Sau Mỹ, đến lượt Anh đang có kế hoạch điều tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth triển khai các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thực thi luật pháp quốc tế, cũng như phản đối các tuyên bố chủ quyền phi pháp trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Anh được cho là đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay tối tân HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông trong năm 2021. Đây là chuyến hải trình quốc tế đầu tiên của tàu sau khi chính thức đi vào hoạt động trong năm 2020. Tàu dự kiến có tải trọng đến 65.000 tấn và sẽ được trang bị tiêm kích thế hệ mới F-35. Trong khi đó, Người phát ngôn Chính phủ Anh nhấn mạnh sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế tại Biển Đông là bình thường và Anh không phải ngoại lệ. Nước Anh có lợi ích lâu dài tại khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực; nhấn mạnh Anh muốn hỗ trợ Mỹ và Australia thực thi quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế. Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson (11/2/2018) lần đầu tiết lộ kế hoach Anh sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang theo 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 của Anh và Mỹ tới tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những bên vi phạm luật pháp quốc tế trong khu vực. Theo đó, ông Williamson khi đó cho rằng Anh là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong khu vực trên và họ phải thể hiện “quyền lực cứng” để bảo vệ quyền lợi của mình. Đáng chú ý, tờ Navy Recognition dẫn một số nguồn tin cho biết, nhiều khả năng Anh sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và một số tàu khu trục Type 45 và tàu hộ vệ Type 26 thế hệ mới để tiến hành các hoạt động ở Biển Đông trong năm 2021.
Trong thời gian gần đây, Anh đã nhiều lần cử các loại tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vưc. Hải quân Hoàng gia Anh điều tàu các tàu chiến gồm tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll tới vùng biển châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2018. Tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion (31/8) do Đại tá Hải quân Tim Neild chỉ huy đã đi sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa, nhằm thực thi “quyền tự do hàng hải” và thách thức Trung Quốc. Tàu hải quân Hoàng gia HSM Albion là loại tàu tấn công đổ bộ, dài 176 m, rộng 28,9 m, có tải trọng gần 18,8 tấn, đoàn thuỷ thủ trên tàu gồm 353 người, ngoài ra còn một đơn vị thuỷ quân lục chiến với tổng số 202 người. Trước đó, Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã cử một số tàu chiến như tàu hộ vệ HMS Sutherland F81, tàu hộ vệ FS Surcouf (F-711), tàu chiến HMS Sutherland… tuần tra ở Biển Đông. Trước đó, trong năm 2016, Anh cũng điều 4 phi cơ Typhoon bay qua Biển Đông nhằm tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Phản ứng trước kế hoạch trên của Anh, Đại sứ Trung Quốc tại London Lưu Hiểu Minh (9/9) đã lên tiếng chỉ trích cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson với ý tưởng muốn tàu sân bay tới châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là tới khu vực tranh chấp của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Ông Lưu Hiểu Minh tuyên bố, “Trung Quốc xem xét việc gửi tàu chiến của Anh và Mỹ vào vùng biển tranh chấp là hành động thù địch”, đồng thời kêu gọi Anh không bị cuốn vào việc thực hiện các ý định của Mỹ; nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “không dung thứ” cho hành vi “vi phạm chủ quyền của Mỹ” theo ý tưởng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đưa ra nhằm kêu gọi sự gia tăng hiện diện của các đồng minh, bao gồm cả Anh. Đại sứ Trung Quốc cho rằng, hành động của Mỹ đang “phá vỡ trật tự quốc tế” và “gia tăng sự thống trị” của Washington. Cùng quan điểm trên, Tùy viên quân sự TQ tại Anh Tô Quảng Huy cũng chỉ trích động thái đưa tàu sân bay tới Biển Đông của Anh và hành động cổ vũ của Mỹ. Ông Tô Quảng Huy cho rằng, “nếu Mỹ và Anh cùng hợp tác thách thức hay xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đó sẽ được xem là một hành động thù địch”.
Trước đó, Trung Quốc từng tức giận gửi văn bản phản đối đến London sau khi một chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Anh đi vào sát khu vực gần quần đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý và trái phép ở Biển Đông. Cụ thể, hôm 31/8/2018, tàu tấn công đổ bộ có trọng tải 22.000 tấn HMS Albion mang theo một đội Thủy quân lục chiến của Hoàng gia Anh đã tiến vào gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Động thái này khiến Trung Quốc nổi giận phản ứng, bởi Bắc Kinh đang tham lam đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Bắc Kinh thậm chí còn phái một tàu khu trục và hai trực thăng đi đối đầu với Anh. Tuy nhiên, Anh khẳng định chiến hạm của họ đang thực thi “quyền tự do hàng hải” khi đi qua quần đảo Hoàng Sa để đến thành phố Hồ Chí Minh trước khi được triển khai đến Nhật Bản.
Tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Anh liên tục thể hiện quan điểm, lập trường nhất quán trong việc ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế và kiên quyết bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như phản đối các hành động đơn phương, vi phạm luật quốc tế và quân sự hóa trong khu vực. Sự tham gia của Anh vào mặt trận thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy sự lo ngại gia tăng của cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nước bắt đầu lần lượt lên tiếng. Anh mặc dù rất cần hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế nhưng nước này cũng không chấp nhận cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.