Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThấy gì ở chuyến thăm TQ của ông Duterte?

Thấy gì ở chuyến thăm TQ của ông Duterte?

Tổng thống Duterte đã đặt chân tới Bắc Kinh trong bối cảnh nhiều kỳ vọng ông sẽ nêu phán quyết Biển Đông với Trung Quốc. Kết quả thực tế có thể sẽ khiến nhiều người thất vọng.

Số lần thăm chính thức Trung Quốc của ông Duterte đã vượt quá số lần của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – một đồng minh thân cận của Trung Quốc. 

Sẽ có rất nhiều chuyện để bàn trong chuyến thăm dài tới 5 ngày lần này, nổi cộm trong số đó là vấn đề thăm dò và khai thác dầu khí chung giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục bị lên án vì các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của các nước khác trong khu vực.

Bộ Tài chính Philippines thông báo ít nhất 5 thỏa thuận sẽ được ký kết trong lúc ông Duterte tận hưởng các trận đấu World Cup bóng rổ 2019 cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn.

“Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc sẽ chỉ có thể mạnh mẽ hơn nữa, bất chấp những thách thức gần đây”, tổng thống Duterte nhấn mạnh trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 29-8.

Trao đổi bên lề ngày 29-8, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Sta. Romana tiết lộ ông Duterte đang muốn đẩy nhanh việc thực hiện biên bản ghi nhớ về phát triển tài nguyên chung với Trung Quốc trên Biển Đông trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Thấy gì ở chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte? - Ảnh 3.
Tổng thống Duterte (trái) trong cuộc gặp lần thứ 5 với ông Tập ở nhà khách Điếu Ngư Đài ngày 29-8 – Ảnh: Phủ tổng thống Philippines

Chuyên gia Philippines: Không dễ ăn Trung Quốc

Năm 2016, phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã bác bỏ cái gọi là chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách 2 không với phán quyết này: không công nhận và không thực thi.

Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Duterte đã tuyên bố sẽ nêu phán quyết Biển Đông và đề xuất một thỏa thuận khai thác dầu khí chung theo tỉ lệ ăn chia 6:4. Các tuyên bố đó khiến nhiều người dân Philippines tin rằng đã tới lúc phải cứng với Trung Quốc sau liên tiếp các sự cố trên Biển Đông, từ vụ tàu cá bị đâm chìm đến việc tàu chiến Trung Quốc ra vào biển Philippines như ao nhà.

Các chuyên gia hàng đầu Philippines về luật biển không tin ông Duterte có thể sử dụng phán quyết như một đòn bẫy trong đàm phán với Trung Quốc.

Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines lý giải sự lạc quan xen lẫn kỳ vọng của người dân Philippines trước thềm chuyến thăm. “Kể từ năm 2016, họ đã được chính phủ bảo rằng phải chờ đến ‘thời điểm thích hợp’ để nêu phán quyết Biển Đông và giờ thì họ lại được bảo ‘thời cơ đã tới’. Tôi nghĩ họ nên được nghe điều này: đàm phán với Trung Quốc không phải chuyện dễ”.

Đồng quan điểm, ông Rommel Banlaoi – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Trung Quốc của Philippines, cho rằng những tuyên bố của ông Duterte chỉ là một phần trong những chính sách dân túy của ông này, mà mục đích chính là giải quyết những lo ngại và dập tắt các chỉ trích trong nước nói ông quá yếu mềm trước Trung Quốc.

“Khả năng ông Duterte nhắc tới phán quyết khi gặp ông Tập là có, nhưng để đàm phán dựa trên đó là không phù hợp bởi xét về mặt ngoại giao, nó khiến nước chủ nhà bối rối. 

Tổng thống Duterte thăm Trung Quốc không phải để làm suy yếu quan hệ giữa hai nước, mà ngược lại ông ta đang tìm cách tăng cường hơn nữa các hợp tác thực dụng với Trung Quốc”, ông Banlaoi lập luận.

