Quốc vụ Viện Trung Quốc (24/7) đã công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2019 , trong đó tái khẳng định “Trung Quốc không có ý định tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang và ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới”.
Sách trắng: Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới
Với tiêu đề “Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, Sách trắng gồm 6 phần: Tình hình an ninh Quốc tế, Chính sách Quốc phòng Quốc gia, Phòng vệ Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, Thực hiện sứ mệnh và nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, Chi tiêu Quốc phòng vừa phải và hợp lý và đóng góp tích cực cho việc xây dựng cộng đồng với tương lai của loài người. Đây là Sách trắng thứ 10 Trung Quốc công bố từ năm 1998 đến nay.
Về mục đích
Với tiêu đề “Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, Sách trắng được phát hành với mục đích “giúp” cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về các chiến lược quốc phòng của Trung QuốcQ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Tài liệu chỉ ra rằng việc Mỹ củng cố liên minh quân sự châu Á – Thái Bình Dương và liên tục đổi mới công nghệ nhằm trở thành cường quốc quân sự đã gia tăng cuộc cạnh tranh quân sự toàn cầu. Đặc biệt, lần đầu tiên trong bốn năm gần đây, Bắc Kinh nhấn mạnh Washington đã thay đổi quan điểm an ninh quốc gia và bắt đầu xem Trung Quốc là đối thủ.
Sách trắng được cho là sự bày tỏ thái độ không hài lòng của Bắc Kinh với Mỹ nói chung và với “liên minh” Mỹ – Đài Loan nói riêng. Bản tài liệu được công bố trong bối cảnh căng thẳng chưa giảm nhiệt ở tây Thái Bình Dương và những hành động gây tranh cãi của Bắc Kinh nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược trên toàn khu vực, bao gồm cả biển Đông. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất và tuyên bố hòn đảo này sẽ phải chấp nhận thống nhất với Bắc Kinh theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Tình hình an ninh quốc tế
Sách trắng nhận định các vấn đề quốc tế và trong khu vực đang nổi lên, các nỗ lực nhằm giải trừ và kiểm soát vũ trang đang bị đình trệ, và những dấu hiệu cho một cuộc chạy đua vũ trang đang ngày càng tăng cao. Đồng thời chủ nghĩa cực đoan và khủng bố lan rộng. Các vấn đề quốc tế như Iran và Syria đang lâm vào thế bế tắc. Vậy nên không một quốc gia nào có đủ khả năng để giải quyết tất cả những vấn đề trên.
Về quân sự
Sách trắng quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc cho biết, nước này “không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, mở rộng phạm vi ảnh hưởng” lên các nước khác. Đồng thời, tài liệu này cũng nói về việc Bắc Kinh tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc được tự do lựa chọn con đường phát triển của riêng mình, và giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua việc đối thoại, đàm phán bình đẳng. Bắc Kinh cũng phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nhằm áp đặt các chính sách của nước lớn lên nước nhỏ.
Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong thời đại mới gồm có: Luôn sẵn sàng chiến đấu; bảo vệ quyền lợi trong các lĩnh vực an ninh chính; chống khủng bố và bảo đảm sự ổn định; bảo vệ các lợi ích quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ thiên tai;…
Chính sách cải cách quốc phòng và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc bao gồm: Cải cách tổ chức lãnh đạo và hệ thống chỉ huy; Tối ưu hóa quy mô, cấu trúc và thành phần lực lượng; Cải cách những chính sách và thể chế quân đội; Thúc đẩy phát triển quốc phòng và quân sự trên mọi phương diện…
Theo Sách trắng quốc phòng, hải quân Trung Quốc gồm các lực lượng tàu ngầm, tàu nổi, không quân, thủy quân lục chiến và phòng vệ bờ biển. Thể theo các yêu cầu chiến lược về phòng thủ biển gần và bảo vệ biển xa, hải quân Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chuyển đổi nhiệm vụ từ phòng thủ trên biển gần sang các sứ mệnh bảo vệ ở biển xa, và nâng cao năng lực phản công và răn đe chiến lược, vận động trên biển, thực hiện chiến dịch phối hợp trên biển, phòng thủ toàn diện và hỗ trợ tích hợp để xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, hiện đại.
