Sau khi tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc rút khỏi bãi Tư Chính của Việt Nam rồi quay trở lại với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, dư luận hết sức lo ngại, liệu rằng có xảy ra đụng độ trên biển? Không ai muốn chiến tranh, nhưng nếu như phía Trung Quốc không chịu rút khỏi thềm lục địa Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế thì Hà Nội buộc phải giáng trả hành động xâm lược, như đã từng chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.
Đó là lòng dân khi vận nước bị đe dọa. Cố nhiên đó cũng là phương án cuối cùng.
Còn lúc này đây, đấu tranh chính trị, ngoại giao vẫn là điều cần đặt lên trước hết và trên hết – giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực.
Các hành động xấu xa của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng thể hiện những mưu toan không ngừng nghỉ nhằm củng cố các yêu sách đối với các tài nguyên hàng hải ở khu vực Đông Nam Á. Sau khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng các căn cứ quân sự trên các thực thể hàng hải ở Biển Đông họ đã đặt mũi tiến công ở mặt trận kinh tế. Bắc Kinh bắt đầu tập trung khai thác nguồn tài nguyên trù phú ở Biển Đông, trong đó có các lô dầu khí.
Thật là quái gở khi Bắc Kinh đưa ra yêu sách trong đàm phán về COC là các nước tranh chấp không được phép hợp tác với các nước bên ngoài khu vực để khai thác tài nguyên ở Biển Đông nếu như không có sự đồng ý của Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực. Rõ ràng Trung quốc muốn hợp tác khai thác dầu khí với các nước ASEAN liên quan và ít nhất muốn loại bỏ sự tham gia của các công ty Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ ra khỏi những hợp tác dầu khí này.
Để đập tan âm mưu của Trung Quốc, Việt Nam không có cách nào khác là phải vận động sự ủng hộ của quốc tế và kiên trì đấu tranh ở thực địa. Hà Nội cần nỗ lực liên minh với các quốc gia ASEAN có cùng chí hướng để thuyết phục thế giới tin tưởng vào các cơ sở chính đáng bảo vệ cho các lập trường của Việt Nam. Hà Nội cần chủ động hơn nữa trong việc giải thích quan điểm của mình tại các diễn đàn quốc tế.
Sắp tới, kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ở Mỹ sẽ là một dịp tốt để Việt Nam trình bày quan điểm của mình. Đừng để cho Bắc Kinh tiếp tục giở lá bài “đường chín đoạn” để thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông. Cần nhắc lại rằng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại Lahaye năm 2016 đãtuyên “đường lưỡi bò” không có căn cứ, vô giá trị.
Thời gian qua, trước hành động phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam đã có nhiều hành động phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng; yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.
Trên thực địa ở Bãi Tư Chính các lực lượng hải quân, cảnh sát biển của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, các nước ủng hộ Việt Nam hiện chưa nhiều. Hà Nội cần tranh thủ tiếng nói của cộng đồng quốc tế, sử dụng triệt để, hiệu quả chính sách ngoại giao nền ngoại giao nhằm đạt được mục đíchhòa bình, giải quyết các mâu thuẫn quốc tế.
Biển Đông là tuyến đường giao thương, hàng hải lớn. Các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… đều có những lợi ích đan xen. Đây là những nước có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác về kinh tế, đồng thời họ cũng là những nước có chi phí, tiềm lực quốc phòng mạnh nhất (Mỹ khoảng 600 tỷ USD, Trung Quốc khoảng 200 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 45-50 tỷ USD). Do đó, mọi động thái của các quốc gia này đều liên quan tới vấn đề an ninh, ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực.
Phản ứng riêng rẽ của từng nước vô hình trung có thể khiến Trung Quốc đạt được lợi thế. Cho nên Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia bị Trung Quốc “bắt nạt” như Malaysia, Indonesia và Philippines để thu thập bằng chứng về những hành vi phi pháp của Trung Quốc rồi cùng có nỗ lực ứng phó chung.
Trên thực địa, các lực lượng chức năng Việt Nam phải sử dụng những biện pháp kiên quyết, nhưng cũng rất kiềm chế. Có như vậy mớibảo đảm hành động phù hợp với đường lối ngoại giao, với những quy định của UNCLOS, pháp luật quốc tế. Nếu không sẽ mắc bẫy Trung Quốc.