Chiều 7/8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam được xác định theo công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam cùng các nước liên quan đang tiếp tục theo dõi sự kiện này.
Bị Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu vào quấy rối nhưng phản ứng của Việt Nam có vẻ như rất chập chờn. Ngoài Tuyên bố c hung chung của Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, và một số Hội nghề nghiệp, các cơ quan lãnh đạo cấp cao hầu như im lặng. Các “cuộc biểu tình yêu nước” ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đã không xuất hiện.
Bầu không khí âm u đó khiến cho nhiều người dân ngạc nhiên. Bởi kẻ xâm lược đánh vào nhà mình, mình chưa nổ súng thì cũng phải lên tiếng chứ! Ít nhất là để tranh thủ dư luận quốc tế lên án hành động “vừa ăn cướp vừa la làng này” của Bắc Kinh.
Sự phản ứng ôn hòa này khác xa với phản ứng của Hà Nội vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Xin nhắc lại ngàn lần rằng Bãi Tư Chính là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam. Điều này được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Kẻ nào có hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 sẽ bị cả thế giới lên án và sẽ phải trả giá đắt!
Mặc dù hết sức căm phẫn nhưng phía Việt Nam đã cố gắng kiềm chế và giữ sự cố ở mức thấp. Sau gần nửa tháng im lặng, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đưa ra một tuyên bố phản đối vào ngày 16/7/2019. Và rồi sau đó, mạnh thêm một bước nữa, Hà Nội kêu gọi “tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế” góp phần duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52 tại Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh chính thức lên án hành động của Trung Quốc.
Dư luận trong nước nhiều lần dấy lên câu hỏi, vì sao Việt Nam vẫn chưa kiện Trung quốc ra tòa quốc tế? Tội trạng của Trung Quốc đã rõ như ban ngày: vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Có chuyên gia ngần ngại, rằng nếu có thắng kiện cũng rơi vào tình trạng như Philippines năm nào. Bắc Kinh sẽ cuộn cả bó hồ sơ phán quyết của Tòa trọng tài LHQ đưa vào hộc tủ. Và rồi Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm phạm các vùng biển Việt Nam với lí lẽ các khu vực đó nằm trong “đường lưỡi bò”, trong cái “vành đai” mơ hồ của họ. Một sự phân vân khác là Trung Quốc sẽ dùng các biện pháp đánh vào nền kinh tế, như ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Như vậy đến nay đối phó với cuộc đối đầu ở Tư Chính Việt Nam đã thắng lợi bước đầu về ngoại giao. Giống như giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 đã rút về khi mùa mưa bão đến. Hà Nội kiên trì phản đối ngoại giao chống lại Trung Quốc thông qua các kênh song phương lẫn đa phương và bước đầu đã buộc Trung Quốc phải đưa nhóm tàu khảo sát ra khỏi khu vực chủ quyền của Việt Nam.
Theo các nhà phân tích chiến lược, kết quả bước đầu này là do Hà Nội hướng vào các lợi ích lâu dài của việc duy trì một mối quan hệ ổn định và hòa bình với Trung Quốc. Đương nhiên không bao giờ tin vào những xảo ngôn, xảo ngữ của Bắc Kinh như “đồng chí tốt”, “đối tác tốt”, mà nên hiểu ngược lại. Hướng tới mục tiêu lâu dài thì nhiều khi phải gác lại các lợi ích ngắn hạn.
Nhưng ngay khi vùng biển Tư Chính bình yên trở lại thì Việt Nam cũng chưa thể yên tâm. Có thể một khu vực khác tàu chiến Trung Quốc lại lù lù xuất hiện. Đối mặt với những đợt xâm nhập mới của Trung Quốc vào vùng biển của mình, Việt Nam phải mạnh lên, kiên quyết hơn bằng sức mạnh quân sự, ngoại giao, bằng chính lòng dân yêu nước.