Theo Sách trắng, một đặc điểm nổi bật của quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới là nước này không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng hoặc gây ảnh hưởng. Trung Quốc sẽ không bao giờ gây đau thương cho bất kỳ nước nào khác. Từ khi lập quốc 70 năm trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ khởi tạo bất kỳ cuộc chiến hoặc xung đột nào… Kể từ năm 2012, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã triển khai tàu để thực hiện hơn 4.600 chuyến tuần tra an ninh biển, 72.000 chiến dịch thực thi pháp luật và bảo vệ quyền, bảo đảm hòa bình, ổn định và trật tự trên biển.
Trong khi đó, báo cáo thường niên “Sự phát triển quân sự, an ninh liên quan Trung Quốc năm 2019” mà Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gửi tới Quốc hội Mỹ hồi tháng 5/2019 cho biết, hải quân Trung Quốc là hải quân lớn nhất trong khu vực với hơn 300 tàu chiến và tiếp tục hiện đại hóa nhanh chuyển sang các nền tảng đa nhiệm. Hải quân Trung Quốc đang nhanh chóng thay đổi các nền tảng lỗi thời bằng các tàu chiến lớn, đa nhiệm với nhiều tính năng hiện đại liên quan chống tàu nổi, phòng không, cảm biến và vũ khí chống tàu ngầm. Hải quân Trung Quốc cũng đang tiếp tục mở rộng cơ cấu lực lượng quân đoàn thủy quân lục chiến. Trước đây, quân đoàn thủy quân lục chiến gồm 2 lữ đoàn và khoảng 10.000 quân nhân, bị giới hạn về mặt địa lý và nhiệm vụ tấn công đổ bộ và phòng thủ các tiền đồn ở biển Đông. Đến năm 2020, quân đoàn sẽ gồm 7 lữ đoàn, có thể có hơn 30.000 quân nhân và mở rộng nhiệm vụ để thực hiện các chiến dịch viễn chinh bên ngoài biên giới Trung Quốc. Tổng hành dinh quân đoàn mới được thành lập, chịu trách nhiệm về nhân lực, huấn luyện và trang bị cho các đơn vị. Lần đầu tiên, quân đoàn cũng có tư lệnh riêng dù vẫn thuộc quyền hải quân. Quân đoàn có thể thành lập một lữ đoàn không quân để tăng năng lực tấn công, vận chuyển bằng trực thăng, tăng năng lực tấn công đổ bộ và chiến tranh viễn chính.
Về tàu ngầm, hải quân Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang theo tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng truyền thống. Đến năm 2020, Trung Quốc có khoảng 65-70 tàu ngầm. Trung Quốc tiếp tục tăng số lượng tàu ngầm truyền thống có thể mang tên lửa hành trình chống hạm. Kể từ giữa những năm 1990, hải quân Trung Quốc đã mua 12 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, trong đó có 8 chiếc có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm. Những năm gần đây, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đã chuyển giao 13 tàu ngầm lớp Tống và 17 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện lớp Nguyên. Trong 15 năm qua, hải quân Trung Quốc đã đóng 12 tàu ngầm hạt nhân. Được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo đang hoạt động của Trung Quốc là lực lượng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên của nước này. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 096 thế hệ mới của Trung Quốc sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo JL-3 (dự kiến bắt đầu được đóng vào đầu những năm 2020). Vào giữa những năm 2020, Trung Quốc có thể đóng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên lửa dẫn hướng Type 093B. Loại tàu mới này sẽ nâng cao năng lực chiến tranh chống tàu nổi của hải quân Trung Quốc và có thể tham gia các chiến dịch bí mật tấn công đất liền.
Về tàu nổi, hải quân Trung Quốc tích cực sản xuất tàu tuần dương tên lửa dẫn hướng, tàu khu trục tên lửa dẫn hướng, tàu hộ vệ tên lửa để nâng cao khả năng chống tàu ngầm, chống tàu nổi và phòng không. Những tàu này rất quan trọng vì hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động ra các vùng biển xa ngoài tầm hệ thống phòng không bờ biển. Hải quân Trung Quốc đang nâng cao năng lực chiến tranh ven biển, đặc biệt ở biển Đông và Hoa Đông, tích cực sản xuất tàu hộ tống lớp Giang Đảo. Hơn 40 chiếc tàu loại này đã được phiên chế tính đến cuối năm 2018 và hơn chục chiếc đang được đóng hoặc sắp hoàn thiện…
Về tàu sân bay, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc hoàn tất chạy thử nghiệm năm 2018 và có thể gia nhập hạm đội vào cuối năm 2019. Tàu này là phiên bản chỉnh sửa của tàu Liêu Ninh nhưng vẫn còn hạn chế do thiếu hệ thống máy phóng phi cơ và có sàn máy bay nhỏ hơn hàng không mẫu hạm Mỹ. Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay nội địa thứ hai vào năm 2018, nhiều khả năng lớn hơn và được trang bị hệ thống máy phóng phi cơ. Thiết kế này giúp tàu hỗ trợ thêm máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm cánh cố định và thực hiện nhiều chuyến bay nhanh hơn. Tàu sân bay nội địa thứ hai dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2022…
Về quan hệ với các nước
Sách trắng cho rằng Trung Quốc cho rằng Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia khác xây dựng tiềm năng hạt nhân và tên lửa. Điều này sẽ gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu và cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu quân sự. Nói về chính quyền Tổng thống Donald Trump, bản chiến lược miêu tả Washington đã công kích và tăng cường cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời tăng đáng kể chỉ tiêu quốc phòng, thúc đẩy năng lượng hạt nhân, sức mạnh không gian, phòng thủ tên lửa và gây suy yếu ổn định toàn cầu. Đáng chú ý, Sách trắng cho rằng “Washington đã kích động sự cạnh tranh giữa các nước lớn thông qua việc gia tăng ngân sách quốc phòng, từ đó làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu”. Tuy nhiên, Sách Trắng nhận định tình hình chung ở Thái Bình Dương là “ổn định”.
Quan hệ Trung – Nga đang duy trì mức độ phát triển cao trong mối quan hệ hợp tác song phương. Kể từ năm 2012, các nhân viên quân sự của hai nước đã tổ chức thành công 7 cuộc hội thảo chiến lược. Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Nga đang tiếp tục phát triển cơ chế trao đổi ở tất cả các cấp, mở rộng hợp tác trong khuôn khổ trao đổi cấp cao trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ và trong cuộc chiến chống khủng bố.
Sách trắng cũng cáo buộc việc Mỹ, Nhật Bản, Australia tăng cường hiện diện quân sự và các liên minh của họ ở châu Á – Thái Bình Dương gây bất ổn cho khu vực. Trung Quốc cho rằng việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc đã làm suy yếu nghiêm trọng cán cân khu vực, đồng thời lưu ý việc Nhật sửa đổi hiến pháp để tăng cường phạm vi hoạt động cho quân đội.
Chi tiêu trong quốc phòng phù hợp và hợp lý
Sách trắng nhận định, kể từ khi cải cách mở cửa, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng lên theo cùng mức với sự phát triển kinh tế của đất nước và ngân sách của chính quyền Bắc Kinh. Trong thời đại mới, Trung Quốc cần xây dựng nền quốc phòng vững vàng và tăng cường khả năng của nước này trong chiến trường hiện đại. Chi tiêu quốc phòng đang tăng trưởng đều đặn, và việc chia nhỏ các khoản chi tiêu liên tục được tối ưu hóa.
Đóng góp xây dựng tương lai chung cho nhân loại
Sách trắng cho rằng là một trong những thành viên thường trực thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), Trung Quốc ủng hộ vai trò của LHQ trong các vấn đề quốc tế, nước này kiên quyết giữ vững luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế dựa trên các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Trung Quốc kiên quyết duy trì chủ nghĩa đa phương, tham gia rộng rãi vào vấn đề an ninh toàn cầu, tích cực tham gia kiểm soát và giải giáp vũ khí, và nỗ lực đưa ra các đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề lớn và xây dựng các quy tắc quan trọng.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nắm vai trò quan trọng trong các vấn đề Bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran, và vấn đề Syria. Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại và đàm phán đa phương về vấn đề không gian mạng và không gian vũ trụ, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng các quy tắc quốc tế được chấp nhận rộng rãi và công bằng.
Sự thực khác xa so với những gì Trung Quốc tuyên truyền
Về vấn đề biển đảo, Bắc Kinh vẫn khẳng định chỉ “thực hiện chủ quyền quốc gia khi xây dựng căn cứ và triển khai các hành vi quân sự cần thiết trên các thực thể tại Biển Đông, cũng như khi tiến hành tuần tra các vùng biển gần đảo Điếu Ngư”, mặc dù luật pháp quốc tế chỉ ra rằng những hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông thời gian qua là hoàn toàn phạm pháp.
