Cùng quan điểm với đông đảo giới chuyên gia, học giả quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kentaro Nishimoto tại Đại học Tohoku của Nhật Bản cũng cho rằng việc Trung Quốc điều tàu hoạt động trong vùng biển của Việt Nam là hành vi vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo Phó Giáo sư Kentaro Nishimoto, việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành các hoạt động trong vùng EEZ của Việt Nam là sự vi phạm rõ ràng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Những hành động như vậy nên bị lên án như một sự vi phạm trắng trợn quy tắc rất cơ bản của luật pháp quốc tế. Những hành động bất hợp pháp này sẽ chỉ càng làm gia tăng căng thẳng, vốn đã dâng cao, tại Biển Đông. Ông Kentaro Nishimoto cho rằng động cơ phía sau các hành động của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng ở thời điểm hiện tại. Đây có thể không hẳn là hành động mang động cơ chính trị nhằm thể hiện yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông. Đó có thể là hành động mang định hướng thương mại, đi cùng với ý đồ của chính phủ Trung Quốc nhằm bảo vệ cái mà họ xem là lợi ích của họ; đồng thời đánh giá dù tình hình hiện nay liên quan tới tàu khảo sát của Trung Quốc là rất nghiêm trọng, nhưng ít khả năng nó sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc đàm phán COC, bởi vì các cuộc đàm phán lâu nay vẫn diễn ra bất chấp tình hình khó khăn chung tại Biển Đông. Tuy nhiên, các sự việc gần đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không đảm bảo một cam kết từ phía Trung Quốc về việc tuân thủ các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, Phó Giáo sư Kentaro Nishimoto khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục thể hiện rõ với Trung Quốc, thông qua công hàm ngoại giao phản đối cũng như nỗ lực để ngăn chặn các hoạt động trên biển, rằng những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam như vậy là không thể chấp nhận được. Cộng đồng quốc tế cũng nên thể hiện rõ rằng, đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Trong đó, vai trò của ASEAN là quan trọng nhất trong trường hợp này. ASEAN nên đi đến thống nhất một lập trường rất cơ bản rằng, luật pháp quốc tế nên được tôn trọng và ASEAN sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào đi ngược lại với lập trường đó.
Việt Nam cũng có thể sử dụng luật pháp quốc tế bằng việc tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng, đây không chỉ là vấn đề tranh chấp song phương giữa hai nước, mà còn liên quan tới hành vi không tôn trọng luật pháp quốc tế của một nước lớn, và đó là điều mà tất cả các nước cần quan ngại. Khi Việt Nam đưa vấn đề này ra luật pháp quốc tế, nó cũng giúp các nước bên ngoài khu vực dễ dàng hơn trong việc thể hiện lập trường của họ, ngược lại với trường hợp chỉ đóng khung trong tranh chấp song phương và xem đây là tranh chấp về lợi ích dầu khí trong bối cảnh chính trị khu vực diễn biến phức tạp. Cụ thể, Việt Nam có thể triển khai hành động pháp lý bằng cách sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. Việt Nam có thể đề nghị Tòa trọng tài quốc tế tuyên bố rằng các hành động của Trung Quốc là hành vi vi phạm UNCLOS và nhiều khả năng Việt Nam sẽ nhận được phán quyết ủng hộ từ tòa. Việt Nam cũng có thể đề nghị Tòa trọng tài quốc tế đưa ra giải pháp tạm thời, yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động phi pháp trên Biển Đông. Những biện pháp như vậy sẽ gia tăng thêm sức ép chính trị đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, như những gì chúng ta đã thấy với trường hợp của Philippines, việc gia tăng sức ép với Trung Quốc chỉ là điều chúng ta có thể kỳ vọng. Trung Quốc có thể phớt lờ phán quyết, do vậy tranh chấp khó có thể giải quyết chỉ bằng một phán quyết của tòa án quốc tế. Mặt khác, hành động pháp lý cũng dẫn tới những tác động khác và có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.