Một số nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu Nga có đứng về phía Việt Nam trong vụ việc Trung Quốc gây hấn ở khu vực bãi Tư Chính? Xuất hiện câu hỏi này là điều dễ hiểu bởi lẽ Chính quyền của Tổng thống Nga Putin chưa lên tiếng công khai về vụ việc này mặc dù những hành vi của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 tới nay đe dọa an toàn của dự án hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Công ty Rosneft của Nga ở lô 06-1 trên thềm lục địa Việt Nam.
Trước hết, cần thấy rằng hợp tác dầu khí giữa Nga và Việt Nam có lịch sử lâu đời. Liên Xô trước đây đã hợp tác với Việt Nam thành lập liên doanh Vietsopetro tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam từ đầu những năm 80 của Thế kỷ 20 và rất thành công (Năm 1981 xí nghiệp liên doanh Vietsopetro đã đi vào hoạt động tại những khu vực mỏ dầu đã được người Mỹ đánh dấu vào năm 1974). Sau khi Liên Xô tan rã đầu những năm 90 của Thế kỷ trước, Nga đã tiếp quản các dự án hợp tác dầu khí giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và các tập đoàn dầu khí lớn của Nga tiếp tục mở rộng hợp tác với Việt Nam.Hoạt động Liên doanh Vietsopetro đã mang lại những thành quả to lớn về khai thác dầu khí tại Việt Nam và kích thích các công ty dầu khí lớn nhất của Nga đầu tư vào Việt Nam như Gazprom, Zarubezneft, Rosneft.
Lập trường nhất quán của Nga lâu nay là tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà Nga là thành viên. Nga luôn khẳng định kiên trì, khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp Nga triển khai các dự án hợp tác dầu khí với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Thời gian qua, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ do cả Nga và Trung Quốc đang chịu sức ép rất lớn từ Mỹ nên việc Nga không lên tiếng công khai phê phán hành vi gây hấn của Trung Quốc, xâm phạm vùng biển Việt Nam và quấy rối hoạt động dầu khí giữa Việt Nam và Rosneft là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, có thể thấy lập trường của Nga trong hợp tác dầu khí với Việt Nam là không thay đổi. Việc công ty Rosneft kiên trì triển khai dự án hợp tác dầu khí với Việt Nam ở lô 06-1 bất chấp sự uy hiếp của các tàu hải cảnh Trung Quốc thể hiện công ty Rosneft phải có sự hậu thuẫn từ Chính quyền của Tổng thống Putin.
Xét về mặt chiến lược, Nga có lợi ích lớn trong việc duy trì luật lệ dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông và Nga có lợi ích kinh tế lớn trong việc hợp tác dầu khí với các nước ven Biển Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính các dự án hợp tác dầu khí của Nga với Việt Nam giúp Nga củng cố vị thế ở Biển Đông, nhất là trong lúc Nga đang gặp phải những khó khăn trong quan hệ với Mỹ và phương Tây. Việc Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc trong thời gian gần đây chỉ là mang tính sách lược để ứng phó với những thách thức về kinh tế mà Nga đang phải đối mặt. Chính Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng của Nga ở khu vực, giữa Nga và Trung Quốc còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, mâu thuẫn, trong đó có vấn đề Siberi của Nga mà Trung Quốc luôn dòm ngó.
Về mặt lịch sử, Liên Xô trước đây (Nga hiện nay) đã từng đối đầu, thậm chí xảy ra chiến tranh biên giới giữa 2 nước. Đây là bài học mà Nga không thể quên trong quá trình triển khai quan hệ với Trung Quốc. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ kinh tế – thương mại Nga – Trung hiện nay cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho xã hội và kinh tế của Nga.
Chính quyền Nga không lên tiếng công khai về những hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở bãi Tư Chính không có nghĩa là Nga thay đổi qua điểm trên vấn đề Biển Đông. Nga lựa chọn cách làm kiên trì triển khai các hoạt động hợp tác trên thực tế, đồng thời để các học giả, nhà nghiên cứu chân chính của Nga lên tiếng.
Bà Marina Trigubenko – chuyên gia hàng đầu của Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á, Viện kinh tế, Viện hàn lâm khoa học Nga đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc. Bà Marina Trigubenko cho rằng hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại các Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC); những hành động leo thang của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến việc gìn giữ hòa bình, an ninh và tự do hàng hải tại khu vực, gây cản trở các hoạt động khai thác dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam, trong đó có một số dự án liên doanh của Nga với Việt Nam.
Theo bà Marina Trigubenko, tháng 7/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự cảm ơn (thể hiện trong một quyết định của Tổng thống) tới ông Hoàng Vũ Nam – Giám đốc của Rosneft Vietnam, công ty con của công ty Nga Rosneft, một trong những công ty dầu khí lớn nhất thế giới, đã góp phần hợp tác với Nga trong việc phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu- năng lượng. Đây có thể được coi là sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính quyền Nga đối với hợp tác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Bà Marina Trigubenko cho rằng, hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trái với các nguyên tắc của UNCLOS 1982; hoạt động của các xí nghiệp liên doanh Nga-Việt khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp, có lịch sử phát triển thành công lâu dài và đóng vai trò lớn đối với Việt Nam và Nga. Bà Marina Trigubenko nhấn mạnh các tàu hải cảnh và tàu đánh cá của Trung Quốc phải chấm dứt các hoạt động đe dọa Việt Nam, ngừng cản trở hoạt động bình thường của các công ty dầu khí Nga ở Biển Đông.
Bà Marina Trigubenko là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho hoạt động hợp tác khai thác dầu khí giữa Nga và Việt Nam; hiểu rõ lịch sử hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Nga trong 40 năm qua và hiểu rõ tính pháp lý của các khu vực mà Nga đang hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông. Ý kiến của bàMarina Trigubenko thể hiện rõ quan điểm của Nga đối với hợp tác dầu khí Việt – Nga nói chung và vụ việc Trung Quốc xâm lấn thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nói riêng.