Sunday, January 5, 2025
Trang chủĐiểm tinChiến tranh thương mại leo thang và biến động hậu trường Trung...

Chiến tranh thương mại leo thang và biến động hậu trường Trung Nam Hải

Giới phân tích cho rằng ẩn sau việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, gây hỗn loạn thị trường thế giới là cuộc cạnh tranh ngầm ở Trung Nam Hải.

Đồng nhân dân tệ giảm xuống mức kỷ lục trong 11 năm qua ngay khi hội nghị bí mật Bắc Đới Hà được tổ chức ở khu nghỉ mát tại tỉnh Hồ Bắc, Nikkei Asian Review cho biết.

“Chính phủ muốn thúc đẩy xuất khẩu và tâm trạng của thị trường. Nhưng kể cả vậy, việc cố tình để tỷ giá ở mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, điều mà họ cố né từ rất lâu, thật sự là điều gây sốc”, một nhà kinh doanh ở Trung Quốc giải thích.

Các công ty tài chính Trung Quốc giải thích động thái điều chỉnh tỷ giá hôm 5/8 là phản ứng khẩn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đợt đánh thuế quy mô lớn tiếp theo nhắm vào Trung Quốc.

Việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ chắc chắn đã nhận được sự đồng ý của các lãnh đạo ở Bắc Đới Hà, nhưng nó đã phản tác dụng.

“Đó là hành vi thao túng tiền tệ”, Tổng thống Trump tweet ngay sau khi có thông báo điều chỉnh tỷ giá và Bộ Tài chính Mỹ đã xếp Trung Quốc vào nhóm “thao túng tiền tệ”.

“Nhìn cây không thấy rừng”

Giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ của Trung Quốc là mục quan trọng trong bản thảo thỏa thuận Mỹ – Trung dài 150 trang. Trước bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc đáp trả bằng cách ngừng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp Mỹ.

Động thái này làm rung chuyển thị trường chứng khoán thế giới. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite Index giảm xuống mức dưới 2.900 điểm, mức được coi là lằn ranh phòng thủ của Bắc Kinh.

Chien tranh thuong mai leo thang va bien dong hau truong Trung Nam Hai hinh anh 1
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (bìa trái), Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc đàm phán ở Thượng Hải vào tháng 7. Ảnh: AP.

Đối với nhiều người, Tổng thống Trump và quan điểm thay đổi liên tục của ông về chính sách đối với Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn loạn thị trường toàn cầu. Nhưng đánh giá vậy chỉ là nhìn cây mà không thấy rừng, theo Nikkei. 

“Hầu hết mọi người không hiểu bản chất thực sự của hiện tượng này. Những gì đang diễn ra là vì những biến động chính trị ở Trung Quốc suốt một năm rưỡi qua”, một nguồn tin kinh tế Trung Quốc nói.

Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức vòng đàm phán thương mại tại Thượng Hải vào cuối tháng 7. Điều này diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng 6.

Vòng đàm phán ở Thượng Hải kết thúc sớm hơn dự kiến mà không giải quyết được vấn đề gì. Bắc Kinh và Washington gần như không thể đồng ý gặp nhau ở Washington vào tháng 9.

Không có tiến triển nào được thực hiện kể từ đầu tháng 5, khi Trung Quốc cắt ngắn bản dự thảo thỏa thuận từ 150 trang xuống còn 105 trang và gửi lại cho Mỹ.

Mấu chốt của vấn đề, theo một nhà nghiên cứu chính trị ở Trung Quốc, là do họp Trung ương lần 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, vốn để bàn thảo chính sách kinh tế trong 5 năm, đã bị trì hoãn gần một năm nay.

“Trong hoàn cảnh vậy, thật khó cho Trung Quốc có thể kết thúc đàm phán với Mỹ”, nhà nghiên cứu nói. Đó là vấn đề đáng kinh ngạc khi gần một năm qua, Trung Quốc được điều hành mà không có đường hướng chính sách kinh tế gì (được Trung ương thông qua). 

Bộ Chính trị Trung Quốc gồm 25 thành viên chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp mỗi tháng. Tuy nhiên, các thông báo từ cuộc họp này chỉ giới hạn trong quan điểm của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế, các biện pháp tạm thời để đối phó với một số vấn đề nhất định. Đây không phải là một cuộc họp để bàn về chính sách cơ bản trong dài hạn.

