác và sử dụng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các quốc gia khác chỉ có thể tiến hành các hoạt động kể trên nếu được Việt Nam cho phép dưới hình thức phổ biến nhất là các hiệp ước với các điều khoản quy định chặt chẽ về việc khai thác này.
Khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (Phía Nam Biển Đông) hoàn toàn không liên quan đến quần đảo Trường Sa, không tạo ra vùng biển chồng lấn với quần đảo Trường Sa bởi lẽ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã tuyên bố các thực thể tại quần đảo Trường Sa không thể thiếp lập các vùng biển xa hơn 12 hải lý xung quanh nó. Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài cũng đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nên Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở để yêu sách đối với khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (Phía Nam Biển Đông) và càng không thể có những hoạt động khảo sát ở khu vực này nếu chưa được sự đồng ý của Việt Nam.
Trung Quốc cho rằng trong lúc Mỹ và các nước cũng như dư luận quan tâm tới tình hình vùng vịnh sẽ không để ý đến những hành động ngang ngược của họ ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đã tính toán sai. Ngay sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng xác nhận khu vực Trung Quốc khảo sát hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam, phản đối việc làm của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát hôm 19/7/2019 thì ngay sáng 20/7/2019 Mỹ đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc bắt nạt các nước ven Biển Đông.
Trong phát biểu của mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh Mỹ quan ngại về các thông tin Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí từ lâu của Việt Nam trên Biển Đông; các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí của các bên đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng tới thị trường năng lượng tự do và mở ở Ấn Độ – Thái Bình Dương; yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động bắt nạt và không thực hiện các hành vi khiêu khích, gây bất ổn. Bà Morgan Ortagus dùng nhiều lời lẽ mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, dùng các tàu dân quân để “áp đảo, ép buộc và đe dọa các nước khác, gây nguy hại đến hòa bình và an ninh của khu vực”.
Mặc dù đang rất bận xử lý những vấn đề liên quan đến vùng Vịnh, nhưng ngay trong tối 19/7/2019, ông John Bolton – Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, người thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc khi nhắc đến vấn đề tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải. Trong một phát biểu trên Twitter, ông John Bolton viết: “Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nền tảng của tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á chia sẻ”. “Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc với các nước ASEAN là phản tác dụng và đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực”.
Bên cạnh các phát biểu chính thức của các quan chức Mỹ, nhiều học giả, chuyên gia về Biển Đông cũng đã có những bình luận về hành vi của Trung Quốc. Ông James Kraska, giáo sư về luật hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật Quốc tế Stockton Center thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, khẳng định các tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cách tiếp cận của Bắc Kinh “rõ ràng không được chấp nhận”, chiếu theo phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016. “Đây là sự vi phạm rõ ràng đối với điều 56 của UNCLOS”, giáo sư Kraska nói. Điều 56 của UNCLOS quy định về quyền chủ quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế.
Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales – Úc nhấn mạnh theo UNCLOS, Trung Quốc không được khảo sát thủy văn, địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nếu không được Việt Nam cho phép trước khi khảo sát. Việt Nam có thể kêu gọi các nước trong khu vực và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền của mình theo UNCLOS. Ông Carlyle Thayer còn chỉ ra rằng Trung Quốc muốn hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với những điều khoản có lợi cho họ như loại bỏ “các nước bên ngoài” ra khỏi hoạt động thăm dò dầu khí, diễn tập quân sự ở biển Đông. Trung Quốc đang thúc đẩy việc cùng phát triển giữa các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc và các thành viên ASEAN. Hành động khảo sát của Trung Quốc tại bãi Tư Chính là một minh chứng rõ ràng nhất về ý đồ này của Trung Quốc. Các nước ASEAN cần hết sức tỉnh táo trong đàm phán COC với Trung Quốc, không thể để Trung Quốc biến COC giữa ASEAN và Trung Quốc trở thành nền tảng pháp lý chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của các siêu cường bên ngoài khu vực
Chuyên gia nghiên cứu tại CSIS Poling nhấn mạnh qua việc tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (Phía Nam Biển Đông) có thể đưa ra kết luận: (i) Trung Quốc không muốn các nước láng giềng tham gia vào các hoạt động dầu khí mới, nhưng cùng lúc lại sẵn sàng triển khai các hoạt động của riêng họ ở bất cứ nơi nào họ muốn; (ii) Trung Quốc thích áp dụng biện pháp hù dọa thông qua các tàu hải cảnh và tàu dân quân, thay vì lực lượng quân sự. Ba là, khi các bên yêu sách khác kiềm chế, Trung Quốc thường rút lui thay vì leo thang quân sự. Ông Poling cho rằng nguy cơ khi Trung Quốc điều rất nhiều tàu thuyền với lối hành xử hung hăng như vậy, “nếu xảy ra va chạm vô ý, căng thẳng có thể leo thang”; theo phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng, Trung Quốc không có quyền đưa ra yêu sách tại khu vực này, nếu Việt Nam đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 của UNCLOS, Tòa án rất nhiều khả năng sẽ xử theo án lệ vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Các nhà phân tích phê phán việc Bắc Kinh đã cố tình phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong suốt 3 năm qua, và cho rằng các quốc gia tuân thủ luật pháp cần hỗ trợ nhau để “cùng chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc”. Đó là cách duy nhất để ngăn chặn Trung Quốc. Nếu không, UNCLOS sẽ trở nên vô nghĩa và các quốc gia yếu thế hơn trong khu vực sẽ đánh mất quyền của mình trong việc khai thác các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế. Mỹ và các cường quốc khác bên ngoài có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực thi phán quyết. Các nước cần cùng phối hợp chỉ rõ cái giá về ngoại giao và kinh tế đối với Trung Quốc để gây áp lực buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi.
Sau 2 tuần im lặng, Việt Nam đã bày tỏ mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung ở Biển Đông. Sự việc tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động ở khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (Phía Nam Biển Đông) không đơn thuần là việc vi phạm vùng biển của Việt Nam mà còn thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Giờ là lúc cả cộng đồng quốc tế cùng chung tay hành động vạch trần bộ mặt thật của nhà cầm quyền cơ hội ở Bắc Kinh bảo vệ luật pháp quốc tế.