Suy thoái kinh tế Trung Quốc đang làm trầm trọng hơn tình trạng căng thẳng của các đối tác thương mại ở châu Phi và Nam Mỹ.
Vào tháng 6, Tổng thống Angola José Eduardo dos Santos lên đường đến Bắc Kinh, ôm hy vọng sẽ đạt được những khoản vay và đầu tư mới từ đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Sau chuyến thăm kéo dài 1 tuần, ông ký kết một thỏa thuận với Trung Quốc về việc xây dựng đập thủy điện có kinh phí lên đến 4,5 tỉ USD và một loạt dự án khác. “Trung Quốc và Angola luôn là anh em tốt và là những đối tác chiến lược bền vững”, theo Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Giờ đây, các mối liên hệ kinh tế của Angola với Trung Quốc lại trở thành một vấn đề nhức nhối và tình trạng tương tự đang lan rộng khắp châu lục đen lẫn các châu lục khác: các nước gắn kết vận mệnh của họ với Trung Quốc đang trở thành con tin của sự hỗn loạn kinh tế xảy ra tại quốc gia Đông Á.
Châu Phi tỉnh giấc
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang gồng mình ngăn trở sự lao dốc kinh tế của đất nước và tình hình này đang gây thêm khó khăn cho quốc gia giàu dầu mỏ như Angola. Các nhà nhập khẩu Angola đang chật vật xoay xở để chi trả cho những nhu yếu phẩm như ngũ cốc, thuốc men.
Hãng Moody’s hồi tuần trước cho hay nợ công gia tăng đang đẩy Angola đến nguy cơ bị hạ bậc tín dụng. Kể từ tháng 1, nội tệ kwanza đã mất ngót 1/4 giá trị so với USD. “Không có Trung Quốc, không có tiền”, theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời một chuyên gia tài chính tại Angola. Ông nói thêm rằng nước này không hề chuẩn bị phát triển những lĩnh vực kinh tế khác, ngoài khai thác dầu thô và khoáng sản.
Tại Zimbabwe, Tổng thống Robert Mugabe, 91 tuổi, tuyên bố nhân dân tệ là tiền pháp định như với USD. Trong 5 năm qua, ông đã liên tục ký kết với Trung Quốc các thỏa thuận phát triển đường sá, mạng lưới viễn thông và nông nghiệp, với tổng trị giá khoảng 4 tỉ USD.
Đến tuần rồi, trong bài phát biểu trước toàn quốc đầu tiên trong 8 năm, ông Mugabe nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách củng cố trở lại các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, quay ngoắt 180o với chính sách “Hướng đông” mà ông theo đuổi lâu nay. Nước láng giềng phía bắc của Zimbabwe là Zambia cũng trong trạng thái “yêu – hận” đan xen với những nhà khai thác mỏ đồng đến từ Trung Quốc. Giữa lúc nhu cầu về khoáng sản của Bắc Kinh đang nguội dần, các công ty ở Zambia loan tin họ có thể cắt giảm hàng ngàn công nhân và từ bỏ các kế hoạch phát triển. Còn tại Nam Phi, các nhà điều hành thú nhận đang phải trả giá cho sự dựa dẫm quá mức vào Trung Quốc. Hiện nền kinh tế nước này suy giảm 1,3% trong quý 2.
Cơn bão Nam Mỹ
Tình hình đang diễn ra tương tự ở châu Mỹ Latin, nơi tập trung các đối tác cung cấp tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô của Trung Quốc.
Theo tờ The Miami Herald, Argentina, Bolivia, Venezuela và các nước Nam Mỹ khác đang đối mặt với cơn bão kinh hoàng: sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, giá cả tiêu dùng giảm, các nhà đầu tư quốc tế đang rút khỏi khu vực, và nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất (khiến các nước khó khăn hơn trong việc vay hoặc trả nợ nước ngoài). Tệ hơn nữa, các số liệu mới từ Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của LHQ (ECLAC) cho thấy tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp của khu vực đã giảm từ 72,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000 xuống còn 58,6% vào năm 2014. Nếu loại bỏ Mexico, công xưởng sản xuất hàng hóa của khu vực, thì sự sụt giảm này còn tệ hơn nữa.
Nói tóm lại, các nền kinh tế lớn nhất châu Phi và Nam Mỹ phụ thuộc lớn vào nhu cầu của Trung Quốc về dầu mỏ, kim cương và các loại khoáng sản khác. Do vậy, sự suy sụp kinh tế sâu hơn ở phương Đông có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiều hướng tăng trưởng kinh tế ở những nơi này. Chuyên gia John Ashbourne của Hãng Capital Economics dự đoán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở vùng hạ Sahara của châu Phi vào khoảng 3,3% trong năm 2015, sau khi liên tục duy trì tỷ lệ trung bình 5,4% trong cả thập niên. “Năm sau sẽ vô cùng chật vật”, chuyên gia này kết luận.