Bà Ketty W. Chen, Phó chủ tịch Tổ chức Dân chủ Đài Loan cho hay, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã có tác động đến Đài Loan nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, theo Nikkei.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông gây ra những lo lắng về toan tính của Bắc Kinh đối với Đài Loan, mối lo này đã sục sôi thành các cuộc biểu tình ở Đài Bắc.
Vào ngày Chủ nhật 23/6, theo sau một cuộc biểu tình của khoảng 5.000 người, chủ yếu là những người trẻ tuổi, chống lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi của Hồng Kông, đã diễn một cuộc biểu tình khác lớn hơn nhiều, với hàng trăm ngàn người tham gia, chỉ trích tác động của Trung Quốc lên truyền thông Đài Loan.
Người Đài Loan chống lại “truyền thông đỏ”
Những người biểu tình ở Đài Loan thúc giục chính phủ hành động, chống lại cái gọi là “truyền thông đỏ”, ám chỉ các hãng truyền thông địa phương, bị thâu tóm bởi được các doanh nhân có lợi ích ở Trung Quốc.
Trong khi “truyền thông đỏ” đối diện với những lời chỉ trích của những người biểu tình Đài Loan, thì luật dẫn độ rõ ràng cũng khiến người Đài Loan hết sức quan ngại.
Nỗi lo sợ rằng Bắc Kinh đang thắt chặt sự kìm kẹp của mình đối với thuộc địa cũ của Anh, làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi của người dân Đài Loan về tương lai của chính họ, khiến cho người Đài Loan và Hồng Kông xích lại gần nhau hơn.
Nguyên do các cuộc biểu tình ở Đài Loan có thể bắt nguồn từ đầu năm nay.
Bà Ketty W. Chen (bên trái), Phó chủ tịch của Tổ chức Dân chủ Đài Loan (TFD). (Ảnh: TFD)
Tổng thống Thái Anh Văn ngăn chặn thông điệp thống nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình
Vào ngày 2/1, trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm “Thông điệp gửi đồng bào Đài Loan” năm 1979, ông Tập Cận Bình nhắc lại lời kêu gọi thống nhất, khiến cả Đài Loan và Mỹ cảnh giác cao độ.
Ông Tập lảng tránh hoàn toàn sự hiểu ngầm trước đây giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Quốc Dân đảng theo cái gọi là “Đồng thuận 1992”, rằng có “một Trung Quốc nhưng có 2 cách hiểu khác nhau”.
“Sự đồng thuận 1992” là một thỏa thuận ngầm mà ĐCSTQ đạt được với Quốc dân Đảng vào năm đó, khi Quốc dân Đảng còn nắm quyền ở Đài Loan. Theo sự đồng thuận này, hai bên nhất trí chỉ có một Trung Quốc, nhưng mỗi bên lại có một cách diễn giải khác nhau về ý nghĩa của nguyên tắc này.
Thay vào đó, ông Tập nhấn mạnh, nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, vốn đã áp dụng cho Hồng Kông, là lựa chọn duy nhất cho Đài Loan. Ông Tập nhắc lại rằng “trong khi người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc”, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ lựa chọn quân sự nếu thấy cần thiết.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ngăn chặn trước thông điệp của ông Tập bằng một bài phát biểu năm mới mạnh mẽ, xung đột với thông điệp của ông Tập. Bà Thái giới thiệu 4 điều “cần thiết” như những nền tảng quan trọng, quyết định liệu mối quan hệ xuyên eo biển có thể phát triển tích cực hay không. Bà Thái yêu cầu Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), và xử lý sự khác biệt giữa các eo biển, một cách hòa bình và bình đẳng. Sự thách thức của bà Thái mang lại cho bà một biệt danh mới: “Cô gái Đài Loan Cứng rắn” (La Tai Mei).
Ngay cả phe đối lập Quốc Dân Đảng, vốn thân Bắc Kinh, cũng tuyên bố trong một thông cáo đầu năm rằng: Nền tảng “một quốc gia, hai chế độ” được áp dụng trước khi Hồng Kông quay trở về với đại lục là điều không thể chấp nhận được đối với Đài Loan, bởi hình thức này không được công chúng ủng hộ.
Người Đài Loan lo lắng quyền của họ cũng bị tiêu diệt như ở Hồng Kông
Các cuộc biểu tình của Hồng Kông chống lại dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đã có tác động chính trị và tâm lý to lớn đối với người Đài Loan, đặc biệt là những người trẻ tuổi, bà Bà Ketty nhận định. Giới trẻ ở Đài Loan bây giờ nghĩ rằng, nếu chính sách “một quốc gia, hai chế độ” được triển khai ở Đài Loan, thì quyền tự do ngôn luận và biểu tình của họ sẽ bị tiêu diệt giống như ở Hồng Kông.
Giới trẻ ở Đài Loan hôm 23/6 thúc giục chính phủ hành động chống lại cái gọi là “Truyền thông đỏ”. (Ảnh: NurPhoto/Getty Images)
Ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing-Kee), là một trong 5 nhà xuát bản sách ở Hồng Kông bị mất tích trong năm 2015. Ông chỉ xuất hiện vài tháng sau đó trên truyền hình trong khi bị giam giữ tại Trung Quốc, để “thú nhận” tội lỗi được cho là của mình. Ông Lâm đã nói với đám đông tại cuộc biểu tình chống “truyền thông đỏ” ở Đài Bắc: “Nếu Đài Loan bị cai trị bởi Đại lục trong tương lai, mỗi người trong số các bạn có thể sẽ phải chạy trốn để thoát khỏi nguy hiểm đến tính mạng, giống như tôi đây”.
Bà Ketty nhấn mạnh: “Đối với những người trong chúng ta, sống hoặc làm việc tại Đài Loan, mối liên hệ giữa lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với Đài Loan và dự luật dẫn độ của Hồng Kông, là khá rõ ràng. Hầu hết người Đài Loan, bao gồm cả những người bỏ phiếu cho Quốc Dân đảng (hiện là phe đối lập với đảng cầm quyền của bà Thái Văn Anh), đều được hưởng tự do và bảo vệ các quyền, đi kèm với hệ thống dân chủ, và không muốn từ bỏ điều đó”.
Đối với cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm tới, bản sắc dân tộc, chủ quyền của Đài Loan, và mức độ mà các ứng cử viên chính trị lên kế hoạch bảo vệ lối sống dân chủ của họ, đang là trung tâm của các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên.
Tổng thống Thái Anh Văn đã tuyên bố quan điểm của mình. Nhưng, Quốc Dân đảng, vốn từ lâu đã nghiêng nhiều hơn về phía Bắc Kinh, qua các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng, 5 ứng cử viên tổng thống chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế.
Một cuộc khảo sát gần đây do tổ chức Academia Sinica của Đài Loan cho thấy, hầu hết những người được hỏi hiện đều coi trọng chủ quyền hơn so với lợi ích kinh tế trong quan hệ xuyên eo biển. Theo bà Ketty, tinh thần ủng hộ độc lập này sẽ tồn tại rất lâu sau các cuộc thăm dò, chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục cố gắng kìm hãm Đài Loan.
Dự kiến, cuộc khảo sát năm 2019 của Tổ chức Dân chủ Đài Loan công bố vào tháng Bảy này, sẽ lặp lại kết quả của năm ngoái, rằng phần lớn người dân Đài Loan (73%) tin rằng mặc dù dân chủ là không hoàn hảo, nhưng họ nghĩ rằng đó vẫn là hình thức tốt nhất của chính thể.
Chính quyền Trump sắp cứng rắn với Trung Quốc về tự do tín ngưỡng?
Trong bài phát biểu gần đây nhất của mình tại Đại học Columbia hôm 13/7, trong thời gian dừng chân thăm các đồng minh ngoại giao của Đài Loan ở Caribbean, Tổng thống Thái Anh Văn đã nhấn mạnh quan điểm của người Đài Loan là ủng hộ những người trẻ tuổi ở Hồng Kông, và kinh nghiệm “một quốc gia, hai chế độ” đã chứng minh cho thế giới thấy rằng chủ nghĩa độc tài và dân chủ không thể cùng tồn tại ở cùng một nơi.
“Nếu ông Tập kiên quyết với lập trường cứng rắn của mình đối với Hồng Kông và Đài Loan, nó sẽ chỉ khiến mọi người ở Hồng Kông và Đài Loan xích lại gần nhau hơn và khiến Bắc Kinh không thể thực hiện được hy vọng thống nhất”, bà Ketty kết luận.