Sau khi xé bỏ thỏa thuận thương mại với Mỹ vào tháng 5, Chủ tịch Tập đã đến thăm địa điểm lịch sử bắt đầu cuộc “Vạn lý trường chinh” (1934-1936), cuộc rút lui của Hồng quân Trung Quốc, bắt đầu từ tỉnh Giang Tây tiến về Tây Tạng rồi đi tới Thiểm Tây.

Đứng tại địa điểm lịch sử, Chủ tịch Tập kêu gọi cuộc “Vạn lý trường chinh mới”, chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm Giang Tây dường như là hành động để che giấu rằng Trung Quốc không có chiến lược kinh tế dài hạn đối phó với Mỹ.

Những vận động hậu trường

Theo quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Trung ương đảng có nhiệm vụ tổ chức phiên họp toàn thể, ít nhất là một lần mỗi năm, với hơn 200 ủy viên chính thức và 170 ủy viên dự khuyết. Đại hội đảng toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần.

Đại hội toàn quốc gần nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/2017, khi các thành viên của Ủy ban Trung ương khóa 19 được bầu. Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Trung ương đáng lý được tổ chức vào mùa thu năm 2018.

Nhưng các phiên họp Trung ương thứ 2 và thứ 3 đều được tổ chức vào đầu năm 2018 để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) tổ chức vào tháng 3/2018.

Trong phiên họp Quốc hội, Hiến pháp Trung Quốc đã được sửa đổi, loại bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước. Kể từ đó, Chủ tịch Tập ưu tiên việc củng cố sức mạnh chính trị của mình. Đây là lý do tại sao việc sửa đổi Hiến pháp rất quan trọng với ông.

Tuy vậy, những nỗ lực này đã vấp phải sự phản đối từ các phe phái đối thủ và  các lãnh đạo lão thành. Nếu phiên họp Trung ương lần 4 được tổ chức vào mùa thu năm ngoái, ngay sau hội nghị Bắc Đới Hà, nhiều yêu cầu khác nhau có thể xuất hiện, liên quan đến sùng bái cá nhân, người kế vị ông Tập và chính sách với nền kinh tế.

Một tình huống như thế sẽ khiến ông Tập gặp bất lợi. Nhóm thân tín của ông muốn trì hoãn cuộc họp để cho các vấn đề lắng xuống trước khi triệu tập phiên họp Trung ương lần 4.

Một rào cản khác xuất hiện khi có sự nghi ngờ ngày càng tăng trong nội bộ về khả năng xử lý các vấn đề kinh tế vĩ mô của Phó thủ tướng Lưu Hạc. Nếu phiên họp toàn thể được tổ chức ngay sau hội nghị Bắc Đới Hà năm ngoái kết thúc, Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể sẽ có vai trò lớn hơn trong điều hành các chính sách kinh tế. 

Chủ tịch Tập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trì hoãn phiên họp Trung ương 4, theo nhiều người liên quan. Một số nguồn tin khác giải thích rằng Trung ương 4 bị trì hoãn vì sự không chắc chắn về diễn biến cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Katsuji Nakazawa, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, biên tập viên cao cấp của Nikkei, nhận định việc trì hoãn họp Trung ương không giúp Bắc Kinh đạt được tiến bộ về một giải pháp. Trên thực tế, các chính sách kinh tế đối nội và đối ngoại cơ bản Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Điều đó đã cản trở Bắc Kinh trong đàm phán với Washington.

Từ đây đến cuối năm, Chủ tịch Tập buộc phải triệu tập cuộc họp Trung ương  4. Giới phân tích cho rằng ông Tập nên làm điều này càng sớm càng tốt. Nếu ông Tập tiếp tục trì hoãn có thể gây ra thiệt hại thực sự cho nền kinh tế Trung Quốc.

Trong tương lai, cuộc đàm phán với Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề liệu Trung Quốc có thể quay lại với thỏa thuận mà họ đã rút ra vào tháng 5 hay không. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai của ông Tập.

Giới phân tích nhận xét cuộc họp Trung ương lần 4 sẽ là rào cản đầu tiên mà ông Tập phải vượt qua, trước khi tiến tới hội nghị toàn quốc vào năm 2022.

RELATED ARTICLES

Tin mới