Vị chuyên gia này cho rằng Trung Quốc hiểu rõ vị thế của Philippines và họ sẽ như “mở cờ trong bụng” nếu nghe được lời đề nghị khai thác chung từ miệng ông Duterte ngay tại Bắc Kinh.

 Đối với Philippines, các dự án phát triển dầu khí chung với Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi những cân nhắc kinh tế. Nhưng đối với Trung Quốc, phát triển chung là cách họ thực thi các mục tiêu địa chính trị ở Biển Đông”

Ông Rommel Banlaoi – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Trung Quốc của Philippines

Thấy gì ở chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte? - Ảnh 5.

Tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Bãi Cỏ Rong – Ảnh: AFP

Trung Quốc chấp nhận dưới vế Philippines khi khai thác chung?

Các chuyên gia Philippines đều cho rằng khả năng đạt được một thỏa thuận về thăm dò dầu khí chung giữa Trung Quốc và Philippines trong chuyến đi lần này đã khó, chưa nói đến việc khai thác chung.

Bà Ellen T. Tordesillas, cây bút chuyên bình luận của đài ABS-CBN (Philippines) nhận định kết quả chắc chắn nhất của chuyến thăm lần này sẽ là những cái tên thuộc Nhóm công tác phát triển dầu khí chung.

Trong chuyến thăm của ông Duterte đến Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh và Manila đã đạt được một biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác phát triển dầu khí chung trên Biển Đông. Và dù vẫn chưa xác định rõ khu vực nào sẽ tiến hành thăm dò hoặc khai thác, nhiều người tin rằng đó sẽ là Bãi Cỏ Rong, nơi tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 6.

Trong một hội nghị được tổ chức ở Davao hồi tuần trước, Thẩm phán Antonio T. Carpio, một thành viên của Tòa tối cao Philippines, tiết lộ Trung Quốc đã chấp nhận “chiếu dưới” nếu tham gia khai thác dầu khí chung với Philippines.

“Trong MOU, Trung Quốc đã đồng ý sẽ đầu tư vào nhà thầu dịch vụ của Philippines hoặc là nhà thầu phụ của nhà thầu dịch vụ Philippines và nhận 40% doanh thu, chúng ta sẽ nhận được 60%. Nhà thầu dịch vụ của chúng ta là Forum Energy (FEP)”, ông Carpio khẳng định. Bắc Kinh cũng xác định rõ trong MOU đại diện của Trung Quốc trong tất cả các Nhóm công tác sẽ là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC).

Năm 2010, dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III, FEP giành được 72 hợp đồng thăm dò dịch vụ tại Bãi Cỏ Rong. Công việc bắt đầu trong cùng năm đó đã phải nhanh chóng ngừng lại khi tàu Trung Quốc xuất hiện và quấy nhiễu các tàu Philippines. Một điều khoản trong MOU năm 2018 quy định đại diện của Philippines trong Nhóm công tác sẽ là các nhà thầu dịch vụ đã ký hợp đồng thăm dò tại khu vực chỉ định.

Thẩm phán Carpio cho biết tất cả các hợp đồng dịch vụ của Bộ Năng lượng đều tuyên bố rằng Philippines có quyền chủ quyền đối với dầu khí trong khu vực được giao cho nhà thầu dịch vụ, kể cả các hợp đồng với FEP năm 2010.

“Nếu Trung Quốc, thông qua CNOOC mua cổ phần của nhà thầu dịch vụ hoặc trở thành nhà thầu phụ của nhà thầu dịch vụ Philippines, thì có nghĩa là Bắc Kinh đã chấp nhận Philippines có quyền chủ quyền đối với khu vực được giao cho nhà thầu dịch vụ”, ông Carpio nhấn mạnh.

Trong lúc giới quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ chấp nhận kiếm được ít hơn từ các dự án khai thác dầu khí chung với Philippines để phục vụ cho các mưu đồ sâu xa hơn trên Biển Đông, một câu hỏi khác được đặt ra: Trung Quốc liệu có dễ bị lừa như ông Carpio nói?

RELATED ARTICLES

Tin mới