Friday, October 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaẤn Độ tiếp tục quan ngại, phản đối TQ hoạt động trái...

Ấn Độ tiếp tục quan ngại, phản đối TQ hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar (29/8) đã lên tiếng về việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nêu rõ: “Biển Đông là một phần chung của toàn cầu. Do vậy, Ấn Độ dành mối quan tâm sâu sắc đến hoà bình và ổn định của khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Ngoài ra, ông Raveesh Kumar cũng nhấn mạnh rằng, mâu thuẫn giữa các bên liên quan cần phải được giải quyết một cách hoà bình, dựa trên sự tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, tránh đe doạ và sử dụng vũ lực.

Trước đó, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi, nhất trí lập trường chung về Biển Đông. Tại cuộc gặp, hai bên cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và nhất trí các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, hàng không, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và trong dịp Việt Nam và Ấn Độ cùng giữ cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ấn Độ bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông. Hai bên khẳng định lập trường chung về Biển Đông cam kết duy trì hoà bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hoà bình phù hợp với UNCLOS.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò lớn hơn khi công bố có lợi ích ở Biển Đông, phản đối các hành động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc phòng và an ninh biển với các nước trong khu vực. Trong đó, Tuyên bố chung Ấn – Mỹ ký kết hồi tháng 9 năm 2014 lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Biển Đông và nêu rõ Ấn Độ, Mỹ có lợi ích chung về an ninh biển, bao gồm tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế. Ngoài ra, Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông tập trung vào các mục tiêu: (1) Đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở; (2) Đảm bảo không có cường quốc nào khống chế toàn bộ khu vực này. Thông qua chính sách này, Ấn Độ đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường can dự với các quốc gia ASEAN. (3) Tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông để đối trọng sự bành trướng của Trung Quốc ra Ấn Độ Dương. Hiện Trung Quốc đang tích cực sử dụng các biện pháp quân sự, ngoại giao, kinh tế để can thiệp sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương thông qua chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm kiềm chế Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các hoạt động giao lưu, tập trận hải quân; theo sát các diễn biến ở Biển Đông để đảm bảo rằng các hành động quyết đoán, cứng rắn và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không diễn ra ở Ấn Độ Dương, nhất là khi Trung Quốc đưa việc bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải thành lợi ích quốc gia. Giáo sư Mohan Malik, Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Ấn Độ đang ngày càng khẳng định mình có quyền lợi chính đáng liên quan tự do hàng hải và khai thác tài nguyên tại Biển Đông. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện trên Biển Đông có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước nhỏ trong khu vực đối trọng với Trung Quốc. (4) Thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ấn Độ tích cực can dự vào Biển Đông là do có sự thay đổi nhận thức, tình hình và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan. Việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo phi pháp các đảo đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm và tiến hành quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đe dọa trực tiếp đến vị thế, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Việc Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và tăng cường quân sự hóa trên các đảo tranh chấp đồng nghĩa với việc tự do hàng hải của các tàu chiến, tàu thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực Biển Đông sẽ bị hạn chế và phải “xin phép” Trung Quốc, nếu không muốn bị cản trở. Trên thực tế, trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ chủ trương phát triển quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng”, chú trọng hợp tác kinh tế, giữ ổn định khu vực. Tuy nhiên, việc tranh chấp biên giới giữa hai nước đang là vấn đề đặt ra mà hai bên cần tiếp tục giải quyết. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên tuyến đường biển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương cũng tác động không nhỏ tới quan hệ hai nước; trong đó, việc Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay Vikrant và chạy thử tàu ngầm hạt nhân đầu tiên,… đã cho thấy tham vọng làm chủ Ấn Độ Dương và tăng cường hiện diện sức mạnh tại Thái Bình Dương của nước này, nhằm cạnh tranh với một số nước lớn trong khu vực.

Thời gian tới, Ấn Độ sẽ tăng cường hiện diện và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm đối phó với những thách thức về tự do hàng hải cũng như đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia. Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp với Mỹ trong duy trì và đảm bảo an ninh, hòa bình ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sẽ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN để tăng cường vai trò, ảnh hưởng của New Delhi ở khu vực cũng như đối phó với Trung Quốc. Từ lâu, cả Ấn Độ và ASEAN đều biết rằng cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác thương mại và quan hệ đồng minh để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, hoặc để tránh bị tổn thương quá lớn trước sức mạnh quân sự đang trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương, trước mắt chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, tham gia các cuộc tập trận hải quân chung, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, dần dần hướng tới các cuộc đối thoại chính sách chiến lược đa phương góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới