Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 12/08/2019

Bản tin Biển Đông ngày 12/08/2019

Bản tin Biển Đông ngày 12/08/2019.

Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục phủ nhận Phán quyết Biển Đông

Ngày 12/8, trang Express UK đưa tin Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm không công nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông.

Tuần trước, Người Phát ngôn Tổng thống Philippines Duterte cho biết ông Duterte dự kiến sẽ nêu Phán quyết của Tòa Trọng tài trong chuyến thăm Bắc Kinh tới đây, bên cạnh Thỏa thuận khai thác chung và thúc đẩy đàm phán COC. Ông Duterte vừa qua đã vấp phải một số chỉ trích trong nước vì quan điểm mềm yếu trước các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa cho biết Trung Quốc “sẽ không chấp nhận hoặc công nhận Phán quyết”, ông Triệu phát biểu với phóng viên cho biết “Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không chấp nhận Phán quyết. Quan điểm này vẫn giữ nguyên. Chúng tôi không thay đổi và sẽ không bị thay đổi”. Ông Triệu Giám Hoa cũng cho biết ông không muốn tranh cãi vấn đề này với các đối tác Philippines.

Tuyên bố mới nhất này của ông Triệu Giám Hoa được chuyên gia bình luận là “sự từ chối thẳng thừng” và “bất chấp uy tín” của Tổng thống Philippines Duterte.

Điều Bắc Kinh thực sự muốn từ COC

Ngày 12/8, Nikkei Asian Review đăng bài phân tích cho rằng mặc dù Bắc Kinh thể hiện xu hướng hợp tác, tham vọng thực sự của Bắc Kinh vẫn là chiếm trọn Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 cho biết Trung Quốc và ASEAN đã đạt nhiều “tiến bộ lớn” trong đàm phán COC nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh giai đoạn đầu tiên của đàm phán đã được hoàn thành trước thời hạn. Tuy nhiên, trong lúc Trung Quốc hết sức ca ngợi về tiến trình đàm phán thì ASEAN lại tỏ ra ít mặn mà hơn.

Điều này không có gì ngạc nhiên khi mà Trung Quốc, một mặt tiếp tục đàm phán, mặt khác tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể hiện tham vọng kiểm soát Biển Đông. Tháng 4/2018, ngay trước Hội nghị Thượng định ASEAN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự diễn tập quân sự quy mô lớn ở Biển Đông. Năm nay, Trung Quốc tiến hành thử 06 tên lửa đạn đạo chống hạm ngay trước thềm Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) tại Băng-cốc. Ngày 24/7, Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng đầu tiên trong vòng 4 năm qua, khẳng định Biển Đông là “một phần lãnh thổ không thể tách rời” và Trung Quốc “thực hiện chủ quyền quốc gia thông qua xây dựng cơ sở vật chất và triển khai các thiết bị quân sự cần thiết trên các thực thể ở Biển Đông”. Trung Quốc không hề có dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng việc cải tạo đảo và xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã hoàn thành xong các kho chứa đạn dược và nhiên liệu, các cơ sở dữ liệu Radar và đường băng dài tới 3.000 mét trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá Philippines ngay trong vùng EEZ của nước này và tiến hành khảo sát thăm dò ngay trong vùng EEZ của Việt Nam.

Vậy tại sao Trung Quốc lại tỏ ra hào hứng về COC hơn ASEAN?

Thứ nhất, Phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016 đã tuyên bố yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc hoàn toàn vô căn cứ theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Trung Quốc đã cố tình không công nhận Phán quyết. Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên Liên hợp quốc, Trung Quốc không muốn bị xem là nước không tuân thủ luật pháp quốc tế. Do vậy, Trung Quốc tin rằng thông qua COC, Trung Quốc có thể loại bỏ được ảnh hưởng của Phán quyết và vẫn giữ gìn hình ảnh nước lớn “tuân thủ luật chơi”.

Thứ hai, căng thẳng ở eo biển Đài Loan gia tăng thời gian qua cũng là nhân tố giải thích cho thái độ của Trung Quốc đối với COC. Trung Quốc muốn sớm đạt được thỏa thuận với ASEAN để có thể yên tâm tập trung vào đối phó với Washington.

Tuy nhiên, sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh không có nghĩa là thỏa hiệp để giải quyết vấn đề Biển Đông. Ý định thực sự của Trung Quốc có thể thấy được trong khuôn khổ các cuộc đàm phán.

Đầu tiên, Trung Quốc không đàm phán với toàn khối ASEAN mà làm việc với từng nước riêng lẻ. Dự thảo đầu tiên của COC là một tập hợp gồm 11 bộ các đề xuất từ Trung Quốc và 10 nước ASEAN, chứ không phải là hai bộ để xuất từ Trung Quốc và từ ASEAN với tư cách là một khối chung. Việc Trung Quốc tách riêng từng nước ASEAN sẽ giúp nước này tối đa hóa ảnh hưởng trong đàm phán.

Thứ hai, Trung Quốc đơn phương đưa ra thời hạn 3 năm bởi đây là giai đoạn Philippines đảm nhận vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc theo quy tắc luân phiên, do vậy cũng sẽ là nước giám sát quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Không giống người tiền nhiệm, Tổng thống Philippines hiện nay Rodrigo Duterte có quan điểm thân thiện với chính quyền Bắc Kinh, với hy vọng nhận được các viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh.

Một nguồn tin cho biết Trung Quốc hiện đang đặt ra ba yêu cầu cơ bản về COC: (i) COC không được bao hàm UNCLOS 1982; (ii) Diễn tập quân sự với các nước ngoài khu vực cần được đồng ý bởi tất cả các bên; (iii) Không hợp tác khai thác tài nguyên với các nước bên ngoài khu vực.

ASEAN sẽ không chấp nhận những yêu cầu này vì điều này làm vô hiệu hóa Phán quyết của Tòa Trọng tài và ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu tại khu vực. Như vậy, không giống giai đoạn đầu, đàm phán COC thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. COC được kỳ vọng sẽ kiểm soát hành vi của các quốc gia tại Biển Đông. Tuy nhiên, nếu ASEAN vội vàng thỏa hiệp, ASEAN sẽ bị trói buộc bởi một COC hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.

Như vậy, câu hỏi ở đây là liệu bằng cách nào ASEAN có thể giữ được đoàn kết mà không bị Bắc Kinh khuất phục. Đàm phán COC sắp tới sẽ là phép thử lớn đối với khối ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới