Việc ASEAN vừa tiến hành tập trận chung với cả Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy ASEAN đang thể hiện nỗ lực tìm sự cân bằng quan hệ với cả hai siêu cường.
ASEAN tập trận với cả Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông
Ngày 22-28/10/2018, diễn ra cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng hải quân 10 nước ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Tham gia cuộc tập trận trên có 8 tàu chiến và 1.200 quân nhân của 11 nước, với nội dung chính hoạt động cứu hộ cứu nạn chung và thông tin liên lạc. Phát biểu tại lễ khai mạc tại Căn cứ hải quân Nam Hải với sự tham dự của đại diện toàn bộ các nước tham gia cuộc tập trận, Tư lệnh Hải quân Singapore, Chuẩn Đô đốc Lew Chuen Hong đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Biển Đông đối với khu vực, đồng thời khẳng định sự ổn định và an ninh được bảo toàn trên Biển Đông là cơ sở duy nhất có thể đảm bảo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực. Theo ông Lew Chuen Hong, điều quan trọng là cần có một Bộ quy tắc chung và các nước trong khu vực cần có sự thấu hiểu để đảm sự ổn định cũng như chia sẻ quyền lợi chung từ những “không gian chung”. Cụ thể như Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) mà trong năm ngoái đã được các nước ASEAN và các cường quốc trong khu vực nhất trí thúc đẩy. Ý tưởng về cuộc tập trận này lần đầu được đề xuất vào năm 2015 và được ASEAN cùng Trung Quốc nhất trí tiến hành tại một cuộc họp hồi tháng 2/2017.
Trong khi đó, từ 2-6/9, hải quân Mỹ và ASEAN cũng khởi động các cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên (AUMX) ở Biển Đông. Cuộc tập trận bắt đầu tại căn cứ hải quân Sattahip ở Thái Lan và kết thúc ở Singapore. Tham gia cuộc tập trận trên có 8 tàu chiến và 4 máy bay chiến đấu từ 7 quốc gia và 1.250 quân nhân của Mỹ và tất cả 10 nước ASEAN. Cuộc tập trận nhằm thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải hàng không và các hoạt động thương mại không bị ngăn trở theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận. Phát biểu tại lễ khai mạc, Tham mưu trưởng Hải quân Philippines, Chuẩn Đô đốc Loumer Bernabe cho biết, đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và khả năng hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, với nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở. Phó Đô đốc Phil Sawyer, Phó Chỉ huy của Quân đội Mỹ tại Hạm đội 7 tỉnh Kanagawa, lưu ý rằng các nhóm lực lượng đã cùng nhau hoạt động trong các cuộc tập trận suốt cả năm, nhưng ca ngợi các cuộc tập trận mới như địa điểm đa phương để làm việc về các ưu tiên an ninh hàng hải chung trong khu vực. Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Joey Tynch, Giám sát hợp tác an ninh hải quân của Mỹ ở Đông Nam Á cho biết, AUMX giúp xây dựng an ninh hàng hải vững chắc hơn dựa trên sức mạnh của ASEAN, sức mạnh của sự gắn kết các lực lượng hải quân với hải quân của chúng ta và sức mạnh của niềm tin chung đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Tập trận ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Mỹ khác về bản chất và thực tế
Báo Express (Anh) dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích nhận định cuộc tập trận hàng hải chung ASEAN – Mỹ khá tương đồng với các cuộc tập trận ASEAN – Trung Quốc từ năm ngoái đến nay; các mục tiêu chính của cả hai cuộc tập trận đều là nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng như tăng các kỹ năng cần thiết đối phó với các đe dọa an ninh hàng hải có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định các cuộc tập trận hàng hải chung ASEAN – Mỹ và ASEAN – Trung Quốc khác nhau cả về bản chất và thực tế tập trận. Theo nhà phân tích Chaturvedy, hai cuộc tập trận có những điểm khác nhau cơ bản. Theo ông, “cuộc tập trận hàng hải Trung Quốc – ASEAN khá hạn chế về phạm vi, bao gồm các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ và tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa”. Trong khi đó, “ngược lại, cuộc tập trận Mỹ – ASEAN nhằm tăng cường khả năng nhận thức tình huống và tăng cường sự tương tác, kết hợp”. Chuẩn Đô đốc Joey Tynch tại Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng cuộc tập trận không chỉ là “biểu tượng” mà còn “mang lại giá trị cho mỗi nước” thông qua thúc đẩy tương tác và liên kết, tăng cường ngoại giao hàng hải và chia sẻ thông tin hàng hải giữa các nước. Chuyên gia Richard Heydarian, giảng viên khoa học chính trị tại hai đại học Ateneo De Manila và De La Salle (Philippines) cho rằng việc Mỹ đưa một lượng lớn khí tài tham gia tập trận chung với ASEAN nhằm nhấn mạnh cam kết của mình với khu vực. Ông Sean King – Phó Chủ tịch công ty chiến lược chính trị Park Strategies (Mỹ) nhấn mạnh đến việc hai thành viên ASEAN – Philippines và Thái Lan – là các đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Trong khi đó, “Bắc Kinh không có đồng minh chính thức nào trong khối ASEAN”; mức độ sắp đặt hoạt động và trao đổi thông tin quân sự rất khác nhau trong hai cuộc tập trận chung Mỹ -ASEAN và Trung Quốc – ASEAN; ngoài ra, trong khi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thì các nước thành viên ASEAN biết Mỹ không có ý định nào với bất cứ khu vực biển nào mà các nước này tranh chấp.
Đáng chú ý, giới chuyên gia, học giả và truyền thông khu vực, quốc tế còn cho rằng các cuộc tập trận ASEAN – Mỹ và ASEAN – Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang muốn cân bằng ngoại giao giữa với Mỹ và với Trung Quốc. Chuyên gia Heydarian cho rằng, với các nước ASEAN, cuộc tập trận với Mỹ cũng là bước đi chiến lược. Đó có thể là nhằm phản đối việc Trung Quốc muốn thông qua một điều khoản có tính bất lợi cho ASEAN trong Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà hai bên đang thương lượng. Điều khoản này ngăn các ASEAN “tập trận quân sự chung với các nước bên ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan được thông báo trước đó và không có phản đối”. Với ASEAN và cả Mỹ, cuộc tập trận cũng là một phần của nỗ lực thể chế hóa việc xây dựng niềm tin, xây dựng các biện pháp ngăn ngừa xung đột giữa các nước trong khu vực. Chuyên gia Chaturvedy cho rằng ASEAN giữa bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung đang muốn chọn hướng đi thực dụng, chứ không phải những ràng buộc và đòi hỏi lòng trung thành. Vì đặc điểm đa dạng và phức tạp của nội bộ ASEAN, với những nước thành viên có lợi ích quốc gia và ưu tiên khách nhau, việc xây dựng một sự cân bằng với lợi ích khu vực gặp nhiều thách thức hơn. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng của các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ lèo lái khu vực vượt qua những biến động địa chính trị phức tạp hiện nay.
Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc lại có cách nhìn tương đối phiến diện, cho rằng cuộc tập trận giữa Mỹ và ASEAN bao hàm thông điệp chính trị cụ thể. Chuyên gia Trương Bảo Huy, Đại học Lĩnh Nam, Hồng Công cho rằng các tính toán chính trị đều bao trùm cả hai trường hợp. Bắc Kinh muốn xây dựng niềm tin chiến lược tốt hơn với các nước láng giềng, gỡ bỏ những lo lắng về sự trỗi dậy của họ. Mỹ cũng muốn siết chặt hợp tác an ninh với các nước ASEAN để đối trọng với Trung Quốc. Cả hai cuộc diễn tập hàng hải như hình ảnh phản chiếu của cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Tuy nhiên, ông Trương Bảo Huy cho rằng các nước ASEAN không muốn nghiêng hẳn về Mỹ hay Trung Quốc. Điều này khiến các cuộc diễn tập không tác động nhiều về địa chính trị tại khu vực. Ý nghĩa quân sự sẽ hạn chế vì các nước ASEAN về cơ bản không muốn chọn phe. Nhiều nước tham gia đợt diễn tập giữa ASEAN và Mỹ cũng có quan hệ tốt với Trung Quốc; đồng thời nhận định ASEAN đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ. Các nước thành viên muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai siêu cường. Trong khi Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn, Mỹ là người đảm bảo an ninh then chốt. Đây cũng là tình thế khó khăn mà nhiều nước trên khắp thế giới đang đối diện.