Cộng đồng quốc tế thừa hiểu âm mưu của TQ muốn loại bỏ sự can dự của quốc tế trong giải quyết vấn đề biển Đông nhằm mặc sức dùng sức mạnh cơ bắp áp đặt ý muốn ngang ngược biến biển Đông thành “ao nhà” của họ.
Tàu TQ khảo sát địa chấn trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN
Một tháng trôi qua, khu vực bãi Tư Chính vẫn căng thẳng. Chưa có dấu hiệu TQ sẽ xuống thang. Còn VN, trong tình thế không thể không thể khác, đã và đang phản ứng quyết liệt để bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi của mình.
Thái độ, cách ứng xử của VN được cộng đồng quốc tế quan tâm và đồng tình. Các cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Nga, đều phê phán hành động của TQ, cho rằng: TQ giống như một quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế khi thực hiện “khảo sát địa chấn” trong khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN.
Ngang ngược, côn đồ trên thực địa, nhưng lời lẽ của TQ thì khác.
Thứ nhất, vẫn giọng điệu cũ, họ hô hoán ầm ĩ trước thiện hạ, đổ cho VN khai thác tài nguyên trong vùng biển của TQ; VN là nguyên nhân gây ra căng thẳng.
Dĩ nhiên, cộng đồng quốc tế đủ tỉnh táo và hiểu biết để không bị TQ lừa bịp.
Thứ hai, là phát biểu trên trang mạng Nhân dân Nhật báo ngày 24/7 vừa qua của ông Hoàng Khê Liên -Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN – về tình hình biển Đông hiện nay với 3 nhận định:
Một là, tình hình biển Đông “ổn định theo hướng tốt lên”. Biển Đông đã chuyển biến từ chỗ là “điểm cọ xát” trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN dần trở thành “điểm tăng trưởng” về đối thoại và hợp tác trên biển.
Nêu điều này, không hiểu ông Hoàng Khê Liên căn cứ vào đâu?
Mất ổn định – sự thực đang diễn ra ở biển Đông, là điều ai cũng thấy và hết sức quan tâm, lo ngại. Từ sau vụ Giàn khoan HD 981 của TQ hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của VN năm 2014, biển Đông gần như chứa khi nào thực sự lặng sóng. Việc bồi đắp các đảo đá, biến chúng thành căn cứ quân sự được TQ tăng tốc. TQ liên tục thử nghiệm vụ khí mới răn đe các nước láng giềng cũng như những nước khác phản đối yêu sách chủ quyền 9 đoạn của họ. Ngư dân VN, PLP và các nước trong khu vực chưa khi nào được thật sự yên ổn làm ăn do sự “đâm húc”, gây hấn, bắt bớ, xua đuổi của tàu TQ, bất chấp thực tế họ chỉ hành nghề trên ngư trường truyền thống.
Với những gì diễn ra, khác với nhận định của ông Đại sứ TQ, thật sự, biển Đông vẫn đang là điểm nóng tranh chấp giữa TQ và các bên liên quan. Tiếng nói đối thoại là hết sức yếu ớt. Vì lẽ, để đối thoại trong vấn đề này, điều tiên quyết là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà TQ là một bên tham gia.
Thượng tôn pháp luật là câu TQ luôn leo lẻo đầu lưỡi. Nhưng thật sự, đây lại là thứ TQ không muốn. Bởi nếu thật sự tôn trọng công pháp, tại sao cách đây 3 năm, TQ bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) trong vụ PLP kiện TQ ?
Hai là, tình hình biển Đông “tiến triển tích cực”.
Lý lẽ của ông Hoàng Khê Liên khi đưa ra nhận định này là đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa TQ với các nước ASEAN có nhiều tiến bộ. Công tác tham vấn COC đã bước vào giai đoạn tăng tốc và Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN nhiều khả năng mang lại những thông tin tốt lành.
Thực tế thì sao?
COC được coi là kỳ vọng để giải quyết tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ qua, đàm phán COC là cực kỳ khó khăn, tiến độ gần như giẫm chân tại chỗ. Bởi lẽ, tính ràng buộc pháp lý – điều kiện cơ bản để COC thực sự có hiệu quả – lại là điều TQ hoàn toàn không hề muốn hiện nay.
Nói đúng hơn, TQ chỉ ủng hộ một cơ sở pháp lý theo kiểu của họ. Cụ thể, TQ đòi hỏi các nước ASEAN chấp nhận sự chiếm đóng, cải tạo, quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trên biển Đông những năm qua; chấp nhận các khu vực mà họ gọi là tranh chấp nhưng kỳ thực, đó là những khu vực họ chiếm trái phép của các nước khác bằng vũ lực – như sự đã rồi, để cùng khai thác chung; yêu cầu ASEAN thừa nhận yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn với 90% biển Đông thuộc về TQ.
Tham lam, ngang ngược, muốn dùng sức mạnh để áp đặt cuộc chơi quốc tế trong một thời đại văn minh – đó là cách mà TQ muốn và đang làm.
Do vậy, điều ông đại sứ TQ vẽ ra cái gọi là những thông tin tốt lành liên quan biển Đông trong Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN thực hoang tưởng. Những ngày này, sóng gió dữ dội ở khu vực bãi Tư Chính đã khiến vấn đề biển Đông thực sự sôi sục trong Hội nghị Ngoại trưởng TQ – ASEAN, nhưng kết cục, tin tức tốt lành nào thấy đâu, ngoài sự lo âu ngày một gia tăng.
Ba là, đề cập hòa bình và sự ổn định của biển Đông, ông Hoàng Khê Liên cho rằng, mối đe dọa lớn nhất đến từ bên ngoài khu vực. Hàm ý của ông đại sứ chỉ một số nước đã lợi dụng và nhân danh “tự do hàng hải” cử tàu chiến, máy bay đến biển Đông sinh sự và can dự cả vào tham vấn COC.
Từ nhận định đó, ông kêu gọi các nước ASEAN cảnh giác cao độ với những thế lực bên ngoài khu vực không muốn nhìn thấy Biển Đông khôi phục hòa bình và yên ổn.
Ô hay, biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, ai không biết. Là tuyến đường chung thì những ai liên quan cần quan tâm. Chẳng lẽ sự quan ngại của cộng đồng quốc tế về diễn biến căng thẳng trên tuyến hàng hải này lại khiến ông Đại sứ TQ khó chịu ? Những hành vi gây sự ngang ngược với VN cũng như các nước trong khu vực mà TQ đang thực hiện ở khu vực bãi Tư Chính, lẽ nào dư luận quốc tế có thể lặng im?
Hay TQ khó chịu vì cộng đồng quốc tế không chỉ quan tâm mà còn nêu đích danh TQ là kẻ gây ra sóng gió và phải chịu trách nhiệm diễn biến phức tạp trên biển Đông chứ không phải một ai khác?
Một câu hỏi, nhưng dư luận thừa hiểu tại sao TQ giãy nảy lên trước sự quan tâm của dư luận. Là bởi, TQ muốn loại bỏ sự can dự của quốc tế trong giải quyết vấn đề biển Đông để mặc sức dùng sức mạnh cơ bắp áp đặt ý muốn ngang ngược độc chiếm biển Đông của họ.
Tham lam, côn đồ lại ra mặt tử tế. Vậy nên, việc ông Đại sứ Hoàng Khê Liên kêu gọi các nước ASEAN cảnh giác với cái mà ông gọi là “các thế lực bên ngoài” thật nực cười và lố bịch vậy!