Sách Trắng Quốc phòng càng cho thấy Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo, chuyên đi bắt nạt và gây hấn với các nước láng giềng, đặc biêt ở Biển Đông. Trong khi vỗ ngực khẳng định Trung Quốc là quốc gia yêu chuộng hòa bình, chưa bao giờ bắt đầu bất cứ một cuộc chiến tranh hay xung đột nào trong 70 năm, nhưng chỉ trong chưa đầy mười ngày qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam ít nhất hai lần chỉ ra việc tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (25/7) nói, việc công bố Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam mong Trung Quốc và các nước trong khu vực sẽ có những đóng góp thiết thực vào xây dựng và bảo vệ hòa bình khu vực và trên thế giới. Liên quan đến việc Sách trắng Quốc phòng khẳng định Biển Đông hiện tại ổn định và được cải thiện, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay, Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các nước ven Biển Đông cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới. Là quốc gia ven biển Đông, Việt Nam mong muốn các nước trong khu vực có những đóng góp thiết thực, xây dựng vào duy trì an ninh, an toàn hàng không, hàng hải, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, qua đó góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Dư luận liên quan:
Truyền thông Trung Quốc nhận định, những nội dung trong Sách trắng sẽ giúp thế giới bên ngoài hiểu ý đồ chiến lược của nền quân sự Trung Quốc, để các nước liên quan và các khu vực biết đâu là “lằn ranh đỏ” đối với PLA ở đâu khi phải đối mặt với một số vấn đề nhất định; Kể từ lần đầu tiên Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng vào năm 1998, “nội dung trong sách trắng về quân đội Trung Quốc đã trở nên ngày càng cởi mở và minh bạch, thể hiện sự tự tin.
Thời báo Hoàn Cẫu dẫn nguồn từ Sách Trắng, cho rằng “Bắc Kinh không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, bành trướng lãnh thổ hay phạm vi ảnh hưởng”. Theo tài liệu này, kể từ khi cải cách và mở cửa, Trung Quốc luôn cam kết thúc đẩy hòa bình thế giới và tự nguyện giảm quân số Quân đội Giải phóng Nhân dân xuống còn hơn 4 triệu quân nhân. Trung Quốc phát triển thành nền kinh tế thứ 2 thế giới không phải bằng cách tăng cường các hoạt động quân sự hay cướp bóc thuộc địa. Thay vào đó, Bắc Kinh phát triển thông qua nỗ lực của người dân nhằm duy trì hòa bình”. Tờ báo cho biết, Trung Quốc khẳng định họ chủ trương hợp tác thay vì liên minh và không tham gia bất cứ khối quân sự nào, nhấn mạnh nước này lên án các hành động xâm lược, bành trướng và phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí tùy tiện. Sự phát triển của quốc phòng Trung Quốc “nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh chính đáng và đóng góp cho sự phát triển của các lực lượng hòa bình trên thế giới. Lịch sử chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh Trung Quốc không bao giờ đi theo vết xe đổ của các cường quốc trong việc tìm kiếm quyền bá chủ. Bất kể phát triển như thế nào, Trung Quốc sẽ không bao giờ đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác”.
Theo Đa Chiều, nội dung “Hoàn thành nhiệm vụ sứ mạng của quân đội trong thời đại mới… Bù đắp khoảng cách giữa các hoạt động ở nước ngoài và khả năng bảo đảm hậu cần, phát triển lực lượng viễn dương, xây dựng các điểm cung cấp hậu cần ở nước ngoài …” đã được ghi rõ trong Sách Trắng. Đa Chiều viết, căn cứ quân sự ở Djibuti (mà Trung Quốc gọi là “căn cứ bảo đảm hậu cần”) đã được đưa vào Sách Trắng này. Điều đó có nghĩa là, việc phát triển các căn cứ quân sự ở nước ngoài đã chính thức được đưa vào chương trình nghị sự của nhiệm vụ quân sự thời đại mới của Trung Quốc.
Tờ Tân Hoa Xã dẫn lời ông Cao YanZhong, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Quân sự nhận định, Sách trắng “lần đầu tiên đã phác thảo hệ thống chính sách quốc phòng của Trung Quốc, và cho toàn thế giới thấy định hướng chiến lược, nguyên tắc cơ bản và ý nghĩa toàn cầu của sự phát triển quốc phòng và lực lượng vũ trang Trung Quốc”. Đồng thời, Trung Quốc tin tưởng chắc chắn rằng, chủ nghĩa bá chủ và bành trướng nhất định sẽ thất bại, và các chính sách an ninh và thịnh vượng sẽ được mở rộng.